Sáng tỏ sự thật vụ Liên Xô 'vít cổ' trinh sát cơ tầm cao U-2 Mỹ

Hậu Liên Xô, vụ U-2 đã được giải mật, theo đó, trinh sát cơ tầm cao của Mỹ bị rơi không phải như những gì đã được công bố.

Bối cảnh

Đầu thập niên 1950, khi Chiến tranh Lạnh đang căng thẳng, do các máy bay trinh sát chủ yếu là máy bay cường kích được chuyển đổi, dễ bị tổn thương bởi pháo phòng không, tên lửa, và các máy bay chiến đấu, Mỹ cần một phương tiện trinh sát chiến lược để xác định mọi ý đồ chiến lược và khả năng của Liên Xô. Các chiến lược gia quân sự Mỹ tính rằng, máy bay có thể hoạt động ở độ cao 21km - vượt quá tầm với của các máy bay chiến đấu, tên lửa và thậm chí cả radar của Liên Xô - sẽ cho phép xâm nhập an toàn không phận các quốc gia để chụp ảnh từ trên không.

Dưới mật danh "Aquatone", Không quân Mỹ đồng ý để Bell Aircraft, Martin Aircraft, và Fairchild Engine and Airplane phát triển máy bay trinh sát tầm cao mới. Tập đoàn Lockheed Aircraft nhận được hợp đồng trị giá 22,5 triệu USD để sản xuất 20 chiếc đầu tiên với biệt danh “Thiên sứ”, sau đó, được đổi lại thành U-2, với chữ "U" ám chỉ định danh không rõ ràng (utility), thay vì “R” (reconnaissance) để giữ bí mật chương trình.

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên được thực hiện vào tháng 8/1955 và U-2 chính thức được đưa vào hoạt động năm 1956 dưới sự quản lý của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA thông qua Văn phòng Trinh sát Khoa học. Tổng thống Mỹ Eisenhower ban đầu phản đối các chuyến bay của U-2, cho rằng, sẽ bị coi là một hành động xâm lược và dẫn đến căng thẳng quan hệ và thậm chí là xung đột vũ trang với Liên Xô, tuy nhiên, vào tháng 7/1956, đã cho phép thực hiện năm chuyến bay do thám.

Trinh sát cơ tầm cao chiến lược U-2 Mỹ; Nguồn: lockheedmartin.com

Trinh sát cơ tầm cao chiến lược U-2 Mỹ; Nguồn: lockheedmartin.com

Lockheed U-2, tên hiệu "Dragon Lady" là máy bay trinh sát tầm cao một động cơ, được sử dụng cho các chuyến bay trinh sát ngày và đêm, trong mọi thời tiết, cũng như nghiên cứu và phát triển cảm biến điện tử, kiểm tra và nhận dữ liệu vệ tinh. Đa số U-2 là các phiên bản một chỗ ngồi, chỉ có năm chiếc phiên bản huấn luyện hai chỗ ngồi; các biến thể đầu tiên sử dụng động cơ turbin phản lực Pratt & Whitney J57, U-2C và TR-1A - Pratt & Whitney J75, mạnh hơn. Thiết kế độc đáo tạo cho chiếc U-2 những tính năng đáng khâm phục nhưng cũng khiến nó trở thành chiếc máy bay khó điều khiển và rất nhạy cảm với gió ngang.

Cả Không quân và Hải quân Mỹ đều sử dụng U-2, nhưng vì những rắc rối chính trị khi một máy bay quân sự xâm nhập vào không phận của một quốc gia khác, chỉ những chiếc U-2 của CIA tiến hành những phi vụ do thám, các phi công buộc phải từ bỏ cấp bậc quân sự của họ trước khi trở thành nhân viên dân sự của CIA - quá trình được gọi là "tắm cho cừu". Chiếc U-2 được công chúng đặc biệt chú ý khi phi công Francis Gary Powers của CIA bị rơi trên lãnh thổ Liên Xô ngày 1/5/1960.

