Sắp đưa cao tốc Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết vào khai thác

Từ 10h ngày 19/5/2023, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ chính thức đưa vào vận hành, khai thác.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm kết nối cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây tạo thành “xương sống” các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm kết nối cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây tạo thành “xương sống” các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Sáng 18/5, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, từ 10h ngày 19/5/2023, hai Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm (dài 49km) và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 101km) thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) sẽ chính thức đưa vào vận hành, khai thác.

Theo lãnh Bộ Giao thông Vận tải cho hay, phương án tổ chức giao thông tạm thời đã được Bộ phê duyệt, các phương tiện giao thông được phép lưu thông trên 2 đoạn tuyến cao tốc theo quy định: đường cao tốc chỉ phục vụ cho xe ô tô; các đối tượng không được tham gia giao thông gồm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h (ngoại trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc)...

Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm được đưa vào khai thác có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Người, phương tiện thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên đường cao tốc (không quy định tốc độ) nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường cao tốc.

Xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ nằm trong danh mục hàng nguy hiểm chỉ được lưu thông trên đường cao tốc khi có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Người lái xe tham gia giao thông trên đường cao tốc phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, các quy tắc tham gia an toàn theo quy định pháp luật hiện hành.

Cụ thể, chủ phương tiện không cho xe chạy vào nơi dừng đỗ khẩn cấp và phần lề đường; không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu; giữ khoảng cách an toàn theo quy định; khi bắt buộc phải dừng xe, đỗ xe khẩn cấp người lái xe phải di chuyển vào điểm dừng xe khẩn cấp (nếu có thể), có các cảnh báo nguy hiểm và thông báo đường dây nóng để được hỗ trợ...

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cùng với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành đầu năm 2024 sẽ giúp kết nối với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ thuận lợi hơn, từ đó, mở ra cơ hội phát triển công nghiệp, du lịch của địa phương thời gian tới. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Các phương tiện được phép lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ tối đa 80 km/h và tốc độ tối thiểu 60 km/h. Mặt cắt ngang 4 làn xe lưu thông 2 chiều, trên tuyến bố trí các vị trí (dải) dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5km/điểm trên cùng một chiều xe chạy.

Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm: Các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu Dự án Km5+783 đến nút giao cuối dự án Km52+892.

Tuy nhiên, trong điều kiện các đoạn cao tốc kế tiếp 2 đầu dự án là Vân Phong - Nha Trang và Cam Lâm - Vĩnh Hảo chưa thông xe, trước mắt phương án tổ chức phân luồng từ xa trên tuyến cao tốc như sau: Theo hướng Bắc - Nam, các phương tiện được lưu thông từ Quốc lộ 1 vào Quốc lộ 27C, nhập vào cao tốc tại nút giao Quốc lộ 27C (đầu tuyến tại Km5+783) đến nút giao Cam Ranh tại Km52+892 kết nối với Quốc lộ 1 thông qua Quốc lộ 27B.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km, khởi công tháng 9/2020, tổng vốn đầu tư 11.500 tỷ đồng nối tiếp cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (dài 100 km). Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Trước mắt, dự án đưa vào khai thác có điều kiện tuyến chính và 2 trong tổng số 4 nút giao của dự án, bao gồm nút giao đầu tuyến tại Km5+783 kết nối với Quốc lộ 27C thuộc địa phận xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa và nút giao cuối tuyến tại Km52+892 kết nối với Quốc lộ 27B thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã dự kiến bố trí trạm dừng nghỉ tại Km24 (bố trí hai bên đường cao tốc), hiện đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Đối với dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết: Các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu nút giao Vĩnh Hảo kết nối với Dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đi Tp. Hồ Chí Mnh.

Các nhà thầu cho biết, tất cả các công việc còn lại trên tuyến chính cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ được hoàn thành trong ngày 18/5. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Dự án đưa vào khai thác hoàn thiện toàn bộ 5 nút giao, gồm: Nút giao Vĩnh Hảo tại Km134+700, Nút giao Chợ Lầu tại Km162+777,78, nút giao Đại Ninh tại Km178+655,22, nút giao Ma Lâm tại Km208+701,74, nút giao Phan Thiết tại Km234+617,56.

Dự kiến bố trí trạm dừng nghỉ tại Km144+560 và Km205+092 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận (bố trí 2 bên cao tốc). Bộ Giao thông Vận tải đang giải phóng mặt bằng và triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Để bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình khai thác, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường lực lượng triển khai điều phối, hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông thực hiện theo phương án tổ chức giao thông. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gây mất an toàn giao thông trên tuyến.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, việc đưa 2 dự án vào khai thác đúng ngày 19/5 là kết quả thiết thực chào mừng kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2023); trong đó dự án Nha Trang-Cam Lâm đã rút ngắn thời gian đưa vào khai thác 3 tháng so với kế hoạch, giữ vững cam kết của nhà đầu tư (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Sơn Hải) với Thủ tướng Chính phủ.

Theo thiết kế, vận tốc khai thác toàn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 80km/giờ, nếu chạy xe hết từ đầu tuyến đến cuối tuyến chỉ mất khoảng 1 giờ 15 phút. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy đánh giá: “Trong thời gian qua, các Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn cùng hàng nghìn cán bộ, công nhân viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất, vượt qua nhiều khó khăn, huy động mọi nguồn lực, làm việc “3 ca, 4 kíp” không kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ với quyết tâm đưa hai dự án vào khai thác đúng dịp 19/5”.

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là một trong 3 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông 2017-2020 (giai đoạn 1) được đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư). Dự án có tổng chiều dài 49,11km được khởi công xây dựng từ ngày 2/9/2021 có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng; trong đó phần vốn Nhà nước tham gia khoảng 2.967 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là Tập đoàn Sơn Hải có trụ sở chính tại tỉnh Quảng Bình.

Trong khi đó dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100km đi qua tỉnh Bình Thuận có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng từ vốn đầu tư công gồm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe, giai đoạn 2 đầu tư mở rộng thành 6 làn xe. Dự án được khởi công từ cuối tháng 9/2020. Dự án do Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/sap-dua-cao-toc-nha-trang-cam-lam-vinh-hao-phan-thiet-vao-khai-thac/291622.html