Sáp nhập Bộ, đơn vị hành chính: Chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ!

Ngày 31/10, đại biểu Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã làm dư luận thấy 'vui' khi có đề xuất 'mới' về chủ trương tinh giản bộ máy hành chính công. Theo tính toán của đại biểu Hòa thì sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, các Bộ thì có thể giảm 10 tỉnh trở lên và giảm được 3-4 Bộ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất sáp nhập hàng loạt đơn vị hành chính. Ảnh: QH.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất sáp nhập hàng loạt đơn vị hành chính. Ảnh: QH.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: “Trong nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh. Còn về sáp nhập các Bộ, chủ trương này thuộc đối tượng thứ 3 là tiếp tục nghiên cứu… Vấn đề này phải tổng kết, đánh giá lại, bởi vì mỗi quy mô một tỉnh lại phù hợp với điều kiện đặc điểm đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị khác nhau”.

Nước ta đã trải qua nhiều lần nhập, tách hành chính cấp tỉnh, huyện, xã, thôn và cũng thành lập mới, sáp nhập các cơ quan cấp bộ, ngành... Việc tách, nhập cơ cấu tổ chức hành chính, tổ chức doanh nghiệp là việc bình thường theo từng giai đoạn lịch sử, theo từng tiêu chí xây dựng mô hình cho phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất.

Chúng ta thấy, trước 1975 nước ta có nhiều tỉnh lớn như: Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên Thái, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình… Sau 1975 hàng loạt các tỉnh lớn này lại được tách nhỏ ra.

Và thực trạng bộ máy hành chính công của Việt Nam (63 tỉnh/thành/90 triệu dân) đang minh chứng một điều: Càng nhiều tỉnh/thành, bộ máy hành chính càng cồng kềnh, làm việc không hiệu quả. Quan nhiều hơn dân và dân “còng lưng” nộp thuế để nuôi số quan đông đúc đó.

Chia tách, giờ sát nhập – tất nhiên sẽ có nhiều phản ứng trái chiều từ bản thân các địa phương vì nó liên quan đến nhiều vấn đề (quyền lợi, địa vị…) của nhiều cá nhân, nhóm lợi ích. Nên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa: “Cái khó nhất của việc sáp nhập sẽ có một số cán bộ, công chức không vui, không hài lòng vì mất một số chức danh”.

Đúng là, phải tinh giản một số lượng con người nằm trong bộ máy rất lớn, mà chúng ta biết đụng đến con người thì rất nhạy cảm, nhiều tâm tư.

Thế nhưng, dưới quan điểm của phần đông dư luận thì “nhạy cảm” hay “không nhạy cảm”, quan trọng là người đứng đầu chỉ đạo ra sao? Có quyết tâm không? Và do ý chí của người lãnh đạo có muốn chọn người thực sự có tài có đức để phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân hay không? Hay lại vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… mà bổ nhiệm nhiều cán bộ. Dẫn đến hệ quả là chất lượng cán bộ kém, giờ tinh giản biên chế, tinh giản cán bộ, không biết giảm ai, bố trí sắp xếp thế nào, trong khi bộ máy cồng kềnh thì ai cũng biết.

Theo đó, cần phải nhìn tổng thể, toàn diện. Tức là, việc gì có lợi cho quốc gia, dân tộc, cho toàn thể nhân dân thì phải cương quyết làm, quyết tâm làm là được.

Có người nói: “Tôi ủng hộ việc sáp nhập một số tỉnh có diện tích nhở. Tôi thấy Thanh hóa có 27 huyện, thị xã, thành phố họ vẫn hoạt động tốt có sao đâu. Còn biên chế không thể tính theo dân số được, ví dụ: 1 công chức tiếp nhận ở bộ phận 1 cửa ngày nhận 100 hồ sơ, có công chức cũng làm như vậy nhưng ngày không có hồ sơ nào, vì đây là công việc không thể bỏ…”

Tình hình đất nước ta còn đang trong tình trạng nợ công cao, kinh tế đất nước cần “vốn” để phục hồi, rồi hàng loạt các vấn đề liên quan như an ninh – quốc phòng, văn hóa – xã hội…cũng cần “phí” để phát triển. Cho nên việc sát nhập địa phương sẽ giảm rất nhiều chỉ tiêu biên chế, hạn chế tệ tham nhũng, quan liêu, giảm được bộ máy cồng kềnh. Từ đó, khoản chi thường xuyên sẽ được cân đối hơn, phân phối đều và đầy đủ hơn cho các lĩnh vực khác nhau.

Đã đến lúc các vị lãnh đạo cấp cao, lẫn những người đứng đầu địa phương cần có cách nhìn linh hoạt, phải có tư tưởng cấp tiến, coi lợi ích quốc gia là trên hết. Tránh tư tưởng bảo thủ, ích kỷ hẹp hòi, bản vị, cục bộ địa phương. Nghĩa là, quá trình vận hành cơ cấu mới phải có sự đồng tâm của mọi người, tin tưởng vào mô hình mới (sáp nhập) thì chắc chắn mô hình mới sẽ vận hành trơn tru.

Thiết nghĩ, chuyện sát nhập các Bộ, đơn vị hành chính sẽ là một chủ trương, việc làm đúng đắn. Có điều, chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ một chút nào.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/sap-nhap-bo-don-vi-hanh-chinh-chuyen-tuong-nho-ma-khong-nho-119387.html