Điệp vụ

Chiến đấu cơ MiG-19 của Không quân Liên Xô; Nguồn: reddit.com

Ngày 4/7/1956, U-2 thực hiện sứ mệnh gián điệp đầu tiên trên vùng trời Liên Xô, ở độ cao 19-21 km, kéo dài 2-4 giờ mà không bị phát hiện và hệ thống phòng không không có phản ứng gì. Hoạt động này đã thu được một lượng thông tin tình báo đáng kinh ngạc để xác định các cấu phần của hệ thống phòng không Liên Xô, sân bay của các căn cứ máy bay đánh chặn, vị trí của pháo phòng không và trạm radar, các căn cứ của Hải quân... Vì Liên Xô chưa chế tạo được loại vũ khí nào có khả năng bắn rơi máy bay gián điệp bay cao như vậy nên U-2 tự tung tự tác suốt 4 năm sau đó. U-2 đã thu thập được rất nhiều tin tức có giá trị và nhờ vào đó, Eisenhower kết luận, Liên Xô không hoàn toàn chiếm ưu thế về vũ khí hạt nhân so với Mỹ.

Vào đêm trước kỳ nghỉ ngày Quốc tế Lao động năm 1960, thực hiện chiến dịch “Overflight”, phi công Francis Gary Powers trên chiếc U-2C số hiệu nhà máy 360 và số máy bay 56-6693 không sơn cờ hiệu, cất cánh từ một căn cứ không quân tại bang Peshawa (Pakistan) tiến hành chuyến bay do thám theo tuyến: Biển Aral - Sverdlovsk (nơi CIA nghi người Nga đang cất giấu loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đời mới) - Kirov - Arkhanghensk - Murmansk và sẽ hạ cánh xuống văn cứ Buda tại Nauy. Đối với Powers, đó là chuyến bay thứ 28 trên máy bay U-2. Phối hợp với Powers còn có một chiếc U-2 khác cất cánh từ Thổ Nhĩ Kỳ, bay dọc theo biên giới Liên Xô nhằm đánh lạc hướng và thu hút sự chú ý của các trạm radar Liên Xô.

Ngày 1/5/1960, chiếc U-2 của Mỹ đã biến mất khi đang bay trên không phận Liên Xô. Ít ai biết được điều gì đã xảy ra với chiếc U-2 được coi là niềm tự hào của Không quân Mỹ khi đó. Khi đến gần thành phố Sverdlovsk ở dãy núi Ural, Powers đã phát hiện thấy các chiến đấu cơ của Liên Xô nhưng viên phi công này vẫn yên tâm rằng chúng không thể làm gì như những lần trước. Powers không thể ngờ rằng đây là chuyến bay gián điệp cuối cùng của mình trên chiếc U-2 với thiết kế đặc biệt, có thể dễ dàng thoát sự đeo bám của radar và tên lửa phòng không của đối phương.

Việc gì đã diễn ra?

Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, những tiếng nổ chát chúa bất thình lình vang lên, 14 tên lửa SAM-2 đã đồng loạt lao về phía chiếc U-2. Powers trong lúc hoảng hốt chỉ kịp nhấn nút thoát hiểm, còn chiếc U-2 đã bị trúng đạn và nổ tung. Khi vừa chạm đất, Powers đã bị lực lượng an ninh Xô viết tóm. Sau khi Powers bị bắt, phía Mỹ ngay lập tức khẳng định chiếc U-2 bị nạn khi làm nhiệm vụ đo đạc thời tiết, nhưng viên phi công bị bắt sống và toàn bộ dữ liệu từ xác chiếc máy bay được giải mã đã vạch trần âm mưu do thám của CIA.

Tên lửa phòng không S-75; Nguồn: wikipedia.org

Trước thềm chuyến bay của Powers, tại Paris, một hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp để thảo luận về tình trạng chia cắt của nước Đức, phác thảo đối thoại giữa các nước phương Tây và Liên Xô về các vấn đề chung sống hòa bình, bao gồm khả năng kiểm soát vũ khí, ngăn chặn vũ khí hạt nhân... Vụ bê bối gián điệp bất ngờ xảy ra hai tuần trước cuộc gặp này là một đòn mạnh giáng vào uy tín của Mỹ, làm phức tạp hóa mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa các siêu cường. Vì sự kiện này, Thượng đỉnh Đông-Tây dự kiến tổ chức vào tháng 5/1960 đã đổ vỡ, Eisenhower hủy chuyến thăm chính thức tới Moscow.

