Sắp có Ngày hội mãng cầu Chi Lăng năm 2018

Sáng 18-6, tại Hà Nội, UBND tỉnh Lạng Sơn và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức họp báo thông báo về việc chuẩn bị tổ chức Ngày hội mãng cầu (na) Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn năm 2018 và tuần lễ quảng bá mãng cầu Chi Lăng tại Hà Nội.

Theo Bộ NN-PTNT, mãng cầu được xếp vào danh sách 1 trong 50 loại trái cây thơm ngon nhất Việt Nam.

Họp báo về Ngày hội mãng cầu Chi Lăng năm 2018

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn, cho biết trong mùa vụ mãng cầu năm 2018, tỉnh Lạng Sơn có khoảng 2.800ha mãng cầu đặc sản với sản lượng trái ước đạt khoảng 20.000ha. Mãng cầu được trồng tập trung tại hai vựa là huyện Chi Lăng và Hữu Lũng thuộc phía Nam tỉnh Lạng Sơn. Hiện nông dân của 16 xã đang phát triển kinh tế bằng cây đặc sản này.

Mãng cầu Chi Lăng đã trở thành một thương hiệu và ngon nổi tiếng nhất miền Bắc hiện nay. Năm 2011, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ KH-CN đã ra quyết định cấp giấy đăng ký nhãn hiệu “na Chi Lăng” và năm 2013 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa vào danh sách 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo Bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam.

Mùa vụ mãng cầu ở Chi Lăng

Mùa vụ chín của mãng cầu Chi Lăng bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9 và mùa trễ vào tháng 11. Giá bán trung bình khoảng 30.000-35.000 đồng/kg. Cứ mỗi hécta nếu bán với giá 30.000 đồng thì thu được khoảng 200 triệu đồng.

Để tiếp sức cho mùa vụ mãng cầu đang chín, tại buổi họp báo, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Việt Nam cho biết, từ ngày 22 đến 28-8, tại Hà Nội sẽ diễn ra tuần lễ triển lãm đặc sản Chi Lăng nhằm tiếp cận rộng rãi với người dân thủ đô.

Theo ông Đào Văn Hồ, trong vụ mãng cầu năm 2017, khi xúc tiến thương mại, đưa mãng cầu Chi Lăng, Hữu Lũng (Lạng Sơn) về Hà Nội thì giá trung bình từ 30.000-35.000 đồng/kg đã lên tới 60.000 đồng và được người tiêu dùng đón nhận. Năm nay, để tránh tình trạng nhái thương hiệu mãng cầu Chi Lăng để trục lợi, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức dán tem trên quả để truy xuất nguồn gốc và giúp người tiêu dùng phân biệt mãng cầu Chi Lăng thật - giả.

Nông dân Chi Lăng chăm sóc trái mãng cầu (na)

Còn bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết thêm, hiện địa phương đang phối hợp với Bộ NN-PTNT để xúc tiến xuất khẩu mãng cầu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc; đồng thời đang có chủ trương xúc tiến thương mại, xây dựng hồ sơ để xuất khẩu sang Australia như các loại trái cây như nhãn, vải thiều, xoài...

Trước khi diễn ra tuần lễ mãng cầu và đặc sản Lạng Sơn tại Hà Nội, vào khoảng trung tuần tháng 8-2018 tại tỉnh Lạng Sơn sẽ diễn ra "Ngày hội na Chi Lăng năm 2018".

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/sap-co-ngay-hoi-mang-cau-chi-lang-nam-2018-527223.html