Sao phải thay tên đổi họ tòa nhà Bưu điện Hà Nội làm gì?

Theo các chuyên gia lịch sử, 'Bưu điện Hà Nội' đã trở thành một hình ảnh đẹp gắn liền với ký ức lịch sử của thủ đô, vì thế không nên thay đổi thành bất cứ một tên gọi nào khác.

Bưu điện Hà Nội gắn liền với ký ức của người dân thủ đô.

Nhiều tháng nay, tên "Bưu điện Hà Nội" bất ngờ bị thay đổi. Đơn vị quản lý đặt một cái tên mới cho tòa nhà đối diện hồ Hoàn Kiếm là “VNPT Hà Nội”.

Sự thay đổi bất ngờ này đang làm dấy lên những tranh cãi.

Theo PGS Đặng Văn Bài, Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, tên gọi “Bưu điện Hà Nội” đã tồn tại từ lâu, đã trở thành một phần ký ức, linh hồn và là một chủ thể nằm trong quần thể kiến trúc Hồ Gươm. Vì thế, việc thay đổi tên gọi có thể biến tòa nhà thành một công trình mang ý nghĩa khác. “Người ta nhìn vào dòng chữ mới sẽ không còn thấy nét cổ kính xưa, thay vào đó là một khái niệm hoàn toàn xa lạ”, PGS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.

Chuyên gia lịch sử Trần Trung Hiếu cho hay, “Bưu điện Hà Nội” là địa chỉ đỏ của thủ đô trong những năm chiến tranh. Năm 1946, nơi đây là một trận địa chống Pháp quyết liệt của các chiến sĩ Thủ đô và công nhân Nhà Bưu điện.

“Đây là đầu mối thông tin liên lạc giữa Thủ đô với các địa phương trong cả nước, phục vụ Chính phủ và các cơ quan quân sự, an ninh trong cuộc kháng chiến, kiến quốc. Công trình đã được gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến với nội dung: “Ngày 20.12.1946 tại Bưu điện Hà Nội, các chiến sĩ Thủ đô và công nhân bưu điện đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt tấn công của giặc Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nóc của tòa bưu điện được chọn là một trong số những điểm bố trí hệ thống súng phòng không để bảo vệ bầu trời Thủ đô”.

Nhiều người cho rằng tên gọi mới VNPT Hà Nội làm mất đi ý nghĩa của tòa nhà.

Theo ông Trần Trung Hiếu, sự thay đổi về tên gọi làm ảnh hưởng lớn đến giá trị và ý nghĩa lịch sử.

Ở góc độ khảo cổ, PGS Nguyễn Lân Cường cho biết, "Bưu điện Hà Nội có ý nghĩa như một công trình văn hóa và là di sản của Hà Nội. "Không có lý gì phải thay tên đổi họ một di sản văn hóa cả", ông nói.

Về vấn đề này, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng bày tỏ sự phản đối. Theo ông Động, Sở đang làm mọi cách để lấy lại tên cũ cho tòa nhà.

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội khẳng định, Bưu điện Hà Nội từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Các hạng mục kiến trúc Bưu điện Hà Nội vẫn hiện diện tại vị trí cũ với dấu tích lịch sử được ghi rõ: “Ngày 20.12.1946, tại đây các chiến sĩ Thủ đô và công nhân bưu điện đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt tấn công của giặc Pháp”.

Mặc dù được tu sửa và xây dựng mở rộng nhiều lần, nhưng tên gọi “Bưu điện Hà Nội” vẫn chưa từng thay đổi.

Đầu năm 2018, khi lấy ý kiến về việc sửa chữa, thay thế thiết bị đồng hồ Bưu điện Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP, khẳng định Bưu điện Hà Nội là nơi ghi dấu nhiều thăng trầm lịch sử của mảnh đất Hà thành và hình ảnh đồng hồ lớn gắn với tòa nhà Bưu điện Hà Nội ở bên Hồ Gươm từ lâu đã ở trong tâm thức của người dân Thủ đô và du khách.

Do vậy, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội khẳng định, việc bảo tồn di sản của thủ đô cần phải quan tâm đến cả các di sản tiêu biểu của kiến trúc, bởi đó là những minh chứng cho lịch sử văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội.

Về việc đổi tên, Sở VHTT Hà Nội cho rằng, đơn vị chủ quản tòa nhà - Công ty Viễn thông Hà Nội nên trả lại cái tên Bưu điện Hà Nội như trước đây.

Đào Bích

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/sao-phai-thay-ten-doi-ho-toa-nha-buu-dien-ha-noi-lam-gi-639875.ldo