Sáng tạo từ thực tiễn ngành y

'Quy trình Báo động đỏ nội viện, liên viện' của PGS, TS Tăng Chí Thượng vừa nhận giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Quy trình xuất phát từ thực tiễn sống động đã được Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) bổ sung vào Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam để nhân rộng trên cả nước.

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) cứu sống nhiều người bệnh trong tình trạng nguy kịch nhờ "Quy trình Báo động đỏ nội viện".

Ca trực lúc nửa đêm của Bệnh viện (BV) Xuyên Á (huyện Củ Chi) tiếp nhận người bệnh T.T.N., 18 tuổi, trong tình trạng rất nguy kịch, sốc nặng, máu chảy ồ ạt, người xanh xao, lơ mơ, thở khó. Lập tức các bác sĩ (BS) Khoa Cấp cứu khởi động "Quy trình Báo động đỏ nội viện", cùng với BS Khoa Phẫu thuật tim mạch hội chẩn khẩn. Qua hội chẩn, các BS xác định T.N. có nhiều vết đâm ở cằm, ngực phải, ngực trái, hông trái, nguy cơ rất lớn bị vết thương ở tim hoặc mạch máu lớn trong lồng ngực làm cho mất máu cấp lượng nhiều, tiên lượng tử vong rất cao. Người bệnh được chuyển đến phòng mổ, mở ngực dọc giữa xương ức, phẫu thuật viên nhanh chóng xác định vết thương cạnh ức phải đâm gây thủng buồng thất phải (thủng tim phải) gây tràn máu màng tim, làm chèn ép tim cấp. Các BS mở màng tim, giải phóng chèn ép tim, khâu vết thương thủng tim đang chảy máu. Vết thương còn làm đứt động mạch ngực trong phải, xuyên thùy dưới phổi phải gây tràn máu màng phổi phải. BS tiến hành khâu cầm máu động mạch ngực trong và khâu tổn thương thùy dưới phổi phải. Người bệnh đã thoát chết trong gang tấc.

Tương tự, BV huyện Hóc Môn tiếp nhận anh N.TN.B (24 tuổi) trong tình trạng nguy kịch do mất máu nhiều từ vết thương thấu bụng. Sau khi sơ cứu, BV Hóc Môn liên lạc BV Xuyên Á khởi động "Quy trình Báo động đỏ liên viện". Nhận được thông tin, BS các khoa Cấp cứu, Ngoại tổng quát, Phẫu thuật tim mạch của BV Xuyên Á khẩn trương phối hợp hồi sức tích cực, kiểm tra lâm sàng. Xác nhận có vết thương thấu bụng khả năng tổn thương mạch máu lớn, người bệnh được đưa lên phòng mổ trong vòng chưa đến 30 phút. Các BS xác định vết thương xuyên qua gan, bờ trên tụy, và đâm thủng động mạch chủ bụng khiến máu chảy rất mạnh. Ê-kíp phẫu thuật kẹp cầm máu, khâu vết rách động mạch chủ, khâu gan, khâu vết rách thân tụy. Người bệnh được truyền tám đơn vị máu, bốn đơn vị huyết tương. Sau hơn ba giờ phẫu thuật, người bệnh qua cơn nguy kịch và đang được tiếp tục theo dõi điều trị.

Qua những ca cấp cứu tích cực và hiệu quả nêu trên cho thấy, "Quy trình Báo động đỏ nội viện và liên viện" đã phát huy hiệu quả, giúp phối hợp chặt chẽ giữa các BV trong công tác cấp cứu. Quy trình cấp cứu, hội chẩn nhanh chóng và đội ngũ y sĩ, BS giàu kinh nghiệm đã kịp thời cứu sống được nhiều người bệnh.

PGS, TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh - tác giả của quy trình nhớ lại: Trong quá trình triển khai cấp cứu, một yêu cầu đặt ra đối với ngành y là làm thế nào để nhanh chóng can thiệp kịp thời cho người không may bị tai nạn hoặc bị bệnh nặng đe dọa tính mạng nhưng lại ở một địa bàn xa các BV chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối của thành phố. Thông thường, khi xảy ra những tình huống như trên, Trung tâm gọi cấp cứu 115 để được điều phối xe cứu thương đến hiện trường sơ cứu, còn nếu xảy ra ở các cơ sở y tế thì sau khi hồi sức cấp cứu phải nhanh chóng chuyển người bệnh về BV tuyến cuối để can thiệp điều trị. Tuy nhiên, không ít trường hợp đã chết trên đường vận chuyển mặc dù đội ngũ y sĩ, bác sĩ đã nỗ lực hết mình. Trước yêu cầu đó, Sở y tế đã đưa ra hai giải pháp mang tính sáng tạo và quyết tâm triển khai phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của thành phố, đó là: triển khai mạng lưới các trạm cấp cứu 115 vệ tinh phủ khắp địa bàn; triển khai "Quy trình Báo động đỏ nội viện và liên viện" tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh. Thực tiễn đã chứng minh tính hiệu quả của quy trình sau hơn hai năm toàn ngành y tế thành phố quyết tâm triển khai đồng bộ. Hơn 50 người bệnh trong tình trạng rất nguy kịch đã được cứu sống kịp thời.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, khi có "Quy trình Báo động đỏ nội viện", tùy theo tình trạng, chẩn đoán của người bệnh sẽ huy động chuyên khoa phù hợp. Thông thường các thành phần sẽ được huy động và phải có mặt trong vòng năm phút, gồm: Phẫu thuật viên, BS gây mê, BS nội khoa, BS hồi sức cấp cứu, điều dưỡng và hộ lý cấp cứu, kỹ thuật viên X-quang, BS siêu âm. Ngoài ra, phòng mổ cấp cứu phải sẵn sàng trong vòng 30 phút; ê-kíp xét nghiệm và ngân hàng máu phải sẵn sàng máu cùng nhóm (hoặc máu nhóm O) trong vòng 20 phút. Ðối với "Quy trình Báo động đỏ liên viện", ngoài các thành viên như "Quy trình Báo động đỏ nội viện" còn có thêm lãnh đạo BV, nhân viên Phòng Kế hoạch tổng hợp, lái xe trực…

Theo GS, TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh được lựa chọn kỹ và khắt khe từ đề tài, giải pháp dự thi theo các chuyên ngành. Từ các biện pháp đề ra cũng như kết quả thu được, Ban tổ chức đã quyết định trao giải nhất cho giải pháp "Quy trình Báo động đỏ nội viện, liên viện giúp hoạt động phản ứng nhanh trong cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch có nguy cơ tử vong cao tại bệnh viện và liên viện". Quy trình này có ý nghĩa khoa học, đáp ứng tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả kinh tế - xã hội và có khả năng triển khai ứng dụng rộng rãi. Ðiểm mới của giải pháp là xây dựng một quy trình cấp cứu để điều trị hiệu quả cho những người bệnh nguy kịch được kết nối nhiều BV, huy động nhiều nguồn lực trong thời gian nhanh nhất.

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/34507002-sang-tao-tu-thuc-tien-nganh-y.html