Sao vắng tranh dân gian ngày Tết?

Nhắc đến tranh dân gian ngày Tết, nhiều người không khỏi nắc nỏm trong ký ức rực rỡ sắc màu, để rồi thở dài trăn trở: 'Sao lại vắng, xa đến vậy...'

Bức tranh “Chợ Tết” - tranh dân gian Hàng Trống được trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh

Bức tranh “Chợ Tết” - tranh dân gian Hàng Trống được trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh

Nhớ về... chợ tranh

Có lẽ, trong ký ức của những người đã ở tuổi xưa nay hiếm, U70 – U80, chưa khi nào phôi phai hình bóng những dãy hàng tranh dân gian ngày Tết, hiện diện ở muôn nẻo chợ phiên. Gian hàng này thường được mở ngay từ tháng 11 âm lịch) và kéo dài cho đến ngày cuối cùng của năm. Đấy cũng là những dãy hàng bừng sáng nhất của chợ phiên với muôn màu muôn vẻ.

“Tết năm nào tôi cũng vòi vĩnh mẹ được ra chợ Rọng (Kiến Xương - Thái Bình). Dù phải cuốc bộ gần 3 cây số, nhiều khi phải lội qua cánh đồng trơn lầy nhưng tôi vẫn bám mẹ ra chợ. Vì điều gì ư? Vì cái sở thích ngắm tranh dân gian mỗi khi Tết ngấp nghé ngoài cửa ngõ thúc giục” – ông Phạm Vinh (Quốc Tuấn, Kiến Xương, Thái Bình) nhớ lại.

Một tháng, chợ Rọng có 6 phiên và họp vào những ngày 2 và ngày 6 (âm lịch) hàng tháng. Vì là chợ trung tâm của mấy xã liền nhau nên lúc nào cũng đông, nhất là những phiên trước Tết – ngày 22 và 26. Dãy hàng bán tranh dân gian thường được bày ở ngay đầu cổng chợ, nhiều khi còn kéo tràn ra cả hai bên đường. Đám trẻ con khi đến chợ đều níu tay mẹ, van vỉ cho ra xem tranh, mua tranh.

“Riêng dãy bán tranh dân gian lúc nào cũng rực rỡ sắc đỏ - màu may mắn cho xuân mới. Nhiều nhất vẫn là tranh dân gian Đông Hồ và tranh dân gian Hàng Trống. Những đám cưới chuột, hứng dừa, đàn lợn âm dương, cá chép trông trăng, ngũ hổ, cá chép vượt vũ môn, tứ quý... đều hội đủ cả. Cũng có năm xuất hiện tranh kiếng (kính) ở trong Nam ra. Tranh kiếng được in trên giấy bóng lóng lánh với những hình Phúc - Lộc - Thọ được nhiều người đến xem song vẫn e dè vì có phần lạ lẫm. Sau vài lần bày bán, dòng tranh này mới được mua nhiều hơn nhưng vẫn không bằng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống” - ông Vinh kể.

Nhắc nhớ về chợ tranh ngày Tết, bà Nguyễn Hải Hậu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn nhớ như in những ngày cuốc bộ tới chợ Bưởi sắm đồ Tết và thể nào cũng phải có những cuộn tranh trong chiếc làn xách tay. Theo bà Hậu, hồi những năm 1980 – 1990, vào dịp Tết, ngoài sắm đào, quất thì nhà nào cũng sắm cả tranh về chơi. Ngày đám trẻ còn đi học, bà Hậu hay mua đôi tranh cá chép vượt vũ môn để mong ước chúng quyết chí học hành, vươn đến thành công. Sau này, bà Hậu hay mua tranh tứ quý bốn mùa của Hàng Trống hoặc tranh đám cưới chuột của Đông Hồ... “Phiên chợ nào không vội, tôi dẫn theo trẻ con đi chơi chợ Tết. Dãy hàng bán tranh Tết bao giờ cũng hấp dẫn nhất với đám trẻ. Những người bán hàng cũng khéo kể chuyện nên chúng mê tít...” - bà Hậu nói.

Có kịp giữ không?

