Sáp nhập thôn, tổ dân phố: Cần sự đồng thuận của người dân

Theo kế hoạch, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có 121 thôn, tổ dân phố (TDP) phải sáp nhập để thành lập 60 thôn, TDP mới. Muốn vậy, rất cần có sự đồng thuận của người dân và sự tích cực vào cuộc hơn nữa của chính quyền cấp xã.

Tích cực vào cuộc

Tính đến thời điểm 1-9-2019, toàn huyện Lục Ngạn có 379 thôn, TDP. Trong đó, 6 thôn, TDP loại I; 192 thôn, TDP loại II và 81 thôn, TDP loại III. Căn cứ vào tiêu chí về quy mô số hộ gia đình tại Thông tư (TT) 09/2017 của Bộ Nội vụ (sửa đổi, bổ sung một số điều của TT số 04/2012/TT-BNV ngày 31- 8- 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, TDP), huyện Lục Ngạn có 86 thôn, TDP chưa bảo đảm quy mô, đạt 50% tiêu chí số hộ gia đình theo quy định.

Lãnh đạo xã Hồng Giang và thôn Thượng đến vận động, lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập thôn.

Lãnh đạo xã Hồng Giang và thôn Thượng đến vận động, lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập thôn.

Trong số đó có nhiều thôn, TDP phải sáp nhập vào những thôn liền kề đã có số hộ đạt trên 50% tiêu chí về số hộ để thành lập thôn, TDP mới. Qua thống kê, Lục Ngạn có tổng số 121 thôn, tổ dân phố phải sáp nhập với nhau để thành lập 60 thôn, TDP mới. Xã có số thôn sáp nhập nhiều nhất là Thanh Hải với 15 thôn sáp nhập thành 7 thôn mới. Cá biệt có 3 thôn là Giáp Hạ 1, Giáp Hạ 2, Giáp Hạ 3 sáp nhập thành một thôn Giáp Hạ.

Do đó, ngay khi có đề án và quyết định của UBND tỉnh về việc sắp xếp, sáp nhập thôn, TDP trên địa bàn tỉnh, huyện đã tích cực vào cuộc triển khai. Huyện ủy Lục Ngạn đã tổ chức họp trực tuyến triển khai công việc đến các xã có thôn sáp nhập, đồng loạt tổ chức lấy ý kiến sáp nhập thôn, TDP vào ngày 21 và 22-9. Đồng thời lập 8 tổ công tác chỉ đạo sáp nhập thôn, TDP.

Các địa phương nằm trong diện sáp nhập lập đề án, xây dựng kế hoạch chi tiết về thời gian, tiến độ hoàn thành công việc và dự kiến tên các thôn, TDP sau khi sáp nhập. Cấp xã cũng thành lập các tổ, nhóm với sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt cấp xã, từ đó xuống từng thôn, hộ gia đình để họp bàn, vận động, lấy ý kiến người dân trước khi sáp nhập. Thời điểm này, huyện đã sáp nhập 105 thôn, TDP thành 52 thôn, TDP mới, đạt hơn 86% kế hoạch.

Tập trung giải quyết vướng mắc

Với đặc thù là huyện miền núi nên các thôn đều có đồng bào nhiều dân tộc cùng sinh sống. Mặt khác, có khá nhiều bà con ở vùng xuôi lên Lục Ngạn lập nghiệp từ những năm trước nên điều kiện kinh tế, trình độ văn hóa, phong tục tập quán… khác nhau.

Huyện tiếp tục chỉ đạo các tổ công tác của huyện xuống cơ sở cùng với các địa phương vận động, tuyên truyền, giải thích tới từng hộ dân để đạt sự đồng thuận cao nhất. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch sáp nhập thôn, TDP trong năm nay”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Văn Năm

Do vậy, nhận thức về vấn đề sáp nhập thôn còn khá nhiều bất đồng. Theo ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, trong quá trình triển khai, người dân lo ngại việc thay đổi tên thôn, TDP ảnh hưởng đến các thông tin trong giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phong tục tập quán…

Huyện đã chỉ đạo cán bộ các cơ quan, ngành liên quan xuống giải thích nên bà con đã hiểu ra và đồng thuận. Tuy nhiên, việc đặt tên thôn mới lại đang gặp khó.

Tại xã Hồng Giang, xã có 6 thôn sáp nhập còn 3 thôn trong đợt này. Ông Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, người dân thôn Phương Sơn đưa ra điều kiện, sau khi sáp nhập, người thôn cũ nào vẫn sinh hoạt ở nhà văn hóa thôn đó… Ông Tình cho rằng, khó khăn nhất vẫn là việc đặt tên thôn mới.

Ví như, thôn Phương Sơn và thôn Thượng; thôn Bãi Bông và làng Hăng đến giờ vẫn chưa thống nhất được tên mới. Bởi người dân thôn nào cũng có “cái tôi” quá lớn, buộc thôn còn lại phải đặt tên thôn mới theo tên thôn mình.

Không chỉ có Hồng Giang, tại xã Trù Hựu, đại diện cấp ủy, chính quyền xã, Ban Tuyên giáo Huyện ủy nhiều lần xuống dự họp và vận động người dân thôn Thanh Giang và An Ninh để thống nhất tên thôn mới nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Chính điều này đã dẫn tới việc sáp nhập 6 thôn ở Hồng Giang, 2 thôn ở Trù Hựu, 2 thôn ở xã Tân Lập vẫn chưa hoàn thành.

Bên cạnh đó, Lục Ngạn có một số thôn, TDP đề nghị không sáp nhập: Thôn Tân Trung, thôn Đồng Quýt (xã Tân Mộc); TDP khu Dốc Đồn (thị trấn Chũ) do vị trí địa lý cách xa, số hộ gia đình hơn 100 hộ/thôn; thôn Na Lang và thôn Nũn (xã Phong Minh) cách xa nhau gần 5km và có thành phần dân tộc khác biệt.

Việc sáp nhập thôn, TDP là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm khắc phục tình trạng manh mún, phân tán của cộng đồng dân cư, tạo điều kiện xây dựng các thiết chế văn hóa và nâng cao năng lực hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương. Do đó, người dân các thôn cần gạt bỏ những định kiến để hướng tới lợi ích chung. Địa danh thôn cũ có thể không còn trong hiện tại nhưng nó vẫn còn mãi trong những trang sử vẻ vang của Lục Ngạn.

Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/luc-ngan/vai-thieu/315330/sap-nhap-thon-to-dan-pho-can-su-dong-thuan-cua-nguoi-dan.html