Sao giống như lấy tiền, đào mỏ chứ không phải lấy chồng?

Năm ngoái, cháu cưới người khác. Hai bên cũng cảm nhau, được được, cô ấy nhỏ hơn cháu 10 tuổi, có bằng đại học, có công việc. Nhưng cô này ra điều kiện, mỗi tháng anh đưa mẹ bao nhiêu thì mẹ vợ cũng được bấy nhiêu...

Kính thưa cô!

Cháu lập thân sớm, cháu thành đạt cũng khá sớm so với bạn bè. Cháu có một công ty nhỏ, vài chục công nhân, vui vẻ, trật tự như một gia đình. Cháu có hiếu với mẹ, bởi mẹ cháu góa sớm, một tay bà nuôi 3 anh em cháu trưởng thành.

Cháu là anh cả, cơ ngơi của mẹ gây dựng, cháu ở giữa với mẹ, thờ ông bà nội và ba. Hai em cháu, một em gái một em trai ở hai bên, nhà cửa đàng hoàng, công việc ổn định, hai gia đình riêng của chúng yên ấm.

Chỉ có cháu, thưa cô, không biết sao cái số cháu lại không suôn sẻ. Người vợ đầu của cháu nội trợ nhưng hục hặc với mẹ chồng suốt ngày. Cô ta là con một, bên vợ thấy cháu làm ăn giỏi, gia đình bề thế, tưởng ngon ăn.

Không ngờ mấy mẹ con cháu tay trắng làm nên, cũng nhờ đất ngoại ô sau lên quận mới, cả nhà cất cánh, vốn liếng của cháu từ tích cóp của mẹ cháu, người mẹ mà cháu ngưỡng mộ, thần phục, cho đến tận bây giờ và chắc là mãi mãi.

Mẹ cháu giờ đã yếu, nhiều bệnh, do lao tâm khổ tứ nuôi con, gây dựng cơ nghiệp. Vậy mà vợ cháu vẫn không hiểu, vẫn cãi, vẫn lười, vẫn không chịu nấu nướng chân chỉ, vẫn ăn xài xả láng.

Phụ nữ chỉ xinh khi họ giỏi, họ tốt bụng, họ siêng năng, họ chắt chiu, không thì bóc cái vỏ ra, chán ngay. Chúng cháu ly dị trong tỉnh ráo, cô ấy về với ba mẹ để được cưng chiều. Đứa con gái mười tuổi ở với mẹ, cháu chu cấp, mùa hè về với nội với ba, cũng ổn.

Năm ngoái, cháu cưới người khác. Hai bên cũng cảm nhau, được được, cô ấy nhỏ hơn cháu 10 tuổi, có bằng đại học, có công việc. Nhưng nhất định phải làm dâu, cháu không thể sống riêng để mẹ một mình được. Cô ấy biết cư xử, con gái của cháu cũng thích vợ mới của ba.

Nhưng cô này ra điều kiện, mỗi tháng anh đưa mẹ bao nhiêu thì mẹ vợ cũng được bấy nhiêu, đồng phần, công bằng. Sao có công bằng ở đây, đúng không cô? Vả lại mẹ vợ cháu có con trai cả, cũng như cháu, cũng làm ăn và bà cũng đâu thiếu thốn gì. Dĩ nhiên anh ấy không thành đạt như cháu.

Cháu thấy yêu cầu ấy quái dị. Cháu không cho mẹ cháu biết. Cháu đang cân nhắc có nên đẻ con với người này không nữa. Sao giống như lấy tiền, đào mỏ chứ không phải lấy chồng. Ý kiến của cô là gì, thưa cô?

---------------------

Cháu thân mến!

May mắn của cháu là mẹ góa nhưng đất ven đô lên giá, khiến mấy mẹ con cũng lên đời. Ấy không quan trọng bằng cháu và mẹ có tình mẹ con đặc biệt, như bạn, như giáo chủ với tông đồ, như trời và đất. Mô hình ba đứa con, con trai và mẹ nhà ở giữa, hai người em của cháu ở hai bên, hùng hậu và ấm cúng quá. Nhưng em rể của cháu nếu như cũng nặng lòng với mẹ như cháu thì sao nhỉ?

Có lẽ mối quan hệ quá thiêng liêng và tối cao với mẹ nên cháu khó hạnh phúc riêng. Vì sao? Thứ nhất, vợ và mẹ là hai phụ nữ, cháu luôn thiên về mẹ, gia đình khó yên. Thứ hai, mẹ chồng nàng dâu hôm nay đã khác, nếu bị soi xét dưới góc độ ngày xưa, không đôi nào bình an nếu chọn mẹ chứ không nể vợ. Thứ ba, vợ cũ của cháu thuộc loại siêng ăn nhác làm mà con gái rượu của người ta thì đốt đuốc tìm cũng không thấy nàng nào là bản sao của mẹ cháu.

Thứ nữa, điều này thuộc bí ẩn của quy luật, đời không cho ai mọi thứ, cháu có của, cháu thành đạt, cháu có hiếu, vậy nên cháu mới trục trặc đời riêng chăng?

Tiếc cho cháu. Nhưng không sao. Cuộc hôn nhân thứ hai này lại một vấn đề ở góc độ khác. Không do tính, không do nết của vợ mà do yêu cầu, đúng ra là yêu sách có vẻ chữ hiếu này đối chát với chữ hiếu kia.

Cô cũng không hiểu sao chưa gì mà đề nghị chồng một việc sòng phẳng vô căn cứ như vậy. Giá như cháu đang hưởng lộc từ nhà vợ, cháu có mẹ ruột phải chăm lo thì vợ bắt cháu chia bằng nhau số tiền nghĩa vụ ấy cho đều hai bên. Ở đây, cơ ngơi của cháu, công ty của cháu, vợ vừa chân ướt chân ráo về, đã đòi phụng dưỡng mẹ cháu và mẹ vợ như nhau? Cô cũng thấy không hiểu nổi.

Vợ có việc, có nết hơn cô vợ cũ, nhưng xem chừng phía sau cô vợ này là một bè trục lợi. Có thể không? Bởi cháu thu nhập tốt. Hãy để thời gian nữa mới kết luận được cháu à. Nhưng phải nói riêng với vợ, nhắc nhở, giải thích yêu cầu bất hợp lý này.

Chúng ta chu đáo thơm thảo nhưng không có nghĩa là chúng ta thỏa hiệp với người thực dụng, đào mỏ. Đúng, nếu kiêng được khoan hãy có con, lần thứ hai càng dễ gãy đổ hơn lần đầu nữa đấy.

Trong thời gian tìm hiểu nhau sâu hơn, rõ hơn, hãy khoan hòa, nên nhớ, mẹ và vợ không như nhau, mẹ là bàn thờ, vợ là cái bếp cái giường cái tổ mà ta sẽ gắn bó hết đời, khi mẹ không còn bên cạnh nữa.

DẠ HƯƠNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/sao-giong-nhu-lay-tien-dao-mo-chu-khong-phai-lay-chong-post231832.html