Sập bẫy vay tín dụng app: Làm không đủ trả lãi

Chỉ sau 3 năm, nhiều người vay tín dụng phải trả số tiền lãi bằng 2 - 3 lần số tiền gốc.

Vay 1 trả gấp 3 lần

Ngày 30/6/2020, theo tìm hiểu của Đất Việt, nhiều người vay tín dụng theo dạng tiêu dùng đang sống trong tình cảnh "khóc dở mếu dở" vì khoản tiền lãi phải trả vượt quá khoản tiền vay.

Chị Nguyễn Thị Ngát (27 tuổi, ngụ huyện Gò Công, Tiền Giang) cho biết, khoảng tháng 9/2019 chị nhận được tin nhắn thông báo từ điện thoại về việc đủ điều kiện vay tới 50 triệu đồng tại một ngân hàng có trụ sở tại TP. Hà Nội.

"Tôi tò mò cung cấp thông tin cho họ thì được nhân viên của đơn vị đó tư vấn nhiệt tình, thậm chí chỉ cần chụp ảnh gửi CMND và cung cấp số điện thoại của người thân để phía cho vay xác nhận là họ sẽ tự động hoàn tất hồ sơ và gửi thẻ cho tôi, số tiền vay là 50 triệu đồng" - chị Ngát cho biết.

Người vay tín dụng tiêu dùng bị nhắn tin đòi nợ kiểu khủng bố, đe dọa tính mạng.

Người vay tín dụng tiêu dùng bị nhắn tin đòi nợ kiểu khủng bố, đe dọa tính mạng.

Thời hạn vay của chị Ngọc là 3 năm, mỗi tháng phải nộp vào đó 3 triệu đồng (cả tiền gốc và tiền lãi). Tính ra, trong 3 năm chị phải hoàn trả số tiền 108 triệu đồng.

"Ban đầu nhân viên tư vấn nói số tiền này sẽ được trừ dần qua các tháng. Nhưng khi nhận được bảng thanh toán hàng tháng của bên cho vay thì tôi mới phát hiện ra số tiền gốc hàng tháng mà người vay phải phải trả rất ít, trong số 3 triệu đồng trả hàng tháng chỉ có gần 500.000 đồng là tiền gốc, còn lại là tiền lãi" - chị Ngát cho hay.

Ở trong tình cảnh tương tự, ông Phạm Văn Thanh (43 tuổi, ngụ Q. Tân Bình, TP. HCM) cũng vay tín dụng tiêu dùng số tiền 21 triệu đồng trong 3 năm. Nhưng khi hoàn tất hồ sơ, tiền thực nhận của ông Thanh chỉ có gần 20 triệu đồng, mỗi tháng ông phải trả 1.444.000 đồng cả gốc và lãi.

"Tính ra nếu trả trong 3 năm thì tôi phải trả tới số tiền khoảng 52 triệu đồng, gần gấp 3 lần số tiền vay. Khi vay được 12 tháng, tôi muốn tất toán hợp đồng trả 1 lần, phía cho vay yêu cầu tôi phải trả nốt số tiền nợ còn lại công thêm 20 triệu đồng phá vỡ hợp đồng" - ông Thanh cho hay.

Ngột thở với lãi vay tiền online

Nhiều công ty tài chính còn liên kết, mở ra các ứng dụng (app) để phục vụ khách hàng trực tuyến, duyệt hồ sơ vay tiền cho khách hàng mà không cần phải đến trụ sở làm việc.

Chương trình này được đưa ra để phục vụ khách hàng một cách tiện lợi, nhanh chóng nhất nhưng thực chất đây lại là nơi khiến nhiều người phải ngạt thở nếu chót vay tiền.

Bảng tính lãi suất, số tiền gốc và lãi của một công ty tài chính khi cho khách hàng vay tín tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thuận (ngụ Q. Đống Đa, TP. Hà Nội) kể trong nhiều tháng gần đây chị luôn trong tâm trạng hoảng loạn khi liên tục bị gọi điện, nhắn tin đe dọa đòi nợ. Hàng loạt tin nhắn đòi nợ kiểu "xã hội đen" kèm hình ảnh chị Thuận được gửi đến nhiều bạn bè trên facebook của chị.

Chị Thuận cho biết, thông qua một ứng dụng vay tiền online, chị được vay số tiền 4,9 triệu đồng, hạn trả trong vòng 13 ngày. Thế nhưng số tiền thực chị Thuận nhận được chỉ 4,2 triệu đồng, số tiền còn lại là phí dịch vụ.

