Sáp nhập cấp Bộ: Khó cũng phải làm

Cán bộ là công bộc của dân phải đặt lợi ích của dân lên đầu, chứ đừng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Xung quanh đề xuất sáp nhập cấp Bộ của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, trao đổi với Báo Đất Việt, chuyên gia về Luật hành chính đã nêu điểm khó khăn nhất khi thực hiện và giải pháp.

Sáp nhập cấp Bộ là nhu cầu thực tiễn

GS.TS Nguyễn Đăng Dung- nguyên Trưởng bộ môn Luật hành chính Hiến pháp, khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, ông hoàn toàn ủng hộ với quan điểm sáp nhập các đơn vị cấp Bộ trong quản lý Nhà nước để bộ máy hành chính thực hiện hiệu quả hơn vai trò của mình.

Theo lý giải của GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, trong quá trình quản lý Nhà nước, nhiều vấn đề xã hội quy trách nhiệm cho các Bộ, nhưng Bộ này lại đổ lỗi cho Bộ kia, tranh cãi nhau về trách nhiệm.

Do đó, trước hết, sáp nhập các Bộ sẽ giảm bớt đầu mối quản lý Nhà nước. Sau đó, vì các vấn đề chia nhỏ ra để quản lý thì gặp khó khăn phối hợp giữa các Bộ ngành. Nên khi sáp nhập vào, tương tác sẽ cao hơn và hiệu quả sẽ tăng lên.

Đơn cử như vấn đề ngân sách rót vào các cơ quan cấp Bộ sẽ được quản lý vào một đầu mối và thống nhất thay vì chia cho nhiều Bộ và tranh cãi nên được chi nhiều hay chi ít.

"Ngân sách chỉ có vài đồng, nhiều Bộ lại thành ra xâu xé" - ông Dung nói.

Song, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung cho rằng, vấn đề khó khăn nhất khi sáp nhập Bộ là việc giảm số lượng biên chế. Mà vấn đề nhân sự là rất phức tạp.

Ông Dung cho rằng, việc giảm biên chế sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi và tâm tư cán bộ, chưa kể còn ảnh hưởng đến lợi ích nhóm trong cơ quan.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, trong quá trình vận hành của Chính phủ, sẽ bộc lộ ra một vấn đề chưa thể giải quyết và thấy rằng, chia tách nhỏ để quản lý lại không hiệu quả bằng việc sáp nhập lại.

Quả thật, khi tách ra thì rất đơn giản và dễ được chấp nhận hơn việc sáp nhập lại. Chia ra thì thêm ghế, thêm người, thêm bát thêm đũa dù lượng công việc không thay đổi.

Nhưng đã chia rồi lại nhập lại sẽ xảy ra nhiều vấn đề. Ai sẽ làm Bộ trưởng mới trong 2 Bộ trưởng cũ? Vì sao chọn Bộ trưởng này mà không chọn Bộ trưởng còn lại? Bộ trưởng còn lại sẽ làm Thứ trưởng hay sẽ đi đâu? Quyền lợi chỗ cũ, chỗ mới có tương đồng không?

Tuy nhiên không ai đặt ra câu hỏi đó một cách trực tiếp mà lập luận công tác nhân sự để diễn giải.

Chuyên gia nhận định, nếu đặt mục tiêu vì nhân dân lên làm gốc thì tất yếu sẽ thấy việc sáp nhập là cần thiết và tuân thủ. Nhưng nếu chưa chấp nhận sự cần thiết đó, chứng tỏ người đó hoặc nhóm có tư lợi, duy trì lợi ích nhóm.

Lo biên chế dôi dư: Công việc thông thường thôi

Theo PGS. TS. Ngô Thành Can, khi tiến hành chủ trương sáp nhập Bộ sẽ phải thống nhất nguyên tắc ngay từ đầu về cách thức thực hiện.

Thứ nhất, nguyên tắc cách làm khi sáp nhập cấp Bộ là hợp nhất các đơn vị có nhiệm vụ tương đồng nhau. Các đơn vị còn lại không có sự tương đồng thì không hợp nhất.

Thứ hai, về công tác quản lý cán bộ phải xác định rõ từ trên xuống dưới: Một trưởng chỉ có 2 hoặc 3 cấp phó.

Bên cạnh đó, quan điểm chung là phải xác định được rõ ràng mục tiêu của việc sáp nhập là hướng tới tính hiệu quả của tổ chức bộ máy, được thể hiện bằng công việc được giải quyết mang tinh thần phục vụ nhân dân.

Công chức là công bộc của dân thì phải đặt mục tiêu đó lên đầu. Nếu chúng ta đã xác định được một cách rõ ràng rằng sẽ sáp nhập Bộ bởi nó cần thiết thì cán bộ, công chức đó cũng nên hiểu được từ công việc và nhiệm vụ của mình rằng điều đó là đúng đắn và cần làm.

PGS.TS. Ngô Thành Can. Ảnh: TCNN

"Cán bộ đừng nên vì lợi ích của cá nhân mà ngăn lại sự phát triển chung. Cán bộ chúng ta lâu nay ứng xử kiểu như có tình người, tưởng như là duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong cơ quan, nhưng thực tế lại là yếu tố cản trở sự phát triển của xã hội, nhiều khi, nó đi ngược lại các quy định của pháp luật mà vì không rõ ràng, không kiên quyết nên đã tạo ra tiền lệ xấu lâu nay" - PGS.TS. Ngô Thành Can nhận định.

Riêng về việc sẽ chọn ai vào vị trí mới ở cấp Bộ, ai làm Bộ trưởng, ai làm nhiệm vụ khác đều do Quốc hội đánh giá phân công.

Ông Can cho rằng, ở các nước, một số cơ quan công vụ "nay làm mai nghỉ" là chuyện bình thường. Và nếu cấp dưới làm sai, cấp trên vẫn xin từ chức. Chỉ có điều, ở Việt Nam, quan niệm và thói quen đó không phổ biến.

"Các lãnh đạo hãy nghĩ rằng nên làm việc vì nhu cầu thay đổi bộ máy chứ đừng so đo hơn thiệt, lợi ích riêng của bản thân" - ông Can nói.

Vị chuyên gia cho hay, trong quá khứ từng có việc sáp nhập 3, 4 cơ quan lại với nhau, vẫn có hiệu quả, vẫn đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước thời gian đó.

Ông Can nói: "Khi sáp nhập các cơ quan, dựa vào công việc mà cán bộ đảm nhận ở vị trí cũ để xem xét vị trí ở cơ quan mới. Việc sắp xếp cán bộ khi sáp nhập cơ quan hành chính là công việc thông thường của người làm tổ chức. Không cần quá lo lắng".

GS.TS. Nguyễn Đăng Dung cũng cho rằng, với cách tổ chức bộ máy hiện tại để xảy ra một loạt các vấn đề trong thực tiễn đã bộc lộ ra những thiếu sót, lỗ hổng nhưng lại chồng chéo khiến sáp nhập là bức thiết.

"Công chức là người lo cho dân. Chứ không phải dân đi lo công chức không có việc làm" - GS.TS. Nguyễn Đăng Dung nhấn mạnh.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sap-nhap-cap-bo-kho-cung-phai-lam-3346382/