Sập cầu treo ở Ấn Độ: 141 người thiệt mạng; 9 người bị bắt giữ

Tính đến thời điểm hiện tại, đã xác nhận 141 người thiệt mạng trong thảm kịch sập cầu cáp treo ở thị trấn Morbi. Ngày 31/10, cảnh sát bang Gujarat (Ấn Độ) đã bắt giữ 9 người liên quan để điều tra nguyên nhân tai nạn.

Theo Reuters, cảnh sát Gujarat cho biết họ đã mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào các cá nhân có trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng và quản lý cây cầu. Danh tính của những người bị bắt giữ vẫn chưa được công bố.

Hiện trường vụ sập cầu cáp treo ở Ấn Độ hôm 30/10

Hiện trường vụ sập cầu cáp treo ở Ấn Độ hôm 30/10

Hôm 30/10, cây cầu treo bắc qua sông Machchhu ở Morbi đã đổ sập xuống sông, khiến hàng trăm người rơi xuống nước. Ít nhất 141 người đã thiệt mạng trong vụ việc.

Giới chức đã phát động chiến dịch cứu hộ sau vụ sập, với thuyền và thợ lặn được triển khai để tìm kiếm những người mất tích. Hàng chục binh sĩ Lục quân và Hải quân Ấn Độ cũng được điều động tham gia chiến dịch giải cứu.

Nhiều nạn nhân là người già, phụ nữ và trẻ em, trong đó có khoảng 35 nạn nhân dưới 14 tuổi, theo Reuters.

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ sập cầu treo ở thị trấn Morbi, bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ rạng sáng 31/10. Ảnh: AFP.

Cây cầu dài 230m được khánh thành năm 1880 và bị đóng cửa để tu sửa trong 6 tháng. Nó mới được mở lại hôm 26/10 nhân ngày lễ năm mới tại bang Gujarat, dù không có chứng nhận an toàn, theo Reuters.

Truyền thông Ấn Độ cho biết, đơn vị giành được hợp đồng bảo trì cây cầu trong thời gian 15 năm là Oreva - một công ty chuyên sản xuất đồng hồ và đồ gia dụng, từ bóng đèn tới tivi.

Theo giới chức Morbi, Oreva không thông báo với họ về việc hoàn thành sửa chữa và mở lại cầu, cũng như chưa nhận được giấy chứng nhận kiểm định.

Một nhà lập pháp địa phương đã cáo buộc Oreva bán vé ồ ạt; đồng thời cho rằng việc lượng người tập trung quá đông là nguyên nhân khiến cầu bị sập, trong khi nó chỉ được phép chứa tối đa 20 người trong cùng một thời điểm.

Đoạn video ghi lại thảm kịch kinh hoàng khi cầu cáp treo ở Ấn Độ bị sập khiến hàng trăm người rơi xuống sông

Tuy nhiên, phía công ty nhận bảo trì cầu thì cho rằng nguyên nhân khiến cầu sập có thể là do người dân cố gắng rung lắc cây cầu.

Tai nạn do cơ sở hạ tầng cũ và được bảo trì kém, bao gồm cầu, khá phổ biến ở Ấn Độ. Năm 2016, vụ sập cầu vượt trên một con phố đông đúc ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal khiến ít nhất 26 người chết. Lực lượng cứu hộ đã kéo gần 100 người bị thương ra khỏi những tấm bê tông và kim loại khổng lồ.

Năm 2011, ít nhất 32 người thiệt mạng khi cây cầu chật kín đám đông dự lễ hội bị sập ở đông bắc Ấn Độ. Chưa đầy một tuần sau, khoảng 30 người thiệt mạng khi cây cầu bắc qua sông ở bang Arunachal Pradesh bị sập.

Năm 2006, ít nhất 34 người thiệt mạng khi cây cầu 150 năm tuổi bị sập trên một đoàn tàu chở khách trong nhà ga ở bang Bihar, miền Đông nước này.

Bạch Dương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/sap-cau-treo-o-an-do-141-nguoi-thiet-mang-9-nguoi-bi-bat-giu-217791.html