Sáp nhập các trường học: Nắm chắc chủ trương, chủ động phương án

Gần một tháng nữa là bước vào năm học mới. Các huyện của tỉnh Bắc Giang đang rốt ráo chuẩn bị sáp nhập 56 trường mầm non, tiểu học, THCS theo lộ trình.

Giáo viên Trường THCS Quý Sơn số 1 (Lục Ngạn) hướng dẫn học sinh tìm hiểu mô hình “Mũ bảo hiểm cho người khiếm thị”.

Vì lợi ích chung

Từ năm 2017, một số huyện đã triển khai việc sáp nhập trường. Sau sáp nhập, bộ máy tổ chức các cơ sở giáo dục đã bớt cồng kềnh; khắc phục tình trạng thừa, thiếu đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên hành chính ở một số nơi. Kinh nghiệm cho thấy, để công tác sáp nhập trường đạt hiệu quả cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. UBND huyện, TP nghiên cứu kỹ phương án; chỉ đạo tuyên truyền chủ trương nhằm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, giáo viên và phụ huynh trước khi thực hiện.

Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, mới đây UBND tỉnh ban hành công văn số 2421/UBND-NC nêu rõ từ nay đến năm 2020 sẽ sáp nhập 130 trường ở 65 xã, phường, thị trấn. Từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ sáp nhập 33 trường liên cấp để bảo đảm mỗi xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh chỉ có một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường THCS công lập. Năm nay, nhiệm vụ này phải thực hiện trước ngày 20-8, bảo đảm năm học mới diễn ra thuận lợi, tránh xáo trộn. Đến thời điểm này, các địa phương, nhà trường trong diện sáp nhập đang rốt ráo thực hiện.

Huyện Việt Yên có 8 trường ở 4 xã: Trung Sơn, Nghĩa Trung, Việt Tiến (bậc tiểu học); Quảng Minh (bậc mầm non) phải sắp xếp lại trong dịp này. Theo ông Trần Đỗ Thảo, Trưởng Phòng Nội vụ huyện, hiện nay huyện đang xây dựng phương án giữ nguyên trạng cơ sở vật chất sau sáp nhập, nơi có cơ sở vật chất tốt hơn được chọn là điểm trường chính còn lại là khu lẻ, học sinh không thay đổi địa điểm học. Ở Việt Yên có nhiều thuận lợi bởi những trường trong diện sáp nhập đang khuyết chức danh hiệu trưởng (do mới nghỉ theo chế độ) hoặc cán bộ quản lý sắp đến thời hạn nghỉ hưu. Trước đó, UBND huyện cũng quyết định dừng tổ chức thi tuyển chọn cán bộ quản lý để thuận tiện khi sắp xếp đội ngũ. Nhân viên hành chính dôi dư sẽ điều chuyển đến những nơi thiếu.

Xã Đông Sơn (Yên Thế) trước đây có ba trường là: Tiểu học Đông Sơn; THCS Đông Sơn, Tiểu học và THCS Đông Sơn. Để giảm bớt đầu mối, huyện quyết định giải thể trường tiểu học và THCS, tách học sinh tiểu học về Trường Tiểu học Đông Sơn, học sinh THCS về Trường THCS Đông Sơn. Năm học 2018-2019, hơn 300 học sinh của hai khối tiểu học, THCS vẫn học tại trụ sở trường liên cấp cũ ở thôn Đồi Hồng. Ông Trịnh Quang Đạt, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Về lâu dài, nơi đây sẽ là khu lẻ của trường tiểu học. Huyện dành khoảng 3 tỷ đồng ngân sách xây mới 6 phòng học tại thôn Bến Trăm để làm khu lẻ cho Trường THCS Đông Sơn. Với cách bố trí như vậy, học sinh không phải vất vả di chuyển nhiều nơi”.

Còn ở huyện Lục Nam, qua rà soát toàn huyện còn thiếu 10 cán bộ hành chính trường học. Khi sáp nhập 18 trường thành 9 trường, số cán bộ hành chính dôi dư sẽ được điều chuyển đến những đơn vị thiếu.

Lo chậm tiến độ

Theo chủ trương, sau sáp nhập, các trường giữ nguyên trạng cơ sở vật chất.

Theo chủ trương, sau sáp nhập, các trường giữ nguyên trạng cơ sở vật chất.

Ảnh: Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) trong diện sáp nhập năm 2018.

Tuy vậy, trên thực tế công tác sáp nhập ở những trường có đông học sinh, địa bàn rộng, bố trí cán bộ quản lý ra sao để phát huy hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính là bài toán không dễ. Không chỉ liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên hành chính, học sinh mà việc làm này cần tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm sau sáp nhập chất lượng giáo dục tại các cơ sở giữ ổn định và nâng lên.

Theo kế hoạch, trong tháng 8 này, huyện Lạng Giang có 6 trường thuộc ba đơn vị phải sáp nhập là: Xuân Hương, Hương Sơn và thị trấn Vôi. Ông Ngô Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang nói: “Chúng tôi đồng tình với chủ trương chung của tỉnh song đề nghị Sở Nội vụ, GD&ĐT sớm có hướng dẫn để cơ sở thực hiện. Xã Xuân Hương tổng số học sinh trường tiểu học số 1, tiểu học số 2 sau sáp nhập hơn 1,2 nghìn em rất khó khăn cho hiệu trưởng trong công tác quản lý, điều hành”.

Còn tại TP Bắc Giang, cô giáo Hoàng Thị Ngân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bắc Giang bày tỏ: “Nhà trường thành lập từ năm 1973, có bề dày thành tích, đóng góp cho phong trào giáo dục chung của TP Bắc Giang cũng như của tỉnh. Tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Bắc Giang đề nghị UBND tỉnh, TP xem xét về tên gọi bởi theo kế hoạch, trường tôi sáp nhập với Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn lấy tên chung là Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn thì chưa hợp lý”. Gần một tháng nữa là bước vào năm học mới 2018-2019, riêng khối THCS bắt đầu thực hiện kế hoạch giảng dạy từ ngày 27-8, phụ huynh lo lắng tiến độ sáp nhập trường chậm sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của con em.

Năm nay, UBND tỉnh giao các huyện, TP nghiên cứu xây dựng đề án, đề xuất tiêu chí chọn người đứng đầu sau sáp nhập. Thế nhưng đến ngày 5-8, nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thiện đề án bởi Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT chưa ban hành văn bản hướng dẫn. Sáp nhập trường là việc khó. Vì lợi ích chung, nhiều ý kiến đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương nêu cao trách nhiệm, minh bạch, khách quan khi thực hiện. Cùng đó, cơ quan chức năng sớm ban hành hướng dẫn giúp địa phương thống nhất trong cách làm, bảo đảm tiến độ cũng như ổn định tổ chức bộ máy trước khi năm học mới bắt đầu.

Theo Hải Vân -Báo Bắc Giang

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/sap-nhap-cac-truong-hoc-nam-chac-chu-truong-chu-dong-phuong-an-3943816-l.html