Sắp có thêm 3.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Đó là yêu cầu vừa được Chính phủ đưa ra với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020.

Dự án nhà ở xã hội.

Theo đó, tại nghị quyết trên, đề cập đến giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP.Hà Nội và TP.HCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.

Được biết, kể từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ kết thúc vào tháng 6 năm 2016, hàng loạt dự án nhà ở xã hội thiếu vốn nên chậm trễ tiến độ, người dân vay mua nhà ở xã hội nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 cũng không còn được tiếp tục vay ưu đãi, mà phải chuyển sang vay thương mại nên cả chủ đầu tư dự án và người vay mua nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn.

Mới đây, trong văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khó bán nhà do người mua không được hỗ trợ vốn vay. VNREA đề xuất tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội theo 2 kênh: Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối.

Mỗi năm, Chính phủ cấp 50% vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và huy động thêm 50% từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở.

4 ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank do Nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay 3-4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.

Như vậy, nếu cấp 1.000 tỷ với tỷ lệ bù lãi suất vay 3% - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 - 30.000 tỷ cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội tuy nhiên thực tế 2019 vẫn chưa có nguồn kinh phí này hỗ trợ cho người mua và doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.

P.V

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/sap-co-them-3000-ty-dong-cho-vay-uu-dai-mua-nha-o-xa-hoi-2020041111590339.htm