Sao lại tự hào chuyện say xỉn!

Tai nạn giao thông do tác động của bia rượu luôn khiến xã hội nhức nhối, thậm chí gây làn sóng căm phẫn mạnh mẽ trong cộng đồng. Những logo mang khẩu hiệu 'Đã uống rượu bia, không lái xe' được chính những người tình nguyện in vào áo thun đi trên phố hoặc dán vào ảnh đại diện trên mạng, cho thấy đã đến lúc phải triệt để ngăn chặn những ma men điều khiển phương tiện giao thông.

Người phụ nữ lái xe tông thẳng vào những người đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Hàng Xanh, TPHCM, hay gã thanh niên đụng 2 người ở hầm chui Kim Liên, Hà Nội, hoặc người đàn ông lao xe vào đám tang ở Quy Nhơn, Bình Định, đều có điểm chung: đã uống rượu bia trước khi lái xe. Và khi gây tai nạn họ vẫn đang trong tình trạng chập chờn hưng phấn cơn say.Trừng phạt những kẻ phạm pháp ấy là chuyện tất nhiên.

Sự mất mát của bao nhiêu nạn nhân không cách nào an ủi được. Người bị mất mạng vì tài xế say xỉn, để lại xót xa khôn nguôi. Người bị thương tật vì tài xế say xỉn, để lại hệ lụy khó lường. Đền bù bằng tiền bạc ư? Chua chát lắm, tiền bạc làm sao mua được sức khỏe và cuộc sống của con người. Sự bẽ bàng ấy, không chỉ người thân của các nạn nhân, mà những người xung quanh cũng cảm nhận rất rõ ràng.

Một hình ảnh cổ súy tại lễ hội bia, có nên không?

Một hình ảnh cổ súy tại lễ hội bia, có nên không?

Xe hơi là phương tiện được xem như nguồn nguy hiểm cao khi điều khiển. Vì vậy, mọi quốc gia đều đưa ra quy chuẩn để kiểm soát tài xế, từ thể lực cho đến kỹ thuật. Tuy nhiên, quy chuẩn là cái bằng lái hợp pháp cũng trở nên thừa thãi, nếu tài xế thoải mái uống rượu bia. Đừng nghĩ chạy xe máy thì vô tư rượu bia. Bởi lẽ, người say xỉn khi ngồi trên xe máy cũng không khác gì sát thủ. Hơn nữa, khi người đi xe máy loạng choạng lưu thông khó tránh khỏi va chạm với các phương tiện khác đang đồng hành. Do đó, không cần phải phân biệt xe máy hay xe hơi khi khống chế những ma men cầm lái.

Những cái chết tức tưởi do tài xế uống bia rượu, để lại những tiếng nấc nghẹn ngào, những tiếng thở dài căm phẫn. Dù chưa có con số thống kế đầy đủ, nhưng chỉ cần quan sát ở các bệnh viện, có thể thấy những trường hợp tai nạn giao thông vì tài xế say xỉn rất khủng khiếp. Cảnh sát giao thông đã nỗ lực trong công tác phòng chống, nhưng không thể đo lượng cồn được hết thảy tài xế đang cầm lái. Khi phát hiện lái xe đã uống bia rượu, chủ yếu xử lý dựa vào công cụ hành chính là phạt tiền. Sau khi nộp tiền tài xế lại tái phạm, với mức độ cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT, cho rằng: “Để ngăn chặn tình trạng uống rượu bia lái xe, Nghị định 46 đang trong quá trình sửa đổi được đề xuất tăng mức phạt hành vi này từ mức tối đa 18 triệu đồng lên 40 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi ủng hộ phạt tù, tịch thu xe, lao động công ích với người vi phạm nồng độ cồn. Nhưng định hướng lâu dài cần sửa Luật vi phạm hành chính, Luật hình sự đồng bộ, đưa thêm các mức phạt tăng nặng, hình phạt bổ sung. Hiện đang trong quá trình tổng kết Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 46, chúng tôi sẽ có báo cáo tổng hợp những nội dung cần sửa đổi”.

Tương tự, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, kiến nghị giải pháp trấn áp ma men cầm lái: “Có rất nhiều cách thức có thể áp dụng, bao gồm phạt lao động công ích phục vụ cộng đồng, buộc học lại lý thuyết, học lại thực hành, thậm chí có thể phải sát hạch lại với chương trình khó hơn trước khi được cấp lại bằng lái. Để làm được việc này cần sửa Luật xử lý vi phạm hành chính. Điều này đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Ngoài ra cũng cần sửa Luật Hình sự và một số quy trình xử phạt qua hệ thống tư pháp, xây dựng một số án lệ để có thể xử phạt hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng bằng Luật Hình sự, kể cả khi hành vi đó chưa gây hậu quả”.

Phạt tiền hay phạt tù, cũng chỉ là biện pháp cuối cùng. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người cầm lái khi tham gia giao thông. Sau vụ tai nạn cướp đi sinh mạng 2 phụ nữ ở hầm chui Kim Kiên, một tài xế khác ở Hà Nội là ông Phan Bá Mạnh, đã viết tâm thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để thỉnh cầu có hành động cụ thể trước thảm họa người cầm lái sử dụng rượu bia.

Tâm thư của ông Phan Bá Mạnh thống thiết: “Bản thân tôi cũng là tài xế, tôi cũng như nhiều tài xế khác, ngày ngày vẫn lái ô tô đi làm và chiều tối về với gia đình. Tôi may mắn hơn hàng chục, thậm chí hàng trăm bác tài khác sáng sớm chạy xe ra khỏi nhà nhưng đã không quay về với gia đình. Những ngày này đọc các vụ tai nạn giao thông chết người đăng trên báo khiến tôi bị ám ảnh. Họ không ai khác chính là những thần chết di động đang di chuyển trên phố. Họ có thể lấy đi bất cứ tính mạng của ai trên đường đi…

Bản thân tôi không ít lần lái xe trong tình trạng không kiểm soát được vì say rượu. Chỉ có ơn trên phù hộ, may mắn mới giúp tôi chưa gây tai họa cho người khác… Vì lẽ đó, để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy đến cho bất cứ ai, tôi kính đề xuất tăng cường mức xử phạt áp dụng cho các trường hợp tài xế sử dụng rượu bia vượt mức quy định cho phép điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phố. Nếu không mạnh tay ngăn chặn, sẽ còn có nhiều vụ tai nạn thương tâm hơn nữa, sẽ còn có những giọt nước mắt oán hận của người thân trong các vụ tai nạn giao thông do bia rượu gây ra…”.

Nội dung tâm thư của tài xế Phan Bá Mạnh được rất nhiều người chia sẻ. Sự thật ấy chứng minh, ngay cả những người cầm lái cũng phản đối tình trạng lạm dụng rượu bia hiện nay ở nước ta. Thật ngớ ngẩn và thật buồn cười, khi một nhãn hiệu bia ngang nhiên giương cao slogan “Niềm tự hào của người Việt”. Tự hào gì chuyện say xỉn! Tuy nhiên, đáng day dứt hơn là không ít người vẫn xem bàn nhậu như chốn thi thố chứng tỏ bản lĩnh. Mời nhau uống, thách nhau uống, rồi ép nhau uống khi mỗi người đều tự lái xe đi về. Ma men bùng ra phố sau cuộc vui, chuyện buồn cũng ập đến như một định mệnh trớ trêu.

Tâm Huyền

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/sao-lai-tu-hao-chuyen-say-xin-68190.html