Sao Ta cung trăm tỉ thử nghiệm mảng kinh doanh mới

Trong thời điểm các doanh nghiệp thủy sản gặp nhiều khó khăn, Sao Ta vẫn tăng trưởng tốt và quyết định tham gia góp vốn đầu tư vào lĩnh vực nông sản.

Thành công ngành tôm, giờ là lĩnh vực nông sản

Trong Nghị quyết HĐQT vừa thông qua, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HOSE: FMC) tham gia việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm Khang An (Khang An Foods), với vốn 234 tỉ đồng.

Trong đó Fimex góp 180,4 tỉ đồng, chiếm 77,1% vốn điều lệ. Fimex góp vốn bằng nhà máy Thực Phẩm An San, hệ thống kho lạnh 4.000 tấn, xí nghiệp Thủy sản Sao Ta (cho thuê 2 năm đầu, hết thời hạn sẽ dùng để góp vốn) và tiền mặt.

Lĩnh vực kinh doanh chính của Khang An Foods là nuôi trồng, chế biến thủy sản; gieo trồng, chế biến nông sản. Theo phương hướng hoạt động, Khang An Foods sẽ thu hút thêm hệ thống khách hàng và phát triển nông sản, không là đối thủ cạnh tranh của Sao Ta nhưng có thể bán chung khách hàng nếu có sự thỏa thuận 3 bên.

Ảnh: vietgiaitri

Doanh nghiệp mới dự kiến chính thức đi vào hoạt động từ 1.1.2021. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Khang An Foods là bà Dương Ngọc Kim.

Tháng 7, Sao Ta ghi nhận thành phẩm tôm chế biến đạt 2.268 tấn, doanh số 20,3 triệu USD. Đây là tháng có sản lượng chế biến và doanh số cao nhất trong 25 năm hoạt động. Vụ tôm chính đã thu hoạch 2.300 tấn và đang triển khai vụ II trong năm.

Doanh nghiệp cho biết diễn biến COVID-19 thời gian gần đây chưa có tác động rõ rệt đến hoạt động kinh doanh, đơn vị thường xuyên trao đổi thông tin các khách hàng tiêu thụ nhằm nắm tình hình kịp thời để có giải pháp ứng xử phù hợp.

Doanh số vẫn tăng trưởng bất chấp dịch bệnh

Không chỉ kết quả kinh doanh tháng 7 mà trong Báo cáo tài chính quý II mới đây cho thấy lợi nhuận vẫn tăng trưởng hơn 2% lên 52 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng, Sao Ta có doanh số tiêu thụ 68,4 triệu USD và lãi tăng nhẹ đạt hơn 92 tỉ đồng, đây là kết quả rất khả quan trong bối cảnh xuất khẩu cả ngành thủy sản giảm 10% trong nửa đầu năm.

Một công ty sản xuất tôm lớn khác là Camimex Group thậm chí có lợi nhuận quý II giảm 62% do tăng thêm nhiều chi phí chống dịch COVID-19 khiến giá thành lên cao. Thậm chí, vua tôm Minh Phú cũng gặp nhiều khó khăn và phải tiết giảm chi phí, hàng tồn kho...Theo Báo cáo Tài chính hợp nhất quý II, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu giảm 34% xuống 2.736 tỉ đồng. Giá vốn giảm 35% nên lãi gộp còn giảm 25,4% xuống 338 tỉ đồng.

Vì vậy, tình hình kinh doanh của Fimex sáng sủa so với các doanh nghiệp trong ngành. Theo kế hoạch năm 2020, công ty Fimex đề ra mục tiêu tổng doanh thu 4.170 tỉ đồng, tăng 12% và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 250 tỉ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm trước. Với kết quả trên, đơn vị thực hiện hơn 38% kế hoạch năm.

Không những thế, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1.8 hỗ trợ rất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu, đây là cũng là một trong 3 thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Sao Ta.

EVFTA sẽ là hiệp định có tác động mạnh nhất, tạo một bước ngoặt lớn về cơ cấu thị trường cho mặt hàng tôm của Việt Nam. Cụ thể, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0%. Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 - 7 năm.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta thành lập năm 1996, năm 2003 chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, năm 2006 cổ phiếu của công ty niêm yết và giao dịch tại HOSE.

Hoạt động kinh doanh chính là Chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ tôm chiếm hơn 96 % doanh thu. Các sản phẩm chính của công ty là Tôm tươi, Tôm Nobashi, Tôm tẩm bột, tôm hấp trong đó tôm tươi chiếm tỉ trọng lớn nhất, 37,02%, sau đó là tôm Nobashi 27,13%. Thị trường tiêu thụ truyền thống của công ty là Nhật và Mỹ, bên cạnh 1 số thị trường đang dần khôi phục như: EU, Nga và Hàn Quốc.

Minh Anh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/sao-ta-cung-tram-ti-thu-nghiem-mang-kinh-doanh-moi-3336702/