Sắp đến ngày kiểm tra, thủy sản vẫn loay hoay gỡ 'thẻ vàng' EU

Theo kế hoạch, tháng 10.2018, Đoàn Nghị viện châu Âu sẽ sang làm việc và kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không được quản lý, không có báo cáo (IUU) tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay việc gỡ 'thẻ vàng' của Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước nhiều thách thức khi ngành thủy sản nước ta còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Thách thức cho nghề cá bền vững

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 năm qua, giá trị xuất khẩu (XK) hải sản của Việt Nam chiếm 29-33% tổng giá trị XK thủy sản. Nhìn chung, XK hải sản tăng trưởng liên tục với mức tăng trung bình hàng năm gần 8%. Mỗi năm, Việt Nam XK khoảng 200 loài hải sản, trong đó cá ngừ, mực, bạch tuộc, cá hồi, chả cá và surimi là các sản phẩm chiếm tỷ trọng cao.

Bộ NNPTNT đề nghị tất cả 28 tỉnh, thành ven biển phải đẩy nhanh chương trình hành động triển khai Luật Thủy sản và khắc phục "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam. Ảnh: T.L

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành ven biển phải quyết liệt hơn, buộc ngư dân thực hiện ngay các vấn đề về hoàn chỉnh trang thiết bị định vị tầm xa trên tàu cá; rà soát thật kỹ việc thực hiện chuỗi sản xuất cá ngừ đại dương; thành lập các nghiệp đoàn nghề cá đánh bắt đúng quy chuẩn, không vi phạm vùng biển nước khác…

Các nghiệp đoàn nghề cá cũng là những tổ chức tự bảo vệ nhau khi hành nghề trên vùng biển xa.

Điểm đáng chú ý là trong tổng số 177 thị trường, EU luôn là thị trường nhập khẩu hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Giá trị XK hải sản của Việt Nam sang EU trong 5 năm qua dao động từ 350-400 triệu USD/năm, chiếm 16 -17% tổng giá trị XK hải sản.

Việc Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” IUU đối với thủy sản Việt Nam đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới XK hải sản, đặc biệt là XK vào thị trường EU. Theo đó, XK hải sản có chiều hướng giảm sâu và liên tục từ khi Việt Nam bị nhận thẻ vàng.

Tính riêng 7 tháng đầu năm nay, XK hải sản sang EU đạt trên 214,8 triệu USD, giảm 7,3% so với con số trên 230,7 triệu USD của cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, mặt hàng cua ghẹ có mức độ giảm mạnh nhất lên tới 34,4%; tiếp đó là nhuyễn thể với mức giảm 25,7%. XK cá biển giảm nhẹ ở mức 3,3%. Riêng mặt hàng cá ngừ vẫn duy trì mức tăng trưởng XK 22%.

Dự báo về XK thủy sản từ nay đến cuối năm đại diện VASEP cho hay, XK các mặt hàng mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang thị trường EU sẽ tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận xác nhận nguồn gốc khai thác theo quy định IUU.

Thách thức của ngành thủy sản đó là hạ tầng nghề cá còn thiếu thốn gây trở ngại cho doanh nghiệp hoàn thành thủ tục truy xuất nguồn gốc, vướng mắc trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cũng như chưa xử lý triệt để vi phạm khai thác

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hiện vấn đề “thẻ vàng” không gây lo ngại đến thị phần xuất khẩu thủy sản, bởi Việt Nam đang có rất nhiều thị trường. Chúng ta phải phấn đấu để có một nghề cá bền vững. Đây là mục tiêu lớn, xa hơn của Việt Nam, vì vậy cần tái cơ cấu lại ngành thủy sản, tổ chức lại sản xuất, quan trọng hơn là đi sâu vào chế biến để chuỗi giá trị mang lại nhiều hơn, cùng với đó, sẽ tập trung tổ chức nuôi xa.

Gỡ khó từ dưới lên

Theo kế hoạch, tháng 1.2019, Đoàn Thanh tra EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Trên cơ sở kiểm tra đánh giá, EC sẽ xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng” đối với Việt Nam.

Thời gian cho ngày phán quyết không còn nhiều, chính vì vậy, bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (VASEP) nhấn mạnh, Bộ NNPTNT cần triển khai thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm đảm bảo ngăn chặn tàu vi phạm bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; cần tập trung hoàn thiện để ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và 9 thông tư nhằm bảo đảm có hiệu lực đồng bộ với Luật Thủy sản từ ngày 1.1.2019; bên cạnh đó, thiết lập cơ chế chỉ đạo điều hành kịp thời, thông suốt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương về phòng chống khai thác IUU và triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, Bộ NNPTNT tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản; tập trung xây dựng, hoàn thiện để ban hành văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Thủy sản năm 2017. Đến nay, dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản và nghị định xử phạt vi phạm hành chính đã được cơ bản hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các địa phương liên quan và tiếp thu các khuyến nghị của EC.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT, việc thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, Chỉ thị 45/2017 của Thủ tướng là nhiệm vụ mang tính chiến lược để phát triển kinh tế biển bền vững, có trách nhiệm. Tất cả 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước cần phải đẩy nhanh chương trình hành động triển khai Luật Thủy sản và khắc phục "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam. Đây là đòi hỏi của cả nền kinh tế và người dân. Các điều khoản, quy định trong luật phải được thực hiện ngay.

Đình Thắng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/sap-den-ngay-kiem-tra-thuy-san-van-loay-hoay-go-the-vang-eu-916575.html