Khi ấy, người ta vẫn thắc mắc không hiểu máy bay của Powers bị rơi là do trục trặc kỹ thuật, hay là Liên Xô đã có được loại tên lửa có thể bắn hạ U-2? Điều bí ẩn này về sau mới được làm rõ khi một điệp viên cao cấp Liên Xô là Patolesky tiết lộ bí mật và người Mỹ mới biết bộ phận hiển thị độ cao trên chiếc máy bay của Powers đã bị điệp viên của Liên Xô gắn thiết bị đặc biệt gây ra sự sai lệch về chỉ số trên đồng hồ đo độ cao. Bản thân Powers khi đó thì vẫn đinh ninh bị bắn hạ khi đang bay ở độ cao trên 20km.

Viên phi công CIA bị kết tội gián điệp và bị xử 10 năm tù, giam ở nhà lao Rubianca của KGB và hơn một năm sau, được tha về nước nhờ một cuộc trao đổi tù binh cùng với điệp viên kinh tế Frederic L. Pryor người Mỹ, bị Cơ quan Tình báo CHDC Đức (Stasi) bắt tháng 8/1961. Cả hai đã được trao đổi với Đại tá an ninh Vilyam G. Fisher (1903-1971) có mật danh “Rudolf Abel” - người từng được giới tình báo Xô viết tôn vinh là “Điệp viên của mọi thời đại”, là sĩ quan phụ trách cơ yếu trong mạng lưới tình báo thuộc Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB) trên đất Mỹ, kiêm quyền Trưởng phân cục KGB ở New York - một trong những địa bàn hoạt động gián điệp trọng yếu hàng đầu thế giới.

Sáng tỏ sự thật

Trong chiến dịch đặc biệt trên, người dân Liên Xô đã không được thông báo việc Sergey Safonov - phi công lái chiếc MiG-19 của Liên Xô - đã anh dũng hy sinh. Thông thường, Powers được nhắc đến trong các cuốn sách của các sử gia Nga liên quan đến sự kiện là vào ngày 10/2/1962, đã được trao đổi tù binh lấy sĩ quan tình báo huyền thoại Liên Xô Rudolf Abel trên cầu Glienicke (Berlin). Nhiều học giả cho rằng, cuộc trao đổi không công bằng - một phi công bình thường thực hiện chụp ảnh do thám các mục tiêu bí mật theo yêu cầu của CIA không thể sánh về tư cách và giá trị với một người thu thập và chuyển bí mật của chương trình hạt nhân Mỹ cho Liên Xô từ 1948 đến 1957.

Tiêm kích đánh chặn Su-9 của Không quân Liên Xô; Nguồn: geocities.ws

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, nhiều bí mật mà các giới chức quân sự và an ninh giữ kín nhiều thập kỷ đã được tiết lộ, theo đó, sự thật chiếc U-2 của Mỹ bị bắn hạ khác xa với những gì đã được biết. Cựu phi công, thiếu tá dự bị Nikolai Shutkin đã viết cuốn sách “Tai nạn hàng không và các cuộc phiêu lưu” (Moscow, 1997), dẫn lại ký ức phi công-nhân chứng trực tiếp tham gia chiến dịch đặc biệt đầy kịch tính đó là Igor Mentyukov - người đã giấu kín sự thật theo khuyến cáo của KGB Liên Xô trong hơn 30 năm.

Theo phi công Liên Xô, các điệp viên Mỹ thường bay vào lãnh thổ Liên Xô, lợi dụng thực tế là những chiếc MiG-19 của đối phương không thể lên đến độ cao 20km và lực lượng phòng không không phải lúc nào cũng thành công trong việc phát hiện và bắn hạ những chiếc U-2 này. Ngày 9/4/1960, một máy bay trinh sát đã bay từ Na Uy qua lãnh thổ Liên Xô đến biên giới Iran. Chỉ huy Lực lượng Phòng không đã nhận được rất nhiều chỉ thị từ lãnh đạo cấp cao và cá nhân N.S. Khrushchev. Sáu phi công - bao gồm cả Đại úy Mentyukov, chỉ huy phi đội - đã được chuyển loại trong một thời gian ngắn sang lái Su-9 - máy bay tiêm kích đánh chặn siêu cao siêu xa mới nhất.