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Giáp trình diễn dòng tranh trổ giấy - tranh dân gian Đông Hồ không còn trên thị trường. Ảnh: Bình Thanh

Những câu chuyện về tranh dân gian ngày Tết ăm ắp ở các chợ phiên thực ra không quá xa hôm nay - mới cách đây chừng hơn 30 năm. Thế mà giờ đây, tranh dân gian đã hoàn toàn mất dấu ở những chợ phiên nơi làng quê và đương nhiên thật khó lòng tìm được ở những trung tâm thương mại sầm uất nơi phố thị. “Chợ Rọng vẫn họp theo phiên nhưng dãy hàng bán tranh thì không còn, cũng được mấy chục năm rồi. Mà kể cũng lạ, tôi chưa từng thấy mặt hàng nào lại biến mất khỏi chợ phiên nhanh như tranh dân gian. Cũng như bỗng dưng người người trong làng trong xóm không còn ai mua tranh về treo trong ngày Tết nữa. Thế vào đó là những bức ảnh chụp diễn viên điện ảnh xinh đẹp, sau này là khung ảnh gia đình...” – ông Vinh luyến tiếc.

Điều luyến tiếc này càng cháy bỏng hơn bao giờ hết đối với những nghệ nhân còn sót lại của dòng tranh Đông Hồ, dòng tranh Hàng Trống. Là một trong số ít người nối nghiệp tổ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm xót xa kể: Ngày xưa, mỗi năm làng tranh dân gian Đông Hồ sản xuất hàng triệu bản mới đủ đáp ứng nhu cầu chơi tranh ngày Tết của các vùng miền trong cả nước. Gần cả làng “vào vụ” sản xuất tranh từ tháng 7 âm lịch cho đến tận những ngày giáp Tết. Vào tháng 10, nhà nào nhà nấy chất cả núi tranh trong nhà. Nhiều lái buôn đến mua tranh tận nơi từ tháng 10 âm lịch. Số còn lại được bán ở chợ tranh họp theo phiên tại đình làng. Tranh được đóng thành từng vạn, từng muôn từ tối hôm trước để đến sớm hôm sau xếp quang gánh ra chợ bán.

“Gần nửa thế kỷ qua, quy mô làng nghề tranh đông hồ thu nhỏ đến mức chỉ còn một vài hộ làm tranh. Chợ tranh không còn nữa. Biết làm sao được khi giờ đây người dân không còn thú chơi tranh dân gian ngày Tết nên không riêng gì tranh dân gian Đông Hồ mà tất cả các dòng tranh dân gian của Việt Nam đều đứng trước nguy cơ thất truyền như thế. Thật đáng tiếc khi một nét sinh hoạt văn hóa đẹp và tao nhã lại dễ dàng bị người dân “xóa sổ” chóng vánh như thế” – nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm nói.

Góp thêm câu chuyện này, nghệ nhân duy nhất của dòng tranh Hàng Trống thở dài bảo: “Giờ chỉ còn mình tôi cặm cụi với nghề. Tôi đã cố gắng “rủ rê” cậu con trai nối nghề nhưng chưa thể nói trước được điều gì nên cũng buồn lòng lắm chứ. Gần đây, tôi có nghe có dự án này, dự án kia những mong khôi phục các dòng tranh dân gian, trong đó có tranh Hàng Trống. Nhưng xem ra các dự án vẫn còn... “chấp chới” lắm. Cứ chậm trễ thế này, liệu rằng có còn kịp giữ vốn cha ông không?”.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu, sưu tập đã tìm được hơn 10 dòng tranh dân gian: Đông Hồ, Hàng Trống, thập vật, làng Sình, đồ thế Nam Bộ, gói vải, kính Nam Bộ, tranh thờ miền núi, đồng bằng, tranh vải và Kim Hoàng (phục dựng). Thế nhưng, những dòng tranh này đang ngày càng mai một, vắng bóng trên thị trường - kể cả khi Tết đến, xuân sang. Bên cạnh đó, những nghệ nhân giữ nghề ngày càng xa vắng... Theo PGS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tranh dân gian Việt Nam rất cần những chính sách tiêu thụ sản phẩm, chính sách thuế phù hợp của Nhà nước. Đặc biệt, việc tôn vinh nghệ nhân sao cho xứng tầm cũng thực sự cần thiết hơn bao giờ hết.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/sao-vang-tranh-dan-gian-ngay-tet-4057565-b.html