Sáng tạo trong sinh hoạt chuyên môn liên trường qua dạy học dự án

Với mục tiêu giúp học sinh hứng thú trong học tập một cách chủ động, tích cực, tiếp cận các kiến thức thông qua trải nghiệm, gắn kết nội dung học với cuộc sống thực tiễn, có kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, nâng cao kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin, trong học kì 2 năm học 2028 - 2019, Phòng Giáo dục quận Hồng Bàng - thành phố Hải Phòng đã thực hiện chuyên đề dạy học dự án: HẢI PHÒNG - THÀNH PHỐ QUÊ HƯƠNG.

Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT về việc thực hiện nhiệm vụ GDTH năm học 2018-2019, Ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT Hồng Bàng đã có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn giáo viên tiểu học với nội dung đi sâu vào tìm hiểu và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, trong đó DẠY HỌC DỰ ÁN được chọn tổ chức chuyên đề cấp trường, cấp quận, cấp thành phố.

Dạy học dự án sẽ là một trong những nội dung sinh hoạt chuyên môn tại tất cả các trường tiểu học thuộc quận; Chuyên đề được triển khai với bốn trường tiểu học: trường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Huệ, Nguyễn Tri Phương và Trần Văn Ơn.

Chuyên đề được tiến hành theo 3 bước:

Bước 1: Tổ chức chuyên đề cấp quận với nội dung thực hiện: Lập kế hoạch thực hiện Dự án.

Bước 2: Thực hiện dự án, 4 trường chủ động hướng dẫn học sinh thực hiện.

Bước 3: Tổng hợp báo cáo cấp thành phố về kết quả dự án của 4 nhà trường.

Dạy học dự án - một hình thức dạy học tiên tiến nhằm nâng cao năng lực học tập của học sinh, bắt nhịp với xu thế hiện đại trong giáo dục. Hiểu được nguyên lý Dạy học dự án, giáo viên sẽ có thêm cơ hội phát huy tính tích cực của học sinh, từ đó làm cho hoạt động dạy học vừa phong phú vừa gắn bó với thực tiễn.

Từ chương trình dạy học môn Lịch sử - Địa lí lớp 4, giáo viên đã hướng dẫn học sinh xác định những nội dung có liên quan có thể ứng dụng vào thực tế, phát hiện ra những điều tương ứng và đang xảy ra trong cuộc sống.

Tiếp đó các nhóm được phân chia, giáo viên hướng dẫn học sinh đề xuất và xác định đề tài dự án: “Hải Phòng - thành phố quê hương”, xác định nhiệm vụ cần giải quyết phù hợp với các em, trong đó có sự liên hệ nội dung học tập với hoàn cảnh thực tiễn đời sống xã hội.

Nhóm trường Nguyễn Tri Phương với nhiệm vụ học tập về vị trí địa lí, cảng biển; trường Đinh Tiên Hoàng: công nghiệp thành phố; trường Nguyễn Huệ: truyền thống cách mạng; trường Trần Văn Ơn: du lịch, ngành nghề, ẩm thực.

Sau khi xây dựng đề cương dự án, giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện theo nhóm, tạo ra sản phẩm của dự án qua các hoạt động học tập thực hành thực tiễn, thu thập tài liệu, tổng hợp, phân tích và tích lũy kiến thức qua quá trình làm việc.

Kết quả thực hiện dự án được trình bày trên Power Point và các bản tin, áp phích, thu hoạch, báo cáo, mô hình, sân khấu hóa…và được trình bày giữa các nhóm, trước lớp, trong trường, kết nối liên trường… Tất cả các học sinh đều được trình bày kết quả cùng với kiến thức mới thu nhận được qua dự án (theo nhóm hoặc cá nhân).

Học sinh vô cùng thích thú khi thực hiện và trình bày các sản phẩm của mình. Từ bài Power Point thuyết trình với những sơ đồ tư duy bản đồ hành chính thành phố Hải Phòng, những hình ảnh về cảng biển, đến những hoạt cảnh sân khấu về truyền thống cách mạng của thành phố.

Hay những bức tranh vẽ những con tàu ở nhà máy đóng tàu Sông Cấm, mô hình lê - gô về “con tàu mơ ước” có cánh bay trên không trung và có thể lặn sâu xuống đáy đại dương, bộ mẫu vật giới thiệu các sản phẩm của nhà máy nhựa Thiếu niên tiền phong, ý tưởng mô hình hệ thống xử lí nước thải để thành phố luôn xanh, sạch, đẹp, rồi những bức tranh về khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, những điệu hát câu hò truyền thống…. tất cả là sự say mê tìm hiểu và sáng tạo của các học trò theo các vai học tập của mình.

Các em tự tìm tòi kiến thức mình cần, mạnh dạn giải quyết vấn đề. Việc học tập gắn lý thuyết và thực hành, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội đã kích thích động cơ và hứng thú cho người học, phát huy tính tự lực và tính trách nhiệm, phát triển khả năng sáng tạo, rèn luyện khả năng giải quyết những vấn đề phức hợp, rèn luyện tính bền bỉ và kiên nhẫn, rèn luyện năng lực cộng tác làm việc, biết khám phá, tích hợp và trình bày, rèn luyện năng lực đánh giá. …

Các em sẽ khắc sâu kiến thức qua quá trình thực hiện và từ hình ảnh các sản phẩm, các động tác sịnh động, những lời thoại nhân vật trong sân khấu hóa sẽ tạo ấn tượng mạnh mẽ bởi chính các em được cùng nhau thực hiện.

Quá trình thực hiện và kết quả dự án được cả giáo viên và học sinh đánh giá dựa trên những sản phẩm thu được và cách trình bày của các em. Sau đó, giáo viên hướng dẫn học sinh rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện các dự án tiếp theo.

Từ chuyên đề dạy học dự án " Hải Phòng - thành phố quê hương", giáo viên có ý thức vai trò của mình là người hướng dẫn, tham vấn, huấn luyện học sinh: Xây dựng bộ câu hỏi định hướng cho học sinh, thiết kế dự án (xác định lĩnh vực thực tiễn ứng dụng nội dung học, ai cần, ý tưởng và tên dự án); Thiết kế các nhiệm vụ cho HS; Chuẩn bị các tài liệu hỗ trợ GV và HS cũng như các điều kiện thực hiện dự án trong thực tế; Theo dõi, hướng dẫn, đánh giá HS trong quá trình thực hiện; Chuẩn bị cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho các em thực hiện dự án ; Bước đầu thông qua sản phẩm cuối của các nhóm HS; Theo dõi, đánh giá sản phẩm dự án của các nhóm.

Vào giữa tháng 4 năm 2019, buổi báo cáo tổng kết chuyên đề được tổ chức tại trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng với sự tham gia của học sinh bốn trường trình bày sản phẩm dự án và các giáo viên trong các trường tiểu học toàn thành phố tới dự. Chuyên đề được đánh giá cao và là khởi đầu cho định hướng dạy học gắn với trải nghiệm thực tế ở tiểu học tại thành phố Hải Phòng.

Theo Phan Dung -Tiếng nói giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/sang-tao-trong-sinh-hoat-chuyen-mon-lien-truong-qua-day-hoc-du-an-4000820-c.html