Sáng tạo trong nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo ở Nam Ðịnh

Ðội ngũ nhà giáo là lực lượng nòng cốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, những năm vừa qua, ngành giáo dục tỉnh Nam Ðịnh đã tập trung xây dựng đội ngũ này có trình độ, năng lực, tâm huyết và sáng tạo, góp phần đưa địa phương luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục và đào tạo (GD và ÐT).

Giờ học môn Lịch sử tại Trường THPT Xuân Trường B (huyện Xuân Trường, Nam Ðịnh). Ảnh: QUÝ TÙNG

Nỗ lực từ mỗi thầy giáo, cô giáo

Theo Sở GD và ÐT Nam Ðịnh, với gần 26 nghìn người, đội ngũ nhà giáo của tỉnh ở tất cả các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo, tâm huyết với nghề, luôn có đổi mới sáng tạo. Ðến Trường THPT Xuân Trường B (huyện Xuân Trường), chứng kiến giờ dạy Lịch sử của thầy giáo Trần Ngọc Duy, chúng tôi mới thấy được sức hấp dẫn của lịch sử dân tộc. Thực tế, những năm học vừa qua, một bộ phận học sinh có biểu hiện "quay lưng" do môn Lịch sử được cho là khô khan, nhiều sự kiện, khó nhớ, ít hứng thú. Vậy nhưng những tiết dạy Lịch sử của thầy giáo Trần Ngọc Duy lại luôn thu hút học sinh học tập say sưa. "Cũng như bất kỳ môn học nào khác, khi học sinh thật sự hiểu, khám phá được cái hay của việc học Lịch sử thì tự các em sẽ say mê"- thầy Duy chia sẻ. Hiện nay, mục tiêu của đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực thì việc truyền cảm hứng, giúp học sinh học tập tích cực là điều quan trọng. Với 13 năm trong nghề, mỗi bài giảng, thầy Duy đều hướng dẫn các em không cần phải nhớ máy móc số liệu, sự kiện mà nên đi sâu để phân tích nguyên nhân, bản chất, giá trị của các sự kiện, đồng thời gắn với những câu chuyện thú vị về lịch sử, sự kiện mới để học sinh liên hệ và vận dụng vào bài học. Nhiều thế hệ học trò của thầy Duy đã trưởng thành, tiếp tục theo học đại học những ngành, lĩnh vực liên quan đến lịch sử.

Môn Toán với những số, những hình cũng được coi là khô khan. Thế nhưng đến lớp học của cô giáo Ðào Thị Mai Liên, Trường THCS Ðào Sư Tích (huyện Trực Ninh), điều dễ nhận thấy là sự sôi nổi, tích cực phát biểu, tranh luận của học sinh. Ðó là nhờ vào nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tìm tòi những phương pháp giảng dạy cho từng đối tượng. Cô giáo Liên tâm sự: "Nhiều năm được phân công dạy các lớp tập trung học sinh khá, giỏi, tiếp thu bài nhanh cho nên tôi chỉ cần chuẩn bị bài giảng chu đáo trước khi lên lớp. Ðến khi được phân công giảng dạy lớp có nhiều học sinh yếu, kém, tôi khá lo lắng. Sau thời gian tìm tòi, chia sẻ với từng học sinh, tôi đã giúp các em học yếu trở nên yêu thích môn Toán. Với những học sinh yếu sẽ "chẻ nhỏ" các câu hỏi để giúp các em lần lượt giải quyết từng bài học, động viên, khen thưởng kịp thời để các em phấn khởi, tiếp tục chinh phục những câu hỏi khó hơn. Ðối với học sinh khá giỏi, các câu hỏi sẽ được gộp lại để các em tư duy bằng con đường sâu hơn". Cũng theo cô giáo Liên, để nâng cao trình độ chuyên môn, mỗi thầy giáo, cô giáo trong tổ, nhóm thường xuyên trao đổi, xây dựng kế hoạch cụ thể dạy chuyên đề, tự chọn, ôn tập, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém... Với 20 năm công tác, cô giáo Liên đã giảng dạy các đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, nhiều năm liền được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Cô giáo Bùi Thị Hồng Nhung, tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT A Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Hưng) 17 năm công tác, từng là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi thi cấp tỉnh, có những sáng kiến kinh nghiệm được giải cao của ngành, luôn đổi mới phương pháp dẫn dắt học sinh theo từng bài học. Cô giáo Nhung cho biết, để bài giảng thành công, phải luôn chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ dẫn dắt học sinh đi từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều để tìm ra phương pháp phù hợp nhất. Cô Nhung luôn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tình hình học tập của từng học sinh, đưa ra những phương pháp giảng dạy để học sinh tiếp thu bài học hiệu quả.

