Sao phải chọn tăng thêm ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2-9?

Quốc hội thống nhất có thêm một ngày nghỉ lễ trong năm nhưng nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau trong việc chọn nghỉ vào ngày nào?

Bên hành lang Quốc hội sáng 19-11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho hay sửa Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này các ý kiến đã thống nhất về việc tăng thêm một ngày nghỉ cho người lao động.

Ý kiến hiện giờ là ngày nghỉ được tăng thêm đó sẽ chọn vào dịp Quốc khánh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đang nói về việc tăng thêm ngày nghỉ cho người lao động. Ảnh: CHÂN LUẬN

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đang nói về việc tăng thêm ngày nghỉ cho người lao động. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Để người lao động có thêm một ngày nghỉ trong ngày lễ Quốc khánh. Như vậy người lao động có thêm thời gian thu xếp nghỉ ngơi, người ở xa có thời gian đi về quê, không bị cản trở về thời gian” - ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, nếu thống nhất nghỉ ngày 28-6, tức chỉ được nghỉ một ngày, người lao động đi về rất khó khăn. “Nếu nghỉ vào dịp Quốc khánh thì có thể người lao động được nghỉ hai ngày hoặc là ngày 1 và 2-9 hoặc ngày 2 và 3-9. Như vậy thời gian nghỉ dài hơn và người lao động đi lại dễ hơn” - ông Lợi phân tích.

Quan trọng hơn, vẫn theo ông Lợi, ý nghĩa ngày nghỉ dịp Quốc khánh lớn hơn ngày Gia đình Việt Nam. Bản thân ý nghĩa ngày tết Độc lập đã bao hàm ý nghĩa của ngày Gia đình Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng cho biết: Nhiều ý kiến cũng cho rằng nên chọn thêm ngày nghỉ kề cận với ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Như vậy, người dân sẽ có thời gian chuẩn bị sách vở, mọi điều kiện cho con cái đến trường. Học sinh, sinh viên cũng có thời gian để sum họp gia đình trước khi tựu trường.

Chốt lại, ông Lợi nói: “Tức là tết Độc lập sẽ được nghỉ hai ngày. Quy định này giao cho Chính phủ quy định. Nghỉ trước hay sau ngày 2-9 thì Chính phủ sẽ công bố như với tết Nguyên đán. Ví dụ, nếu ngày 3-9 là thứ Bảy thì Chính phủ sẽ chọn nghỉ từ ngày 1 đến 4-9. Còn nếu không thì sẽ chọn nghỉ ngày 2 và 3-9 để tránh chuyện nghỉ dài”.

Trước đó, ngày 23-10, tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được chỉnh lý với nhiều điểm mới. Nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đồng tình với phương án tăng thêm một ngày nghỉ lễ là ngày Gia đình Việt Nam 28-6 thay vì ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói: “Nếu được Quốc hội thông qua, chúng ta sẽ có thêm ngày nghỉ lễ với ý nghĩa là ngày dành cho tổ ẩm, hạnh phúc, bền vững với gia đình. Đó là điều rất hợp lý, độc đáo và tiến bộ".

ĐB Trần Tuấn Hải (Lạng Sơn) ngoài đồng ý tăng thêm ngày nghỉ 28-6, còn kiến nghị thêm ngày nghỉ là 5-9, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường để “người lao động có thêm điều kiện, thời gian chăm lo trách nhiệm với gia đình”.

Trong khi đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cùng nhiều ĐB khác lại không đồng tình và cho rằng nếu nghỉ lễ vào ngày đưa trẻ đến trường, các thầy cô và cán bộ giáo dục vẫn phải làm việc. Ngày nghỉ lễ như vậy là không hoàn hảo.

Còn ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) lại đề xuất bổ sung thêm ngày nghỉ tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số cho người lao động là đồng bào thiểu số.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/sao-phai-chon-tang-them-ngay-nghi-dip-quoc-khanh-29-871118.html