Sao cho thấu tình, đạt lý

Ban Thường vụ huyện ủy một địa phương vừa họp bất thường vì có nhiều ý kiến, dư luận không hay chung quanh việc bổ nhiệm cán bộ trên địa bàn. Cụ thể, có ba đồng chí là cán bộ chủ chốt cấp xã được bổ nhiệm làm trưởng, phó một số phòng, ban trên huyện.

Ðiều đáng nói là ở cả ba địa phương vào thời điểm các đồng chí này phụ trách, đều xảy ra vụ việc cán bộ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền. Không khí cuộc họp dân chủ với nhiều ý kiến khác nhau.

Một đồng chí phát biểu:

- Tôi bảo đảm trường hợp bổ nhiệm của ta là đúng quy trình.

- Vậy sao dư luận chưa đồng tình, cho rằng ta đang thăng chức cho những đồng chí vi phạm kỷ luật? Một đồng chí nêu ý kiến tranh luận.

- Ðó chỉ là liên đới trách nhiệm thôi. Vụ việc vi phạm tại các địa phương vừa qua đều do cấp dưới làm, các đồng chí ấy đâu có trực tiếp chỉ đạo...

- Nhưng họ là người đứng đầu cấp ủy địa phương, mà vụ việc vi phạm kỷ luật lại nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

- Có quy định nào cấm bổ nhiệm chức vụ cao hơn khi đồng chí đó chỉ bị nhắc nhở do để cán bộ của mình vi phạm đâu. Nếu cứ ngại dư luận thì lấy đâu ra cán bộ để bổ nhiệm.

- Theo tôi, đành rằng chúng ta chưa làm sai quy định nhưng cũng nên lắng nghe ý kiến từ quần chúng nhân dân. Vì sao lại có dư luận? Là vì lâu nay đối với những đồng chí đứng đầu cấp ủy, cơ quan, chúng ta mới chỉ xử “nặng” hành vi vượt quyền, lộng quyền… còn việc buông lỏng trách nhiệm, quyền hạn được giao, để mặc cấp dưới làm thế nào thì làm dường như xử lý chưa nghiêm. Từ những vụ án kinh tế vừa qua cho thấy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã buông lỏng công tác quản lý, dẫn đến có khe hở phát sinh hành vi phạm pháp, gây thất thoát, lãng phí nhiều tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, tình trạng buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, giáo dục, để cấp dưới vi phạm kỷ luật khá phổ biến. Vì thế, quan điểm xử lý liên đới trách nhiệm chỉ kỷ luật hình thức nhắc nhở, rút kinh nghiệm hay kiểm điểm… có lẽ chưa thỏa đáng. Cùng với vượt quyền, lộng quyền thì buông lỏng quản lý cũng là biểu hiện tha hóa quyền lực, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn.

Sau khi nghe các đồng chí trong Ban Thường vụ tranh luận, đồng chí Bí thư huyện ủy kết luận:

- Ðúng là chúng ta cần phải xem xét lại những quyết định về công tác cán bộ vừa qua. Bổ nhiệm cán bộ không chỉ tuân thủ đúng quy định mà còn phải thấu tình, đạt lý, hợp lòng dân.

ĐỨC HUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38318802-sao-cho-thau-tinh-dat-ly.html