Sắp có quy định mới đấu thầu dự án xã hội hóa nạo vét cảng biển, đường thủy

Nhà đầu tư phải đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính và kinh nghiệm, nhà đầu tư đứng dầu liên danh phải có tỷ lệ vốn sở hữu tối thiểu 30%.

Theo dự thảo thông tư, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước, cảng biển được thực hiện theo quy trình 5 bước

Ngày 8/4, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Bộ GTVT đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư quy định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa do Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh quản lý kết hợp thu hồi sản phẩm.

Theo đó, việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy trình 5 bước: chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư (lập hồ sơ mời thầu; thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu), tổ chức lựa chọn nhà đầu tư (mời thầu, làm rõ hồ sơ mời thầu, tiếp nhận hồ sơ và mở thầu); đánh giá hồ sơ dự thầu, xếp hạng nhà đầu tư; công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

Dự thảo quy định hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Nội dung hồ sơ mời thầu phải có đầy đủ các thông tin để nhà đầu tư lập hồ sơ dự thầu, gồm cả thông tin chung về dự án và yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư phải đáp ứng năng lực về tài chính, khả năng thu xếp vốn và năng lực triển khai thực hiện dự án; kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự.

“Trường hợp liên danh, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh; nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên trong liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh”, nội dung dự thảo nêu.

Khi đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, cơ quan quản lý đánh sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000. Điều kiện cần đối với nhà đầu tư là số điểm của mỗi nội dung cụ thể phải từ 50% thang điểm tối đa, còn tổng số điểm của tất cả nội dung phải đạt từ 60% tổng số thang điểm.

Còn đánh giá về kỹ thuật, hồ sơ dự thầu phải đạt 100% tổng tỷ trọng điểm đối với các tiêu chuẩn về biện pháp thi công và tổ chức quản lý; khối lượng sản phẩm, chất lượng; tiến độ, thời gian thực hiện dự án, môi trường và an toàn.

Trong tháng 1/2021, Bộ GTVT công bố danh mục các dự án xã hội hóa nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trên luồng đường thủy quốc gia tại 6 tuyến sông, thực hiện giai đoạn 2021-2022.

Các dự án trên sông Đà (Hòa Bình), khối lượng dự kiến 140.000m³; sông Đồng Nai, 80.000m³; sông Tiền (Tiền Giang và Vĩnh Long), 335.000m³; sông Đồng Nai (Đồng Nai và Bình Dương), 50.000m³; sông Gành Hào (Bạc Liêu và Cà Mau), 70.000m³; sông Sài Gòn (Bình Dương và Tây Ninh), 50.000m³.

Theo quy định hiện hành, UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án thuộc địa phận địa giới hành chính địa phương quản lý.

Huy Lộc

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sap-co-quy-dinh-moi-dau-thau-du-an-xa-hoi-hoa-nao-vet-cang-bien-duong-thuy-d501965.html