Sắp khai mạc triển lãm 'Đi giữa hai thế kỷ' của họa sĩ Mộng Bích

Từ ngày 20/10 đến 20/11/2020, tại Viện Pháp - L'Espace Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm cá nhân đầu tiên của nữ họa sĩ Mộng Bích mang tên 'Đi giữa hai thế kỷ'. Triển lãm trưng bày 30 tác phẩm, bao gồm tranh lụa, màu nước và ký họa tiêu biểu xuyên suốt hành trình sáng tạo của bà trong hơn sáu thập kỷ.

Có thể nói “Đi giữa hai thế kỷ” là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Mộng Bích. Khai mạc triển lãm cũng là dịp ra mắt cuốn sách catalogue đầu tiên tập hợp những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp hội họa kéo dài suốt sáu thập kỷ của họa sĩ Mộng Bích.

Thêm vào đó, những góc nhìn đa chiều của các họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhà hoạt động văn hóa về cuộc đời và tác phẩm của bà, sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về người nghệ sĩ tài hoa, cũng như về những số phận đặc biệt của mảnh đất Việt Nam, ở giữa hai thế kỷ.

Tác phẩm "Thầy Cẩn"

Tác phẩm "Thầy Cẩn"

Họa sĩ Mộng Bích tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ Thuật Việt Nam) và là học trò của những tên tuổi lớn như các danh họa Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Lập Ngôn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đức Nùng... Bên cạnh những kiến thức về mỹ thuật, Mộng Bích còn thừa hưởng ở những người thầy tuyệt vời của mình một tình yêu thuần khiết đối với hội họa.

Mộng Bích cũng là một trong số ít những nữ họa sĩ ở thời đại mình đạt được những giải thưởng hội họa quan trọng, trong đó có thể kể đến bức “Mẹ và con” (Giải Nhất tại Triển lãm Sở Văn hóa liên khu Việt Bắc, năm 1961) hay bức “Bà già” (Giải Nhất tại Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 1993)...

Tuy nhiên, những thành công đó không khiến cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Mộng Bích suôn sẻ hơn. Ngược lại, sự nghiệp của bà dường như gắn liền với “những thăng trầm, đổi thay của đất nước và những truân chuyên của chính cuộc đời bà.

Tác phẩm "Một chiều vùng Chăm"

Với triển lãm “Đi giữa hai thế kỷ”, người xem không chỉ được chiêm ngưỡng những bức chân dung đầy ám ảnh đã làm nên tên tuổi Mộng Bích mà còn có cơ hội lắng nghe những câu chuyện phía sau mỗi bức tranh qua lời kể của họa sĩ, để có thêm phương tiện cảm nhận đa chiều, sống động hơn về bối cảnh xã hội cũng như thế giới nhân vật trong tranh của bà.

Từ bà lão ăn mày vô tình bắt gặp trên đường đến người thầy đáng kính Trần Văn Cẩn, từ quang cảnh xóm Chăm chìm trong hoàng hôn cùng bầu trời đỏ rực đến chiếc rổ sảo, bình gốm trong căn nhà họa sĩ đang sống. Tất cả được miêu tả vô cùng sống động bằng nét vẽ cũng như lời kể của bà.

Bên cạnh đó, những thước phim tài liệu ghi lại cuộc sống của họa sĩ Mộng Bích tại một làng quê yên bình cũng sẽ được trình chiếu tại không gian triển lãm, góp phần khắc họa chân dung người họa sĩ có tinh thần làm việc bền bỉ. Dù tuổi đã cao, họa sĩ Mộng Bích vẫn tiếp tục thực hiện những ấp ủ của mình với hội họa.

Trong suốt cuộc đời mình, họa sĩ Mộng Bích chưa bao giờ theo đuổi những trào lưu hội họa, tìm kiếm những phương thức biểu hiện mới lạ hay cố gắng đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự kiên trì, đức tính khiêm nhường và sự đam mê dành cho hội họa của bà chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng cho thế hệ họa sĩ trẻ ngày nay.

VNCA

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/sap-khai-mac-trien-lam-di-giua-hai-the-ky-cua-hoa-si-mong-bich-615675/