'Sao mai' trên bầu trời nghệ thuật truyền thống

Không hẹn mà gặp, các nghệ sĩ trẻ của Khánh Hòa đã gặt hái được những giải thưởng lớn mang tầm quốc gia. Con đường đến với nghệ thuật truyền thống của mỗi người tuy khác nhau, nhưng họ có chung tình yêu với bộ môn mình theo đuổi.

Không hẹn mà gặp, các nghệ sĩ trẻ của Khánh Hòa đã gặt hái được những giải thưởng lớn mang tầm quốc gia. Con đường đến với nghệ thuật truyền thống của mỗi người tuy khác nhau, nhưng họ có chung tình yêu với bộ môn mình theo đuổi. Họ như những ánh sao mai mang theo nhiều kỳ vọng của nghệ thuật truyền thống xứ Trầm Hương.

Vai diễn đầu đời của cô đào trẻ

Hơn 4 năm trước, cô gái trẻ Trần Thị Kim Thoa chập chững bước chân vào Đoàn Tuồng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh với những nỗi băn khoăn riêng mình. Trước đó, cô diễn viên quê Ninh Hòa đã tốt nghiệp chuyên ngành tuồng của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch vào năm 2014. Không phải là con nhà nòi nên để đến với tuồng và đạt được những thành công bước đầu là cả một quá trình nỗ lực của cô đào có vóc dáng bé nhỏ này. Đã biết bao lần Kim Thoa phải khóc trên sân khấu vì không làm được theo những yêu cầu của đạo diễn. Nhưng cứ sau mỗi lần như thế, cô lại tập luyện nhiều hơn, chăm chỉ hơn. Thời gian tập chính thức không đủ, cô ở lại sân khấu để tự tập thêm. Tập trên đoàn chưa hài lòng, về nhà cô tự tập tiếp. Cứ như thế, cô đào trẻ âm thầm nuôi dưỡng tình yêu của mình với nghệ thuật tuồng. Để rồi, từ một diễn viên chỉ được giao những vai múa hát quần chúng, cô dần được giao những vai kép con và rồi điều bất ngờ đã đến khi cô được giao vai công chúa Lỗ Lâm - một trong những vai mẫu của sân khấu tuồng trong trích đoạn Lỗ Lâm đề cờ để tham gia Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng và dân ca kịch toàn quốc.

 Diễn viên trẻ Kim Thoa trong vai công chúa Lỗ Lâm.

Diễn viên trẻ Kim Thoa trong vai công chúa Lỗ Lâm.

Suốt 9 tháng liền, cô nỗ lực tập luyện cho vai diễn của mình được hoàn thiện nhất. Được sự hướng dẫn của NSƯT Kim Khiêm, cùng quyết tâm của bản thân nên qua mỗi ngày, vai diễn càng được thực hiện tốt thêm. Để rồi đến với cuộc thi, Kim Thoa đã có phần biểu diễn xuất thần trước sự khâm phục của khán giả và những nghệ sĩ đồng nghiệp. Tấm huy chương vàng của cuộc thi là thành quả cho những nỗ lực của cô. Với giọng hát cao, giàu nội lực, cùng lối diễn cá tính và chịu khó tìm tòi nét mới, cô đào trẻ Kim Thoa hứa hẹn sẽ thành công trên con đường mình đã chọn.

Kép mùi của kịch hát bài chòi

Nguyễn Sơn Hà là diễn viên trẻ của Đoàn Dân ca thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Hội tụ đầy đủ yếu tố thanh - sắc - kỹ thuật biểu diễn, anh thường được giao những vai kép mùi như: Châu Tuấn (vở Thoại Khanh - Châu Tuấn), Mục Kiều Liên (vở Vu lan báo hiếu), Trần Bình (vở Tình đời mong manh), Từ Đạo Hạnh (vở Vua hóa hổ)… Bước chân vào nghề mới hơn 3 năm, nhưng chàng trai sinh năm 1995 đã bộc lộ được những tố chất của mình trên sân khấu kịch hát bài chòi. Vóc dáng cao ráo, giọng hát mượt mà, lối diễn có chiều sâu là những tố chất giúp Sơn Hà nhanh chóng để lại dấu ấn của mình. “Trước khi vào đoàn, tôi không hề biết gì về các làn điệu bài chòi, tâm lý, cách diễn như thế nào cũng là con số không. Những lần đi xem các nghệ sĩ thế hệ trước diễn, tôi luôn cảm thấy lo lắng và nghĩ mình sẽ không theo nghề được. Nhưng không hiểu sao, càng xem tôi càng thấy mê và càng quyết tâm phải trở thành một diễn viên kịch hát bài chòi”, Sơn Hà chia sẻ.

