Sao lại phải cải cách chữ viết chỉ để... người nước ngoài dễ học?

Trao đổi với một tờ báo, GS Ngô Như Bình (công tác tại ĐH Harvard – Hoa Kỳ) cho rằng việc cải cách chữ viết là việc có thể làm được và cần làm, thực hiện sẽ không có hệ lụy nghiêm trọng nào đối với kinh tế.

GS. Ngô Như Bình cho rằng cải cách tiếng Việt là một việc cần làm. Ảnh: Vietnam Plus

Theo GS Ngô Như Bình, cải cách chữ viết thời gian có thể chuyển tiếp trong 4-5 năm, đồng thời, chấp nhận để người dân viết hai cách trong một khoảng thời gian mươi năm, đặc biệt là những người lớn tuổi suốt cả cuộc đời gắn liền cách viết cũ. Học sinh các lớp dưới phải học cách viết mới ngay từ đầu. Việc này sẽ phải chấp nhận việc hủy một số sách vở, tài liệu.

Trong số các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu về đề xuất cải cách chữ viết của ông Bùi Hiền, GS Ngô Như Bình là trường hợp hiếm hoi (nếu không nói là duy nhất), lên tiếng ủng hộ một cách triệt để.

Lý do để ông Ngô Như Bình đồng tình với việc cải cách chữ viết tiếng Việt với lý do là những điểm thiếu nhất quán trong chính tả tiếng Việt “khiến sinh viên (Nga, Mỹ- PV) rất khó nhớ và kết quả là viết sai chính tả”... Theo các chuyên gia, lý do này không hợp lý, bởi vì không quốc gia nào lại cải cách chữ viết để người nước ngoài dễ học hơn.

Việc thay đổi toàn bộ hệ thống chữ viết tiếng Việt không hề đơn giản và sẽ để lại rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng về văn hóa, giáo dục, kinh tế. Để dạy trẻ em học chữ mới, ngay cả người lớn, giáo viên cũng phải đi học lại từ đầu. Ai sẽ lo kinh phí đào tạo, in ấn sách vở? Hãy hình dung sau này các bạn trẻ phải đọc các tác phẩm như Truyện Kiều, thơ mới, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn qua…bản dịch. Các chuyên gia, trí thức, văn nghệ sỹ, nhà giáo… khả kính bỗng dưng bị mù chữ.

Cả xã hội sẽ đảo lộn, rối loạn, nếu áp đặt hệ thống chữ viết mới.

Do đó, GS.TS Trần Đình Sử cho rằng đề xuất của ông Bùi Hiền là “có tính hủy hoại văn hóa”.

Về phương diện kinh tế, chỉ riêng việc phải in lại toàn bộ tiền, rồi thay đổi hệ thống biển báo, quảng cáo, tên đường, tên cơ quan, trường học, mẫu mã sản phẩm… đã ngốn một lượng kinh phí khổng lồ. Không thể “không có hệ lụy nghiêm trọng nào đối với kinh tế” như ông Ngô Như Bình nói.

Và, tại sao chúng ta phải trả một cái giá quá đắt như vậy, để làm cho người nước ngoài học chữ Việt dễ dàng hơn? Đó là một yêu cầu không thể chấp nhận được, với bất cứ quốc gia nào.

QUANG ĐẠI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/sao-lai-phai-cai-cach-chu-viet-chi-de-nguoi-nuoc-ngoai-de-hoc-579624.ldo