Sao không bêu tên, xử phạt nghệ sĩ Việt trốn thuế?

Trong khi các doanh nghiệp bị bêu tên mỗi tháng, có trường hợp người dân bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế, thì các nghệ sĩ chỉ bị truy thu rồi thôi.

Thảo luận về dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 2/2019, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn trước thực tế các ca sĩ, người nổi tiếng "nộp thuế rất thấp".

Việc nộp thuế của các ca sĩ, người mẫu... từ lâu đã trở thành chủ đề nhức nhối mỗi khi thảo luận về chuyện thất thu ngân sách.

Thu cát xê cả trăm triệu mỗi show, nhiều người không đóng thuế

Hơn 10 năm trước, Cục Thuế TP.HCM công bố danh sách 20 nghệ sĩ đóng thuế thu nhập cá nhân nhiều nhất với những cái tên đình đám như Hồ Ngọc Hà, Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng. Mức thuế cao nhất mà một nghệ sĩ đóng góp cho ngân sách Nhà nước năm 2006, theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, thuộc về Hồ Ngọc Hà với 179,5 triệu đồng tiền thuế một năm, xuất phát từ thu nhập chịu thuế 732 triệu đồng theo kê khai. Đàm Vĩnh Hưng và Lam Trường lần lượt đóng mức thuế là 132 triệu đồng và 137 triệu đồng. Số thuế cao nhất mà một người Việt đóng vào thời điểm năm 2006 là 2,87 tỷ đồng.

Thời điểm đó, câu hỏi về mức thuế có phản ánh đúng thu nhập của nghệ sĩ đã được đặt ra. Và có hay không câu chuyện nghệ sĩ trốn thuế của giới showbiz.

Thực tế, đến hẹn lại lên, năm nào Cục Thuế TP.HCM cũng phải lo truy thu thuế những người nổi tiếng.

Trong khi doanh nghiệp và cá nhân chậm nộp thuế thường xuyên bị bêu tên công khai thì với giới nghệ sĩ đây là chuyện hiếm. Ảnh minh họa.

Trong khi doanh nghiệp và cá nhân chậm nộp thuế thường xuyên bị bêu tên công khai thì với giới nghệ sĩ đây là chuyện hiếm. Ảnh minh họa.

Năm 2016, cơ quan này truy thu thuế 6,7 tỷ đồng từ 12 nghệ sĩ. Tới năm 2017, theo Cục Thuế TP.HCM, trong số cá nhân chưa kê khai đầy đủ thu nhập có 6 văn nghệ sĩ, tổng số tiền thuế truy thu hơn 5,2 tỷ đồng, trong đó riêng một ca sĩ nộp thêm thuế lên hơn một tỷ đồng. Nửa đầu năm 2018, cơ quan thuế phát hiện 2 ca sĩ và thực hiện thu thêm hơn 2,2 tỷ đồng.

Cũng theo cơ quan thuế TP.HCM, nhiều nghệ sĩ rất có tiếng nhưng nhiều năm qua không kê khai quyết toán thuế. Hoặc có nghệ sĩ dù thuộc hàng sao, thu nhập cao ngất ngưởng mỗi tháng chỉ nộp mức thuế vài triệu đồng.

Theo báo giá của một công ty truyền thông, chi phí để thuê một nghệ sĩ hạng B trở lên, có tầm ảnh hưởng đáng kể, đăng bài quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội dao động từ 30-100 triệu đồng tùy theo độ nổi tiếng. Với các sao hạng A, mức chi phí có thể lên tới vài trăm triệu đồng.

Số liệu trên phần nào cho thấy thu nhập "khủng" của giới nghệ sĩ cũng như lượng thất thoát thuế thu nhập cá nhân từ các cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Bên cạnh doanh thu biểu diễn nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng còn có khoản thu không nhỏ đến từ quảng bá nhãn hàng, thương hiệu.

Đủ chiêu trốn thuế

Việc thu thuế của giới nghệ sĩ, người mẫu không phải là điều dễ dàng. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng từng trả lời báo giới rằng: "Bản tính của người nghệ sĩ vẫn thường phóng khoáng và hơi bất thường một tí nên chuyện đóng trước, đóng sau, nhớ nhớ, quên quên là chuyện rất bình thường".

"Thông thường, nếu để nguyên năm, có nhiều show qua lâu rồi nên bản thân người nghệ sĩ cũng không nhớ nổi. Do đó, cuối năm quyết toán và truy thu họ một số tiền lớn sẽ khiến người đóng rất dễ nổi quạu", Đàm Vĩnh Hưng từng nói.

