Sao sáng U23 và lò đào tạo 'Hoàng Anh Gia… Lâm'

Không chỉ các 'lò' danh tiếng như Học viện HAGL, PVF, Viettet, SLNA mà tự hào nhất trong chiến công lịch sử mà U23 Việt Nam đang viết lên phải là 'lò Hoàng Anh Gia… Lâm' với những cầu thủ đến từ 'miền Đông… nước Anh'.

Các cầu thủ đi lên từ "lò Hoàng Anh Gia... Lâm" có Duy Mạnh (11), Đình Trọng (21), Thành Chung (16). Ảnh: Nhật Đoàn.

Hàng thủ “bê tông” với bộ ba trung vệ của U23 Việt Nam từ đầu giải, 2 trong số đó là quân của CLB Hà Nội: Duy Mạnh và Đình Trọng – cầu thủ đang khoác áo Sài Gòn theo diện cho mượn và được xem là “chuyên gia kèm Tây”. Và khi Duy Mạnh đau cần thay thế, người được HLV Park Hang-seo chọn là Thành Chung, cầu thủ đá cặp trung vệ với Mạnh ở CLB Hà Nội.

Còn ở tuyến giữa, ngạc nhiên lớn nhất của U23 Việt Nam ở giải đấu thăng hoa này là Đức Huy, khi được kéo vào đá cặp tiền vệ trung tâm với đội trưởng Xuân Trường. Huy là “người hùng trầm lặng”, làm nhiệm vụ phòng ngự và “máy quét” để phục vụ Xuân Trường, giúp tiền vệ tổ chức này rảnh chân cầm bóng, làm bóng và kiến thiết.

Đức Huy tỏa sáng ở vị trí tiền vệ trụ. Ảnh: Hữu Phạm

HLV Park Hang-seo gây ngạc nhiên khi xếp Đức Huy chuyên đá cánh vào giữa đá tiền vệ trụ. Thế nhưng không phải ông Park “khai phá” ra vị trí này. Ở vài giải trẻ trong màu áo Hà Nội, Huy từng được HLV Phạm Minh Đức tin tưởng ở giữa sân và chơi rất hiệu quả.

Trong thành công của U23 Việt Nam, có 2 cầu thủ góp công đầu là Quang Hải và thủ môn Tiến Dũng. Hải “con” thì khỏi nói, quá đặc biệt và xứng đáng với vị thế một “ngôi sao”, “người hùng” trong chiến công lịch sử của BĐVN.

Quang Hải cùng với Duy Mạnh, Đình Trọng, Thành Chung, Đức Huy rồi Văn Hậu, Quang Hải và cầu thủ dự bị là Thái Quý rồi cả thủ môn Văn Hoàng (Sài Gòn), tính ra quân số thuộc biên chế Hà Nội hay của Hà Nội đào tạo thì không phải HAGL mà đội bóng Thủ đô mới đóng góp lực lượng đông đảo nhất ở U23 Việt Nam.

“Ngôi sao” Quang Hải đến từ huyện Đông Anh và trưởng thành từ trung tâm đào tạo của Sở Hà Nội. Ảnh: Hữu Phạm

Điều đặc biệt, quá nửa trong số đó đi lên từ một trung tâm bóng đá rất đặc biệt mang tên Học viện “Hoàng Anh Gia… Lâm” – biệt danh vui dân bóng đá Hà Nội nói vui thời điểm Học viện HAGL của bầu Đức “làm mưa, làm gió” ở BĐVN với lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn…

Những Duy Mạnh, Quang Hải (Đông Anh), Đình Trọng, (Gia Lâm) hay lứa trước đó là Huy Hùng (Sóc Sơn), Xuân Nam, Duy Khánh…, hoặc Đức Huy (Hải Dương), Thành Chung (Tuyên Quang)…, tất cả đều trưởng thành từ cái sân ruộng ở Gia Lâm, là Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội thuộc Trung tâm huấn luyện thi đấu TDTT – Sở VHTT Hà Nội.

Rất nhiều cầu thủ của U23 Việt Nam trưởng thành từ bếp ăn tập thể này.

Cực ít người biết về trung tâm này, dù tồn tại bao năm qua và thỉnh thoảng lại bị "dọa" cho "xóa sổ". Từ 6 năm nay, Trung tâm đào tạo Hà Nội T&T không đào tạo các lứa trẻ “đầu vào” U11, U13 do có “đầu ra” của trung tâm này khi hết lứa tuổi U15.

Khi Học viên HAGL “nổi như cồn” với đầu tư và những điều kiện trong mơ, so sánh với cái sự khổ cực, khắc nghiệt của trung tâm bóng đá thuộc Sở này cũng như tự hào về những gương mặt đi lên, trưởng thành, cái tên “Học viện Hoàng Anh Gia… Lâm” xuất hiện.

Quang Hải là niềm tự hào của “Hoàng Anh Gia... Lâm“. Ảnh: Hữu Phạm

Và bởi không có kinh phí, chỉ có thể gom quân từ các huyện ngoại thành và tỉnh lân cận mà đa phần do gia đình nghèo ở quê gửi con lên tập để nhờ các thầy trông luôn, nhiều trong số đó đến từ Đông Anh, thế nên gộp chung luôn gọi là “miền Đông… nước Anh” cho… Tây.

Cũng rất hay và tự hào, khi quân “Hoàng Anh Gia… Lâm” đến từ “miền Đông… nước Anh” của Hà Nội đóng vai chính, góp phần làm nên chiến công lịch sử cho BĐVN.

ĐỘC PHONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/sao-sang-u23-va-lo-dao-tao-hoang-anh-gia-lam-588254.ldo