Hết thời hạn, chị Thuận không có khả năng trả và đó cũng là lúc chị nếm đủ vị "đòi tiền" và hệ lụy vay online.

Mỗi ngày chậm trả, số tiền chị Thuận phải thanh toán tăng lên và được báo liên tục về app điện thoại. Sau ba tháng trễ, số tiền chị Thuận phải thanh toán cả gốc lẫn lãi, tiền phạt phí nộp trễ cho hai khoản vay là 9,8 triệu, tăng gấp đôi so với số tiền vay ban đầu.

Một trường hợp đơn cử khác từng được báo phản ánh khi sập bẫy vay online là chị Phạm Thị Tuyết Mai (24 tuổi, ngụ Tiền Giang) có khoản vay 8 triệu đồng ở Vayvay nhưng sau 2 tháng chị phải trả số tiền lên tới 200 triệu đồng vẫn chưa hết nợ.

"Số tiền vay thực tế thì ít mà phía hoàn tất hồ sơ mới nhiều. Theo thông báo từ bên cho vay thì chi phí làm hồ sơ hết 30 - 50% khoản vay thực tế. Bên cạnh đó, hạn trả cũng bị rút ngắn khi được tính từ ngày làm hồ sơ vay chứ không phải ngày nhận tiền vay. Mà thời gian làm hồ sơ lại lâu. Tôi chọn thời gian vay là 30 ngày nhưng đến khi nhận được tiền thì chỉ còn 7 ngày trả nợ.

Nếu trả chậm 1 ngày thì bị tính lãi suất 2%, 2% tiếp tục được tính vào phí quản lý. Cứ đến gần ngày trả nợ, những người tự nhận là nhân viên của các ứng dụng này liên tục gọi điện khủng bố tôi, có ngày tôi nhận được cả trăm cuộc điện thoại" - chị Mai cho biết.

Cứ mỗi lần đến hạn trả tiền, không còn cách nào khác chị Mai lại phải vay tiền từ ứng dụng mới để trả cho ứng dụng cũ. Sau 2 tháng chị đã vay tiền từ 64 ứng dụng. Tuy nhiên, một số ứng dụng cũ vẫn không xóa nợ cho chị mà tiếp tục gọi điện khủng bố để ép đưa thêm tiền.

Theo anh Lê Hải Đăng - chồng chị Mai, anh đã phải trả cho các ứng dụng với số tiền khoảng 200 triệu đồng nhưng vẫn còn nợ các ứng dụng vay với số tiền gần 100 triệu đồng.

Chịu không nổi với những khoản nợ từ trên trời rơi xuống và hình ảnh của bản thân bị bêu riếu trên mạng xã hội, ngày 26/8/2019, chị Mai đã uống thuốc trừ sâu tự tử. Nhưng thật may mắn chị được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện cứu chữa kịp thời.

Th.S Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, các đơn vị này thường lách luật bằng cách không quy định khoản lãi vượt quá so với lãi suất quy định tại Bộ luật dân sự mà tập trung đánh vào những khoản tiền phạt, phí dịch vụ, phí tài khoản hay phí mua/ sử dụng ứng dụng vay tiền.

Những khoản chi phí này hiện tại pháp luật cũng chưa có quy định liên quan để điều chỉnh bởi hình thức này cũng là hình thức có tính mới, chưa từng xuất hiện tại Việt Nam.

"Bản chất quan hệ pháp luật ở đây là sự cho vay giữa cá nhân với cá nhân, chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự, phân biệt với mối quan hệ giữa bên cho vay là Ngân hàng sẽ còn phải chịu them sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng" - ông Hùng nói.

Theo quy định, lãi suất vay là do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Ở đây chỉ có trường hợp bên cho vay là các tổ chức tín dụng thành lập hợp pháp theo quy định, chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thì mới là trường hợp ngoại lệ, còn bất cứ cá nhân nào khác không được phép vượt qua con số lãi suất là 20% như trên.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Nếu người nào cho vay với mức lãi suất vượt quá 20% thì đương nhiên sẽ được coi là cho vay nặng lãi, tùy thuộc vào tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, như đã nói, các đối tượng thường sẽ không ghi mức lãi suất vượt quá 20% mà sẽ lợi dụng các khoản chi phí mà pháp luật không có/chưa có quy định liên quan để chuộc lợi.

Ngọc Quốc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/sap-bay-vay-tin-dung-app-lam-khong-du-tra-lai-3409715/