Một sân bay nhỏ gần Sverdlovsk (nay là Yekaterinburg) đã trở thành nơi đỗ máy bay tạm thời cho phi công khi lái chiếc Su-9 mới (không mang vũ khí) từ một nhà máy ở Siberia tới Belarussia. Sáng sớm ngày 1/5/1960, Mentyukov được gọi đến sân bay và một cuộc nói chuyện điện thoại diễn ra với Tư lệnh Không quân của Lực lượng Phòng không Liên Xô E.Ya. Savitsky - người đã thông báo có một chiếc máy bay do thám lạ đang tiếp cận. Mệnh lệnh ngắn gọn: Tiêu diệt! Nghĩa là, bằng cách bay với tốc độ tối đa va chạm với U-2 ở độ cao 20km. Không thể từ chối thực hiện lệnh cảm tử, Mentyukov chỉ yêu cầu lãnh đạo quan tâm đến người mẹ già và người vợ đang chờ đợi sinh con sau cái chết của anh.

Với MiG-19, các phi công bình thường đạt được độ cao 17,3km thì Su-9 mới không mang vũ khí hạng nặng trên boong có thể đạt độ cao 20km mà không gặp vấn đề gì. Ở cùng độ cao với kẻ thù, Mentyukov hướng máy bay của mình về phía chiếc U-2, tốc độ tiếp cận là 550m/s. Phi công Liên Xô trượt cao hơn Powers một chút và điều đó đã cứu mạng cả hai phi công. Tuy nhiên, chiếc U-2 nhẹ rơi vào dòng xoáy của chiếc Su-9, máy bay do thám Mỹ xoay tròn trên không vở tung và rơi xuống đất. Tuy nhiên, nhà chức trách Liên Xô công bố, Powers đã bị một tên lửa hạ gục.

Theo suy luận của Mentyukov, điều này đã được thực hiện để “thuyết phục kẻ thù rằng, bây giờ, biên giới trên không của Liên Xô bị đóng chặt khỏi mọi sự xâm lược”. Các chiến sĩ tên lửa dũng cảm đã không từ chối khi được gắn vòng nguyệt quế của chiến dịch “đặc biệt thành công” còn các phi công và những người biết rõ sự việc, được các sĩ quan KGB khuyến nghị im lặng. Mentyukov nhận được một chiếc đồng hồ đeo tay Saturn như một phần thưởng. Còn chính Powers, sau khi trở về Mỹ, trong nhiều cuộc phỏng vấn, đã tuyên bố rằng mình bị hạ knock out hoàn toàn không phải do tên lửa, mà bởi một phi công Xô viết - người mà Powers nhìn thấy rất rõ.

Xác chiếc U-2C bị rơi tại Liên Xô; Nguồn: boldmethod.com

Ngoài Mentyukov, hai phi công nữa cũng tham gia chiến dịch đặc biệt này là Đại úy Boris Ayvazyan và Thượng úy Sergey Safonov trên máy bay MiG-19 có vận tốc 780km/h, mà về mặt kỹ thuật, không thể với được U-2. Lãnh đạo Lực lượng Phòng không quyết định chọn phương án an toàn, bởi vì nếu Powers không thể bị hạ gục, quân hàm tướng sẽ bay khỏi cầu vai họ. Tên lửa phòng không được phóng lên bầu trời, một trong số chúng đã gây ra cái chết của Safonov. Do bối rối, mọi người đều quên thay đổi mã nhận biết “địch-ta”, vì vậy, các máy bay của Liên Xô khi đó được coi là mục tiêu thực sự - địch. Boris Ayvazyan đã cơ động và tránh được, đồng đội của anh - Safonov - là nạn nhân. Sergey Safronov đã được truy tặng Huân chương Cờ Đỏ.

N. M. Dolgopolov trong cuốn sách “Abel - Fisher” đã đưa ra một lời giải thích khác tại sao phòng không của Liên Xô bắn quân mình: “Sau vụ nổ tên lửa đầu tiên, trên màn hình xuất hiện những gợn sóng. Các sĩ quan không có kinh nghiệm trong việc phóng S-75 Dvina, đã nghĩ rằng kẻ thù sử dụng nhiễu vô tuyến. Vì vậy, mệnh lệnh định mệnh cho Safronov đã đến - tên lửa chưa đổi mã “địch-ta” được bắn tự động về phía mục tiêu./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/sang-to-su-that-vu-lien-xo-vit-co-trinh-sat-co-tam-cao-u2-my-1021506.vov