Sao cứ thản nhiên 'xài' làn đường của người khác?

Khi tham gia giao thông, rất nhiều người đang thản nhiên 'xài' những thứ không phải của mình, không dành cho mình. Chuyện làn đường là một ví dụ.

Các bạn thân mến, dùng đồ của người khác khi chưa được phép là xấu, ai cũng thừa nhận điều này. Dùng một lần do “nhỡ nhàng” thì không nói, nhưng dùng thường xuyên như thể đồ của mình, thì thật không chấp nhận nổi. Ấy thế mà khi tham gia giao thông, rất nhiều người đang thản nhiên “xài” những thứ không phải của mình, không dành cho mình. Chuyện làn đường là một ví dụ.

Có người nói, giờ cao điểm ở phố làm gì có khái niệm làn đường, khi mọi người nhất tề xông lên, nhất loạt chen lấn? Thế nhưng không phải lúc đường đông mới thế, mà ngay cả khi vắng ngắt vắng ngơ, xe máy vẫn cứ phải lượn sang làn ô tô mới được.

Xe cơ giới đã thế, nhiều người đi bộ cũng thản nhiên sai làn. Thay vì đi đúng vạch kẻ đường, theo đèn tín hiệu, đi lên cầu vượt hoặc xuống hầm bộ hành, họ ngẫu hứng sang đường ở vị trí nào tiện nhất.

Xe máy vô tư lưu thông trên làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh - Ảnh Dân Trí.

Xe máy vô tư lưu thông trên làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh - Ảnh Dân Trí.

Bạn sẽ bảo rằng, đường phố đông đúc thế kia, cứ đúng làn mà đi thì bao giờ mới tới? Rất đúng, nhưng tiếc rằng mới chỉ đúng một phần, xuất phát từ nhu cầu giao thông cá nhân, chứ không phải trên lợi ích chung của cộng đồng. Nếu trộn tất cả các làn vào nhau mà nhanh hơn, an toàn hơn, thì sao Luật Giao thông lại phải phân làn làm gì cho mệt?

Hãy thử hình dung ở một nút giao, xe đi thẳng lại đỗ ở làn bên trái, còn xe cần rẽ trái lại đang ở làn đường bên phải? Đèn xanh một cái, tất cả ập vào nhau: Thôi xong, không tắc mới lạ! Còn nếu xe 2 bánh cứ loi nhoi trong làn ô tô, nhất là đi chung với mấy “gã khổng lồ”, thì an toàn sẽ mong manh như sợi tóc.

Và chuyện không chỉ dừng lại ở làn đường đâu. Bởi khi đã lấn làn một cách thản nhiên, chúng ta cũng hoàn toàn có thể xâm phạm tới nhiều quyền khác của người xung quanh, như việc vượt đèn đỏ (là xâm phạm quyền di chuyển an toàn của người đang ở hướng đèn xanh), như dừng đỗ tùy tiện (là chiếm mất đường của xe khác hoặc người đi bộ), đỗ quá lâu ở các điểm dừng đỗ tạm thời (là cướp lượt của người đến sau…)

Cái làn đường mỏng manh và có thể mờ khi không được sơn kẻ lại thường xuyên. Nhưng lằn ranh trong ý thức tôn trọng quyền bình đẳng giao thông của mỗi người, thì đừng để bị xóa nhòa.

Mời các bạn nghe nội dung chi tiết, đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 19/6 tại đây:

Kiều Tuyết/VOVGT

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sao-cu-than-nhien-xai-lan-duong-cua-nguoi-khac-1062983.vov