Đó là chưa kể đủ chiêu lách luật, trốn thuế của giới nghệ sĩ. Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP.HCM, từng chia sẻ rằng cơ quan thuế rất khó phát hiện được khi các đơn vị tổ chức biểu diễn bắt tay với nghệ sĩ, trả tiền mặt không hóa đơn cho họ.

Cơ quan thuế buộc phải dựa vào một số kênh để phát hiện việc ca sĩ có kê khai thu nhập đủ hay không. Chẳng hạn dựa trên đơn xin cấp phép biểu diễn do cơ quan văn hóa thông tin cấp, các đơn vị tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp sẽ khấu trừ thuế tại nguồn, những tài liệu quảng cáo...

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, hiện các ca sĩ thường thành lập doanh nghiệp, công ty để trốn thuế thu nhập cá nhân. "Cuối cùng, nộp thuế rất thấp”, bà Hải bức xúc.

Phương thức "lách" thuế mà giới nghệ sĩ thường sử dụng là thành lập công ty TNHH một thành viên và hoạch toán thuế theo luật doanh nghiệp. Trong khi thuế thu nhập cá nhân có bậc thuế suất cao nhất lên tới 35%, thuế suất thu nhập doanh nghiệp lại thấp hơn nhiều nên đã giảm đáng kể lượng thuế phải nộp của giới nghệ sĩ.

Thêm vào đó, các công ty này lại thường xuyên khai báo trong tình trạng lãi ít, không lãi, thậm chí là lỗ sau khi thực hiện hoạch toán các chi phí như trang phục, tác quyền, di chuyển... nên mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp tới mức hầu như không có gì.

Nhiều chuyên gia cho rằng đây là cách quản lý thuế không công bằng với người làm công ăn lương vì người làm công ăn lương đã thu thuế tại nguồn, do vậy thu nhập thấp hơn nhưng số thuế phải nộp cao hơn cả nghệ sĩ.

Sao không bêu tên, phạt nặng?

Từng vinh danh các nghệ sĩ nộp thuế nhiều, thế nhưng trong nhiều năm danh tính của những người nổi tiếng bị truy thu thuế lại được giữ bí mật.

Nhiều người đề xuất áp dụng việc bêu tên mỗi tháng với những người chậm, trốn nộp thuế với người nổi tiếng như áp dụng với các doanh nghiệp hiện nay, để đảm bảo công bằng.

Tại nước ngoài, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng dính vào bê bối trốn thuế, lách thuế, bị khán giả tẩy chay sau khi cơ quan thuế bêu tên. Đơn cử, tại Trung Quốc, sau khi bị bêu tên đích danh vì chậm nộp gần 130 triệu USD, Phạm Băng Băng đã bị khán giả tẩy chay mạnh mẽ. Để thanh toán số tiền này, nữ diễn viên bán tháo nhiều bất động sản, rút vốn khỏi công ty. Phạm Băng Băng cũng biến mất khỏi showbiz suốt 1 năm sau đó.

Phạm Băng Băng biến mất khỏi showbiz cả năm sau bê bối trốn thuế.

Không chỉ bị truy thu thế, các nghệ sĩ trốn thuế ở các nước còn chịu mức phạt lớn, thậm chí chịu án tù. Năm 2015, tài từ Hàn Quốc Jang Geun Suk phải nộp phạt đến 9 triệu USD vì không kê khai các khoản thu nhập ở thị trường Trung Quốc. Nữ diễn viên nổi tiếng Song Hye Kyo phải cúi đầu xin lỗi khán giả vì “quên” kê khai một khoản thu nhập lên đến 2,5 tỷ USD.

Trong khi đó, các nghệ sĩ ở Việt Nam nộp chậm, trốn thuế đơn giản chỉ là bị truy thu thuế rồi thôi. Chưa từng một lần tên tuổi nghệ sĩ được nêu lên trong danh sách xử phạt vì trốn thuế.

“Thỉnh thoảng cơ quan thuế vẫn công bố truy thu thuế với nghệ sĩ nhưng không thấy phạt trong khi doanh nghiệp, người dân chậm nộp thuế vẫn bị phạt. Mọi công dân phải bình đẳng như nhau trước pháp luật”, ông Sơn nói.

Trong phiên làm việc của Quốc hội sáng 20/5, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết Bộ Tài chính đã giải trình về các biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước; đánh giá tác động của các chính sách thuế mới; tập trung chống thất thu thuế, nợ đọng thuế. Trong đó chú trọng hạn chế thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh mới như kinh doanh trên mạng, hoạt động quảng cáo trên mạng, hay hoạt động biểu diễn nghệ thuật của ca sĩ, người mẫu...

Ngô Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/sao-khong-beu-ten-xu-phat-nghe-si-viet-tron-thue-post948066.html