Diễn viên Sơn Hà trong vai diễn Từ Đạo Hạnh.

Không được đào tạo bài bản về biểu diễn dân ca kịch bài chòi, cũng không phải là con nhà nòi, vậy nhưng Sơn Hà đã học hỏi, tập luyện thật nhiều để có thể đạt được những thành công. Trong 2 năm liên tiếp 2019, 2020, anh đã giành được 2 huy chương vàng từ những liên hoan, cuộc thi do Hội Nghệ sĩ sân khấu, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Trong hoạt động chuyên môn của đoàn, Sơn Hà được giao đảm nhận nhiều vai diễn khó từng được các lớp nghệ sĩ đi trước đặt dấu ấn. Dù với vai diễn nào, đồng nghiệp và khán giả vẫn dễ nhận thấy cách vào vai rất ngọt của Sơn Hà. Mỗi vai diễn, chàng kép trẻ này luôn nỗ lực tìm tòi những cái mới trong cách hát sao cho hay, có nét riêng nhưng vẫn phù hợp với nhân vật và đúng ý đạo diễn.

Những thành công đến sớm với Sơn Hà là điều bất ngờ. Tuy nhiên, anh cũng hiểu được đây chỉ mới là bước khởi điểm, chặng đường nghề nghiệp ở phía trước vẫn còn dài nên càng phải nỗ lực, trau dồi hàng ngày. Những thành tích ấy là động lực để người nghệ sĩ thêm niềm tin cống hiến với nghề. Chính vì thế, sau những điều đã làm được với các vai kép mùi, Sơn Hà mong muốn được thử sức mình ở những vai kép độc để có thêm nhiều đất diễn nhằm phát huy hết khả năng bản thân.

Lắng nghe tiếng đàn bầu

Hơn 5 năm trước, trong nỗ lực làm mới mình, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã thành lập nên nhóm nhạc cụ dân tộc. Phạm Văn Tấn khi đó vừa tốt nghiệp Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh đã về đầu quân cho đoàn. Được hoạt động nghệ thuật theo đúng sở thích, anh không ngừng nỗ lực sáng tạo và cống hiến. Rất nhiều tiết mục hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc đã được Văn Tấn và các thành viên trong nhóm dàn dựng biểu diễn. Tiếng đàn bầu của anh đã kết hợp với tiếng sáo trúc, đàn tranh, đàn nhị để tạo nên nét mới trong những chương trình biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Với cây đàn bầu, chàng trai quê Nam Định không chỉ chơi những bản nhạc mang màu sắc dân gian truyền thống, mà còn biểu diễn nhiều tiết mục âm nhạc đương đại, thậm chí có những bản nhạc hiện đại. Điều đó đã góp phần đem đến màu sắc tươi mới trong những chương trình biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng.

Nghệ sĩ Văn Tấn biểu diễn với cây đàn bầu.

Đến với Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, được sự quan tâm đầu tư của đoàn nên nhóm nhạc dân tộc và cá nhân Văn Tấn đã đạt thành tích cao. Cụ thể, nhóm nhạc đạt giải nhì với tiết mục hòa tấu Tháp thiêng. Còn với Văn Tấn, cả hai tiết mục độc tấu đàn bầu Nét Huế và Nặng tình phương Nam đều đạt giải nhì. Bước vào cuộc thi mang tầm quốc gia, nghệ sĩ Văn Tấn đã trình diễn các tiết mục rất sáng tạo khi dùng cây vĩ của đàn nhị để đánh đàn bầu. “Tôi muốn tạo nên những hiệu ứng mới cho tiếng đàn bầu để có thể biểu đạt hết những cung bậc cảm xúc của bản nhạc nên đã nghĩ ra cách trên. Phải mất nhiều tuần tập luyện tôi mới có thể thuần thục biểu diễn ngón đàn đó trên sân khấu, bởi nếu làm không khéo tiếng đàn sẽ bị phô và phản tác dụng”, Văn Tấn chia sẻ.

Khi nghe nghệ sĩ Văn Tấn biểu diễn tiết mục này, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức đã phải công nhận: “Tôi từng là một nhạc công chơi đàn nên khi nghe Văn Tấn đánh đàn bầu tôi thấy đầy cảm xúc. Tiếng đàn của Tấn hay, đẹp và lạ”. Ở độ tuổi 30, có thể xem sự nghiệp của Văn Tấn đang dần bước vào độ chín. Với tình yêu dành cho tiếng đàn bầu, chúng ta đặt niềm tin vào những điều Văn Tấn sẽ cống hiến cho nền nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa.

Giang Đình

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202102/sao-mai-tren-bau-troi-nghe-thuat-truyen-thong-8207555/