Sao Nhật gạt đề xuất của Putin ký hiệp ước hòa bình?

Trong thời điểm hiện nay, nguyên nhân quan trọng nhất khiến Tokyo gạt đề xuất của Moscow về ký hiệp ước hòa bình dường như là do yếu tố Mỹ...

Mối đe dọa từ Mỹ nếu Hiệp ước hòa bình Nga-Nhật được ký kết trong thời điểm hiện nay

Tokyo ngay lập tức gạt phắt đề xuất của Moscow về việc ký kết hiệp ước hòa bình được cho là nhằm giải tỏa mối đe dọa từ Washington đối với Nhật Bản, trong đó có cả vấn đề kinh tế và chính trị.

Thứ nhất, việc ký kết Hiệp ước hòa bình Nga-Nhật diễn ra trong bối cảnh Seoul và Bình Nhưỡng đang tiến tới việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh và thay Hiệp định đình chiến bằng Hiệp định hòa bình, khiến Đông Bắc Á trở thành khu vực hòa bình.

Điều này buộc Washington và Tokyo phải xem xét lại Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật, mà việc điều chỉnh chắc chắn sẽ xảy ra, khi đó bản Hiến pháp Hòa bình mà Mỹ soạn thảo cho Nhật Bản sẽ phải sửa đổi.

Nếu những chuyển động chính trị ấy diễn ra sẽ làm thay đổi hoàn toàn vai trò của Mỹ đối với Nhật và chắc chắn sẽ làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á, ảnh hưởng tới chiến lược của Mỹ trên toàn thế giới.

Bán đảo Triều Tiên kết thúc tình trạng chiến tranh sẽ là khiến tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật là yếu tố quan trọng với Mỹ tại Đông Bắc Á

Bán đảo Triều Tiên kết thúc tình trạng chiến tranh sẽ là khiến tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật là yếu tố quan trọng với Mỹ tại Đông Bắc Á

Theo giới phân tích, với viễn cảnh như vậy, rõ ràng Washington sẽ không thể để cho mầm họa được phôi thai từ đề xuất của Tổng thống Putin về ký Hiệp ước hòa bình Nga-Nhật ngay trong năm 2018.

Dù hiện nay giữa nhánh Hành pháp có sự lệch pha với Lập pháp và Tư pháp trong hệ thống quyền lực tại Mỹ, song đó chỉ là trong vấn đề quản lý và điều hành, còn về chiến lược toàn cầu thì tất cả các nhánh quyền của nước Mỹ không có sự khác biệt.

Chính vì vậy, Tokyo phải dứt khoát gạt bỏ đề xuất của Moscow trong việc chấm dứt giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng một hiệp ước hòa bình, để tránh tai họa từ Washington.

Thứ hai, Tổng thống Trump đang đe dọa sẽ khởi phát "trừng phạt" thương mại với Nhật Bản, do vậy nếu Tokyo chấp nhận đề xuất của Moscow thì sẽ tạo điều kiện cho vị tổng thống doanh nhân có cớ để thực hiện điều này.

The Wall Street Journal ngày 6/9 đưa tin, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết mối quan hệ giữa ông với giới chức Tokyo rất tốt đẹp, nhưng cũng nhấn mạnh: “Điều đó có thể sớm chấm dứt khi tôi nói họ cần phải chi trả bao nhiêu".

Theo Tạp chí Mỹ, Tổng thống Trump cảm thấy phiền lòng về các điều khoản thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản và sẽ tiếp tục tập trung tìm cách giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với đối tác thương mại này.

Cho dù, việc trừng phạt thương mại Nhật Bản, nếu được vị tổng thống doanh nhân áp đặt, hoàn toàn xuất phát từ thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật, song nếu Tokyo chấp nhận đề xuất của Moscow thì việc trừng phạt sẽ diễn ra ngay.

Tổng thống Trump hoàn tòa có thể trừng phạt thương mại Nhật nếu Tokyo bắt tay Moscow và ký hiệp ước hòa bình

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở. Bởi Washington luôn có thói quen chính trị hóa kinh tế - sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế cho các xung đột chính trị mà được nhận diện là ảnh hưởng tới lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ và giá trị Mỹ.

Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế Nhật Bản mới có tăng trưởng trở lại sau hơn 1/4 thế kỷ chìm trong suy thoái, nều để Trump trừng phạt thương mại sẽ là thảm họa với đất nước mặt trời mọc. Do vậy, Tokyo tạm thời chưa thể bắt tay Moscow.

Qua đây mới thấy, khi đã lệ thuộc vào sức mạnh Mỹ thì bất cứ thực thể nào cũng luôn phải đặt lợi ích của Mỹ lên trước lợi ích của mình, dù sự hy sinh này có thể là bất bình đẳng trong cả cơ chế đa phương lẫn song phương trong quan hệ với Mỹ.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/sao-nhat-gat-de-xuat-cua-putin-ky-hiep-uoc-hoa-binh-3365396/