Những cách làm "ngược"

Không chỉ mỗi thầy giáo, cô giáo tích cực đổi mới sáng tạo trong dạy và học, mà các cấp quản lý giáo dục Nam Ðịnh cũng luôn chú trọng tập huấn, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên phát huy năng lực, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Theo Giám đốc Sở GD và ÐT Nam Ðịnh Cao Xuân Hùng, việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ không chỉ theo cách thông thường "từ trên xuống" qua việc cử giáo viên cốt cán các trường tham dự nghe các chuyên gia, báo cáo viên trình bày để về triển khai tại trường mà tỉnh Nam Ðịnh đã áp dụng quy trình "ngược". Toàn bộ các vấn đề, tài liệu đổi mới được gửi trước để giáo viên tự nghiên cứu và cùng các tổ, nhóm chuyên môn thảo luận về nội dung, ghi lại những vấn đề thắc mắc, cần trao đổi. Khi tập huấn, giáo viên hoàn toàn chủ động; những băn khoăn, vướng mắc mà cơ sở gặp phải sẽ được đưa ra phân tích, giải đáp, từ đó giáo viên tích cực đổi mới trong dạy học. Ngoài ra, Sở còn thành lập hội đồng chuyên môn nhằm xây dựng kế hoạch hoạt động cho từng cấp học, môn học để thống nhất thực hiện, khơi dậy tâm huyết, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo. Năm học 2017-2018, toàn tỉnh đã cử hơn 50 cán bộ, giáo viên đi đào tạo sau đại học, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn.

Việc nghiên cứu, viết sáng kiến kinh nghiệm ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, thậm chí trở thành gánh nặng đối với giáo viên. Tuy nhiên, tại Nam Ðịnh, việc này vẫn được nhiều thầy giáo, cô giáo tham gia tích cực, hiệu quả. Các nghiên cứu, sáng kiến sẽ được Sở GD và ÐT sơ tuyển, đánh mã và chuyển về các trường chấm. Quá trình chấm không phải để tính điểm mà để tạo sức lan tỏa sâu rộng về đổi mới phương pháp dạy học hiệu quả. Các sáng kiến đều được đưa lên trang thông tin điện tử, hệ thống thông tin nội bộ, vừa giúp chia sẻ trong tỉnh, cả nước vừa tránh được tình trạng viết sáng kiến theo hình thức và sao chép của nhau, không đi vào thực chất. Trong 5 năm vừa qua, toàn tỉnh có 2.366 sáng kiến kinh nghiệm. Trong đó, có 25 sáng kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng lao động sáng tạo; hai đề tài khoa học được Sở Khoa học và Công nghệ Nam Ðịnh nghiệm thu đánh giá xuất sắc và 241 sáng kiến cấp giấy chứng nhận...

Chia sẻ về những nghiên cứu, sáng kiến để đổi mới phương pháp dạy học, thầy Ngô Vỹ Nông, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: Với đội ngũ có trình độ chuyên môn cao gồm hai tiến sĩ, một nghiên cứu sinh, 60 thạc sĩ... cho nên phong trào thi đua, tích cực nghiên cứu, có sáng kiến kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học của nhà trường luôn phát triển mạnh. Năm học 2018-2019 toàn trường đổi mới phương pháp bằng việc mỗi giáo viên có ít nhất hai giáo án điện tử; mỗi giáo viên trẻ (từ 30 tuổi trở xuống) dạy môn khoa học tự nhiên sẽ giảng bài bằng tiếng Anh ít nhất hai tiết/tuần... góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng xu thế hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thầy giáo Ðặng Xuân Hữu, Trưởng phòng GD và ÐT huyện Trực Ninh cho biết, toàn huyện có 2.735 cán bộ quản lý giáo viên thì toàn bộ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Nếu như trước đây mỗi năm có 600 đến 700 sáng kiến kinh nghiệm thì giờ đây chỉ còn khoảng 100 sáng kiến nhưng chất lượng đi vào thực chất; trong đó, có khoảng 60% được đánh giá tốt để chia sẻ, nhân rộng. Ðiều đó, cho thấy sự thay đổi trong quan niệm và thực chất các hoạt động đổi mới nghiên cứu, giảng dạy. Chất lượng đội ngũ bảo đảm, giáo viên tâm huyết giáo dục mầm non của huyện đã bảo đảm hoạt động "lấy trẻ làm trung tâm" với toàn bộ số trẻ đến trường được chăm sóc an toàn; giáo dục tiểu học được triển khai linh hoạt, sáng tạo mô hình trường học mới ở tất cả 28 trường; giáo dục THCS tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm 65,9%...

Theo Sở GD và ÐT Nam Ðịnh, việc xây dựng được đội ngũ nhà giáo có năng lực, trình độ chuyên môn, tâm huyết và luôn đổi mới, sáng tạo đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Nam Ðịnh tiếp tục nằm trong tốp đầu toàn quốc, tám trong số chín môn thi nằm trong tốp 10 cả nước. Toàn tỉnh có 89 em dự thi học sinh giỏi toàn quốc ở 11 bộ môn, đạt 73 giải (trong đó có bốn giải nhất, 22 giải nhì, 28 giải ba, 19 giải khuyến khích); bảy học sinh được chọn tham dự thi vòng hai chọn đội tuyển Việt Nam tham gia các kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế và có một học sinh đoạt Huy chương bạc... Theo Giám đốc Sở GD và ÐT Nam Ðịnh Cao Xuân Hùng, để đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới và hội nhập, toàn tỉnh sẽ áp dụng các mô hình dạy học tiên tiến, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp nhà giáo với phương châm: Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý có tầm nhìn, có năng lực thích ứng với các điều kiện thay đổi, tận tâm, thạo việc, có năng lực điều hành...

QUỲNH NGUYỄN, XUÂN ÐOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/38295402-sang-tao-trong-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-nha-giao-o-nam-%C3%B0inh.html