Sáp nhập huyện, xã ở Quảng Ngãi, giải quyết cán bộ dôi dư ra sao?

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương được sáp nhập, giải thể đã tích cực thực hiện các bước sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn.

Theo Nghị quyết 867 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 01/02/2020, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi không còn đơn vị hành chính cấp xã. Cũng theo Nghị quyết này, huyện Tây Trà sáp nhập với huyện Trà Bồng. Trong huyện Trà Bồng mới cũng thành lập mới 3 xã trên cơ sở sáp nhập 6 xã không đủ các tiêu chí về diện tích, dân số.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương được sáp nhập, giải thể đã tích cực thực hiện các bước sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn. Khó khăn nhất hiện nay là giải quyết cán bộ dôi dư.

Một góc huyện đảo Lý Sơn.

Một góc huyện đảo Lý Sơn.

Theo Nghị quyết 867 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi không còn đơn vị hành chính cấp xã. Việc giải thể các đơn vị hành chính xã thuộc huyện đảo Lý Sơn sẽ góp phần tinh giản biên chế cấp xã, tiết kiệm được ngân sách chi thường xuyên hằng năm để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy vậy, khi chính quyền huyện Lý Sơn không còn đơn vị cấp xã, 100 cán bộ của 3 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình hiện chưa biết sắp xếp ra sao.

Trước mắt, huyện Lý Sơn đã vận động 43 người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ việc nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể. Với 57 cán bộ, công chức xã đủ chuẩn, còn trẻ, địa phương chưa biết sắp xếp thế nào?. Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi băn khoăn, đến thời điểm hiện nay, chưa có văn bản nào của cấp thẩm quyền về điều chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành cán bộ, công chức cấp huyện nên huyện chưa biết thực hiện ra sao.

Ông Lê Văn Ninh cho biết: "Hiện nay, Trung ương, tỉnh chưa có các văn bản của cấp thẩm quyền về điều chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành cán bộ, công chức câp huyện. Chế độ chính sách hỗ trợ nghỉ việc cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã cũng chưa được quy định cụ thể nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của số cán bộ này. Mặt khác, huyện thì chưa có cơ sở để phân công công tác về các cơ quan đơn vị thuộc huyện. Đến ngày 31/3, chính quyền xã không còn nữa nên việc điều chuyển này gặp khó khăn."

Huyện Trà Bồng, có xã có tới 5 Phó Bí thư Đảng ủy xã

Vào ngày 31/3 tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ công bố sáp nhập hành chính huyện Tây Trà về huyện Trà Bồng, lấy tên là huyện Trà Bồng. Huyện mới Trà Bồng có diện tích tự nhiên hơn 760 km2 gồm 16 xã, dân số hơn 53.300 người. Huyện này còn sáp nhập xã Trà Quân và xã Trà Khê thành xã Sơn Trà với dân số hơn 1.900 người; sáp nhập xã Trà Nham và xã Trà Lãnh thành xã Hương Trà, dân số 4.200 người và sáp nhập xã Trà Trung và xã Trà Thọ thành xã Trà Tây, dân số gần 2.700 người.

Huyện mới Trà Bồng đã tổ chức Hội nghị Huyện ủy, thông qua phương án sắp xếp và phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt. Sau khi sáp nhập, hiện có xã có tới 5 Phó Bí thư Đảng ủy xã. Ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi cho biết sau khi sáp nhập 2 huyện và các xã thì mỗi xã dôi dư từ 15 - 20 cán bộ, chưa biết sắp xếp thế nào. Hầu hết những cán bộ còn đều trẻ. Trước mắt, huyện Trà Bồng động viên một số cán bộ chưa đủ chuẩn nghỉ việc, còn lại bố trí công việc ở các xã mới thành lập.

Ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo ông Hoàng Anh Ngọc, việc thực hiện sắp xếp giảm biên chế vẫn chưa có phương án cụ thể: "Phải sắp xếp trưởng đơn vị này sang làm trưởng đơn vị khác hoặc xuống phó hoặc bố trí công tác khác. Thứ hai là thực hiện Nghị định 92 và Nghị định 34 thì các xã nói chung và 3 xã mới sáp nhập nói riêng có dôi dư. Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu lộ trình 5 năm hoặc hơn nữa để giảm biên chế. Ngoài ra một số chế độ, chính sách để động viên cán bộ nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ chế độ chính sách thì cũng đang thực hiện nhưng chưa có chế độ cụ thể nên rất khó khăn."

Trả nguyên lương cho cán bộ xã khi chưa có văn bản hướng dẫn

Ông Hà Văn Tính, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi Bộ Nội vụ, xin thêm chỉ tiêu biên chế cho huyện Lý Sơn. Sau khi Trung ương cho thêm biên chế thì tỉnh mới xây dựng kế hoạch điều chỉnh công chức xã, cán bộ xã lên huyện theo đúng trình tự quy định. Khó khăn nhất hiện nay là giải quyết chính sách đối với những cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Theo ông Hà Văn Tính, trong thời gian chờ đợi Bộ Nội vụ có ý kiến thì Sở này tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi trả nguyên lương đối với các cán bộ xã ở huyện Lý Sơn.

Ông Hà Văn Tính cho biết: "Sở Nội vụ cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng tham mưu cho Tỉnh ủy trình Ban Tổ chức Trung ương bổ sung 57 biên chế của 3 xã sau khi giải thể. Tuy nhiên, đến nay chưa có trả lời của Bộ Nội vụ cũng như Ban Tổ chức Trung ương. Khi ngày 1/4 huyện mới chính thức đi vào hoạt động và 3 xã đã được giải thể, Sở Nội vụ trình UBND tỉnh tạm thời giải quyết chế độ, phụ cấp nguyên lương cho đội ngũ cán bộ công chức này, nguyên lương như hiện hưởng bây giờ"./.

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/sap-nhap-huyen-xa-o-quang-ngai-giai-quyet-can-bo-doi-du-ra-sao-1026979.vov