Sáng tạo, quyết liệt triển khai chính sách y tế, giáo dục quan trọng

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, chiều 20/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những cách làm sáng tạo của địa phương và đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy trong triển khai các chính sách quan trọng về y tế, giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét việc lưu trữ hồ sơ sức khỏe điện tử tại trạm y tế thị trấn Đức Thọ. Ảnh: VGP/Đình Nam

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định các sở nghành, địa phương trong tỉnh luôn quán triệt phương châm “làm đến đâu chắc đến đó và biết chọn việc để làm” khi thực hiện các chủ trương, chính sách lớn về giáo dục, y tế.

Y tế cơ sở phải có thuốc tốt, bác sĩ giỏi

Trong lĩnh vực y tế, thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai cài đặt, sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tới tất cả các trạm y tế. Các phường, xã đã vận động người dân cùng ngành y tế điều tra, khám và lập hồ sơ sức khỏe trên hệ thống phần mềm.

Đến nay, các cơ sơ y tế đã đồng bộ dữ liệu phần mềm khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, tạo lập hồ sơ quản lý sức khỏe đến từng người dân đạt tỷ lệ 83,2% (tính đến ngày 31/10). Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 87,2%. Các cơ sở y tế đã kết nối vào hệ thống này để cập nhật thông tin tiêm chủng, khám chữa bệnh BHYT…

“Hiện tỉnh đang tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho việc tầm soát, thu thập dữ liệu về một số bệnh không truyền nhiễm như Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tiểu đường, một số loại bệnh ung thư, tim mạch…”, Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho biết.

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh đang triển khai kết nối toàn bộ 850 nhà thuốc trên địa bàn, kết nối các cơ sở y tế tư nhân có khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, sáp nhập 9 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh thành 3 trung tâm. Đối với hệ thống y tế tuyến huyện đang đặt ra đề án sáp nhập Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, bệnh viện đa khoa tuyến huyện.

Về một số khó khăn được lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh nêu lên, đáng chú ý tình trạng cùng một bác sĩ nhưng về khám ở tuyến xã được thanh toán tiền công thấp hơn tuyến huyện, tuyến huyện thấp hơn tuyến tỉnh nên khó thu hút được bác sĩ có chất lượng; một số bệnh viện tuyến huyện đã tự chủ, được xếp hạng nhưng khi sáp nhập lại trở thành trung tâm y tế mà không được xếp hạng; bội chi quỹ BHYT…

Phó Thủ tướng đánh giá tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng đặc biệt trong việc kiện toàn hệ thống y tế cơ sở, lập hồ sơ sức khỏe điện tử, khám định kỳ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Theo Phó Thủ tướng, việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân tại trạm y tế xã là chương trình rất quan trọng phải làm thí điểm hiệu quả trước khi nhân rộng ra cả nước. Và tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện rất tích cực không chỉ vì sức khỏe người dân địa phương mà vì trách nhiệm với cả nước. Thời gian tới tỉnh cần kiên trì thực hiện để người dân có bệnh được phát hiện, chữa trị sớm, người chưa có bệnh được chăm sóc, theo dõi sức khỏe định kỳ.

“Nhưng nếu chỉ đơn thuần lập hồ sơ sức khỏe mà không có thuốc tốt, bác sĩ giỏi như bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh thì người dân cũng sẽ không đến trạm y tế, như vậy công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu không đạt hiệu quả từ đó sẽ tạo áp lực rất lớn cho y tế tuyến trên khi thực hiện liên thông BHYT toàn quốc”, Phó Thủ tướng lưu ý và đề nghị ngành y tế Hà Tĩnh đẩy mạnh việc luân phiên bác sĩ tuyến trên về xã, cung cấp đủ thuốc, chất lượng ít nhất cũng tương đương bệnh viện huyện; kiện toàn đội ngũ cộng tác viên tại thôn bản làm công tác dân số, y tế, bảo vệ trẻ em.

Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những kiến nghị của tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến bội chi quỹ BHYT; ưu tiên và xếp hạng cho các bệnh viện tự chủ được về thu, chi; tăng diện bao phủ BHYT; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu theo đề án bệnh viện vệ tinh…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, chiều 20/11. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng tạo trong thực hiện đổi mới giáo dục

Về lĩnh vực giáo dục, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 725 trường học mầm non và bậc học phổ thông, trên 10.000 nhóm, lớp với tổng số gần 315.000 học sinh, giảm 86 trường mầm non và phổ thông so với năm học 2011 - 2012. Hà Tĩnh có 1 trường Đại học, 1 Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và giáo dục thường xuyên, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện, giảm 4 trung tâm so với năm học 2011 - 2012.

Hiện tại, đội ngũ cán bộ, giáo viên của tỉnh Hà Tĩnh có 21.218 người, trong đó biên chế là 20.404 người, hầu hết cán bộ, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trên chuẩn đào tạo.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm trên 98%, giáo dục mũi nhọn đạt thành tích cao nằm trong tốp đầu của cả nước. Riêng từ năm 2012 đến nay, Hà Tĩnh có 4 huy chương quốc tế, gần 500 lượt học sinh giỏi cấp quốc gia

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Trần Trung Dũng cho biết tỉnh đang tập trung cao thực hiện sắp xếp, tinh giản hệ thống trường lớp, giáo viên theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW (khóa 12). Đáng chú ý, để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, Hà Tĩnh đã có chính sách biệt phái giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu trong thời gian nhất định. Cùng với đó, tỉnh đang xem xét để xử lý tình trạng cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên đáp ứng được việc học bán trú nhưng học sinh vẫn phải học thứ Bảy.

Đáng chú ý, qua hoạt động của một số trường phổ thông chất lượng cao cho thấy một bộ phận người dân có thể chi trả mức học phí cao hơn cho con em mình. Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị có quy định, hướng dẫn cụ thể về tự chủ trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, hạn chế tình trạng lạm thu trong các nhà trường...

Trao đổi về các vấn đề giáo dục Hà Tĩnh đang gặp phải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh giảm biên chế giáo viên là vấn đề rất lớn, việc thực hiện phải từ những bộ phận gián tiếp; tập huấn, chuyển đổi cho giáo viên dôi dư, dạc biệt Hà Tĩnh đã rất sáng tạo khi có cơ chế biệt phái để bổ sung ngay giáo viên cho những nơi thiếu.

Đối với thực hiện tự chủ trong giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng ở bậc đại học thì Trường đại học Hà Tĩnh cần được tạo điều kiện tự chủ theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Trong bậc học phổ thông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tự chủ không nên hiểu ngân sách không còn, hoặc đơn thuần là tự chủ tài chính mà quan trọng nhất là đổi mới mô hình quản trị trường phổ thông, với sự tham gia của 5 thành tố: Chính quyền, ban giám hiệu, cộng đồng dân cư, tập thể giáo viên, tập thể phụ huynh và học sinh. Giáo dục phổ thông phải tuân thủ nguyên lý gần nơi sinh sống của học sinh và có một số trường được tự chủ, thu học phí cao để đáp ứng nhu cầu học tập chất lượng cao hơn của một bộ phận người dân có điều kiện.

Đối với giáo dục mầm non, Hà Tĩnh phải tăng cường xã hội hóa, tạo điều kiện về đất đai, trường lớp để tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.

“Chúng ta cũng phải có cơ chế cho các trường phổ thông, mầm non được phép nhận nguồn tài trợ trên nguyên tắc tự nguyện không cào bằng và quản lý, sử dụng công khai, minh bạch”, Phó Thủ tướng nói.

Trong nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, với truyền thống của địa phương, Phó Thủ tướng mong muốn Hà Tĩnh chủ động triển khai phù hợp với tình hình, chất lượng giáo dục của tỉnh, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới.

“Đơn cử, Hà Tĩnh có thể phát động phong trào ‘thầy trò cùng học’ bắt đầu từ tin học, ngoại ngữ”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Đình Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/sang-tao-quyet-liet-trien-khai-chinh-sach-y-te-giao-duc-quan-trong/352621.vgp