Sao mạng bị khóa kênh vì giả cầu hôn để livestream bán hàng

Màn cầu hôn hoành tráng của Yin Shihang (Trung Quốc) sớm trở thành một buổi livestream bán hàng kéo dài 5 tiếng đồng hồ.

Ngày 17/5, Kuaishou đã khóa tài khoản của Yin Shihang, một người bán hàng trực tuyến sở hữu 8 triệu lượt theo dõi trên ứng dụng chia sẻ video này, theo Sixth Tone.

Hành động kỷ luật mạnh tay của nền tảng được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc triển khai chiến dịch “quét sạch” các chiêu trò quảng cáo giật gân ở ngành bán hàng trực tuyến.

 Màn trình diễn lố lắng để "câu view" của Yin Shihang nhận về hơn 230.000 đơn khiếu nại. Ảnh: Sixth Tone.

Màn trình diễn lố lắng để "câu view" của Yin Shihang nhận về hơn 230.000 đơn khiếu nại. Ảnh: Sixth Tone.

Cầu hôn để 'câu view'

Cụ thể, Yin Shihang chính thức đã bị cấm hoạt động sau khi nhận hơn 230.000 đơn khiếu nại từ khán giả trong buổi livestream bán hàng hôm 15/5.

Các lý do được đưa ra bao gồm “bán hàng quá cường điệu hóa”, “màn trình diễn thô thiển” và "quảng cáo sai sự thật".

Trước đó một ngày, anh đăng tải một đoạn video ngắn được dàn dựng công phu nhằm thông báo rằng anh dự định sẽ cầu hôn bạn gái Tao Lulu.

“21h ngày 15/5, tôi sẽ phát trực tuyến màn cầu hôn với Lulu”, người này nói.

Đến giờ hẹn, Shihang diện bộ vest trắng, cưỡi trên lưng ngựa con và tiến về phía sân khấu. Bố ruột chú rể, vốn do một thanh niên trạc tuổi Shihang thủ vai, đọc một bài diễn văn “xúc động.

Thế nhưng, trái với những gì khán giả mong đợi, sự kiện cầu hôn hoành tráng lại sớm trở thành một buổi livestream bán hàng kéo dài 5 tiếng đồng hồ.

Yin Shihang tranh thủ bán đủ loại sản phẩm trong lễ cầu hôn giả mạo của mình. Ảnh: Sixth Tone.

Sự kiện này nằm trong số những chương trình phát sóng trực tuyến thịnh hành nhất trên nền tảng.

Lợi dụng có nhiều người đang theo dõi màn trình diễn dàn dựng của mình, Shihang quảng cáo loạt sản phẩm, bao gồm nước hoa, đồ ngủ và điện thoại di động.

Kết thúc buổi livestream, Shihang bán được số hàng trị giá 46,1 triệu NDT (7,2 triệu USD), theo Southern Metropolis Daily.

Trước đó, Shihang từng bị phạt vì có những hành vi tiếp thị sai lệch. Sixth Tone đã so sánh kênh cá nhân có 8 triệu lượt theo dõi của người đàn ông này với một “bộ phim truyền hình kịch tính”.

Anh thường xuyên đăng video về những cuộc chia tay, rồi lại hòa giải giữa mình với Tao Lulu hoặc người phụ nữ khác nhằm mục đích thu hút người xem.

Trong lần tái hợp gần đây nhất với Lulu, anh tặng cô một chiếc Rolls-Royce và món quà đính hôn trị giá 5,2 triệu NDT (gần 810.000 USD).

Nhiều người dùng Internet Trung Quốc bày tỏ sự vui mừng khi biết tin tài khoản của Yin Shihang bị cấm hoạt động.

“Anh ta bày trò cầu hôn này suốt cả tháng rồi, ngày nào cũng đem ra để thổi phồng nó lên. Nhưng chúng ta đều biết câu chuyện thực sự sau hậu trường mà”, một người để lại bình luận.

Mặt trái của ngành livestream bán hàng

Ngành thương mại trực tuyến bùng nổ ở Trung Quốc vào khoảng năm 2019 và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn trong đại dịch, khi Covid-19 gây ảnh hưởng đến các kênh bán hàng truyền thống.

Ngành công nghiệp này đã sản sinh ra những ngôi sao mạng như “hoàng tử son môi” Li Jiaqi (28 tuổi) hoặc Huang Wei (35 tuổi), người được Bloomberg mệnh danh là “nữ hoàng livestream”. Tháng 4/2020, cô thậm chí chào hàng thành công một quả tên lửa trị giá 40 triệu NDT tại buổi phát trực tuyến.

Tháng 5/2020, một buổi ghi hình trực tuyến của Huang Wei ghi nhận hơn 37 triệu người theo dõi. Ảnh: wargabiz.

Tuy nhiên, ngành nghề này cũng tạo ra không ít vấn đề mới, đồng thời trầm trọng thêm các vấn đề cũ.

Tương tự một số quốc gia khác, không ít streamer Trung Quốc hám tiền đã bị cáo buộc cố tình quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng. Họ cũng thường tự nhận bản thân đã sử dụng nhưng thực ra chưa từng thử một lần.

Các chiêu trò quảng cáo giật gân tương tự Yin Shihang có thể lừa đảo nhóm người dùng Internet kém hiểu biết bỏ tiền mua những thứ họ không cần thiết, hoặc đồ giả, kém hiệu quả.

Một số buổi phát sóng khác bị bóc trần đã dàn dựng kịch bản, tạo nên những câu chuyện giật gân không có thật để thu hút người xem. Một trong những motif được khán giả ưa thích là video nói về hành trình làm giàu từ hai bàn tay trắng.

Bên cạnh đó, streamer hoặc công ty quản lý của họ bỏ tiền để mua lượng lớn lượt tiếp cận và số liệu bán hàng ảo để làm đẹp hồ sơ, từ đó thu về các hợp đồng quảng cáo sản phẩm lớn, lợi nhuận cao.

Về phần mình, các nền tảng mạng xã hội đang cố gắng chống lại sự lan rộng của phong trào bán hàng này.

Trong một thông báo đăng tải hôm 17/5, Kuaishou cho biết nền tảng đã khởi động chiến dịch xử lý “các buổi bán hàng trực tuyến cường điệu hóa quá mức”, đặc biệt là các trường hợp lợi dụng đám cưới và ly hôn để tăng tương tác.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sao-mang-bi-khoa-kenh-vi-gia-cau-hon-de-livestream-ban-hang-post1217514.html