Sáng tạo và trách nhiệm

Đúng vào dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Thủ tướng yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải xóa bỏ ngay thứ văn hóa “không nhúc nhích”… chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao. Sự sốt ruột của người đứng đầu cơ quan hành chính cao nhất cho thấy cần phải xem xét, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp để sớm khắc phục thực trạng trì trệ trong bộ máy công quyền.

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là nơi có truyền thống năng động, sáng tạo nhưng thời gian gần đây, tiến độ xử lý một số vấn đề còn chậm và không chỉ ở các công trình, dự án lớn. Người đứng đầu thành phố đã phát động, kêu gọi sự sáng tạo… nhưng xem ra tình hình còn khó khăn. Nguyên nhân chính có lẽ là ở thể chế và ý thức trách nhiệm.
Hiện nay, vấn đề đặt ra của thực tiễn rất nhiều, nhưng chính sách pháp luật lại chưa quy định rõ ràng; phần lớn là luật khung, văn bản dưới luật nhiều, chồng chéo và không thống nhất. Tình trạng chờ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành vẫn còn, thủ tục phiền hà vẫn còn, con đường đi của thủ tục đầu tư công quá nhiêu khê, tính bằng năm... Đứng trước nhiều vụ việc bức xúc, mới - chưa có quy định, cán bộ cấp dưới vận dụng thế nào đây, để không sai sót, đáp ứng yêu cầu của công việc và người dân là điều không dễ dàng.

Mặc dù các cơ quan thanh tra, giám sát hoạt động rất tích cực, nhưng vẫn có nhiều trường hợp chỉ căn cứ theo luật mà kết luận và yêu cầu kiểm điểm, xử lý chứ chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân, động cơ nào dẫn đến việc làm không đúng theo quy định, để từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật, góp phần đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống. Trong thực tế, có những cán bộ xông xáo giải quyết công việc vì lợi ích chung, với tinh thần sáng tạo nhưng không được bảo vệ, thậm chí bị chính thủ trưởng trực tiếp thoái thác trách nhiệm. Nhiều trường hợp cấp dưới xin ý kiến, cấp trên không trả lời và cũng không chịu trách nhiệm về sự chậm trễ.

Thực tế cho thấy, quy trình xử lý công việc qua nhiều khâu nhưng chưa quy định thật rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quy trình đó. Không ít trường hợp chuyên viên cố ý tham mưu sai bản chất vấn đề, dẫn tới cấp trên ra quyết định sai, và người ra quyết định phải chịu trách nhiệm về sự việc này. Ngược lại, có trường hợp cấp trên chỉ đạo cá nhân hoặc tổ chức cấp dưới thực hiện những việc trái pháp luật, khi sự việc bị phát hiện thì người thi hành bị xử lý sai phạm. Cũng có những trường hợp cá nhân tham gia vào quy trình, nhưng không biết có sai sót và sai sót ở khâu nào, trình ký sai cũng bị kỷ luật… Vì vậy, phải làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân tham gia vào quy trình xử lý công việc, để khi xảy ra sai sót thì xử lý đúng người, đúng tội, theo tinh thần của người xưa - “mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”. Nếu không khắc phục tình trạng nói trên thì cán bộ, công chức hành chính dù có năng lực, phẩm chất vẫn cảm thấy đang làm việc trong môi trường đầy áp lực lại không an toàn, nói gì đến cảm hứng sáng tạo.

Sự chuyển động, nhúc nhích đang được đòi hỏi ở tất cả các cấp, các ngành, trước hết là cấp trung ương và cấp tỉnh. Một khi cơ chế, chính sách đúng đắn, đồng bộ, chế độ trách nhiệm rõ ràng, hành xử công việc theo hướng công khai, minh bạch, nói đi đôi với làm, tình hình sẽ nhanh chóng có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện, xung lực cho đội ngũ cán bộ, công chức phát huy năng lực, trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Sáng tạo gắn với trách nhiệm, gắn với sự đồng bộ của chính sách pháp luật và tổ chức bộ máy sẽ tạo ra môi trường làm việc năng suất, chất lượng, hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, phải hết sức tránh” - học tập Người, cán bộ công chức, viên chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, cộng đồng trách nhiệm để guồng máy chạy tốt và phục vụ dân ngày càng tốt hơn.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/sang-tao-va-trach-nhiem-595954.html