Sáng tạo như giáo viên mầm non

Giáo viên được tiếp cận với những phương pháp giảng dạy mới, hiện đại; nhưng ở nơi hạn chế về điều kiện thì làm thế nào để triển khai? Đây là trăn trở của không ít giáo viên ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhưng cái khó ló cái khôn, nhiều đồ dùng, đồ chơi đã được ra đời và tạo sự gắn bó, tương tác thú vị giữa cô và trò.

Từ những vật liệu gần gũi

Theo cô Nguyễn Thị Thu Phương, Giáo viên trường mầm non Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội, để thu hút trẻ vào giờ học, điều quan trọng nhất đối với mỗi giáo viên là tâm huyết, say mê và tình yêu nghề. Lấy trẻ làm trung tâm sẽ thấy trẻ cần nhất điều gì.

Đồ dùng đồ chơi không thể thiếu ở bậc học mầm non. Ảnh minh họa: TTXVN

Đồ dùng đồ chơi không thể thiếu ở bậc học mầm non. Ảnh minh họa: TTXVN

Cô Nguyễn Thị Thu Phương cho biết: "Vì kinh phí mua đồ dùng, đồ chơi không có nhiều, trong khi đồ chơi với trẻ mầm non cần được đa dạng và các con có thể tham gia vào quá trình này, nên tôi đã lựa chọn những nguyên vật liệu dễ kiếm, dễ tìm và rất gần gũi với trẻ như lá cây, bìa các-tông, viên sỏi, vỏ chai….để làm các đồ dùng dạy học". Bằng những tấm bìa các - tông đã bị bỏ đi, cô Phương có thể tổ chức các trò chơi quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Có hôm, các trò của cô Phương được tham gia xây dựng nhà cửa thông qua những chiếc hộp các - tông. Từ ngôi nhà bằng tấm bìa ấy, trẻ có thể thỏa sức dùng bút sáp màu để vẽ tranh theo ý muốn.

“Để trẻ được tự do hơn, tôi chia nhóm ra để các em tự quản với đồ chơi tự làm. Hoạt động này không quá gò bó mà trẻ được tương tác với nhau, nên các em rất thích thú. Có như vậy trẻ mới được kích thích những cảm xúc tích cực và từ đó trẻ thu nhận kiến thức dễ dàng hơn mà không bị áp lực khi đến trường”, cô Phương chia sẻ.

Những vật dụng thân thiện với môi trường cũng được các giáo viên thiết kế ở sân chơi ngoài trời.

Trường Mầm non Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, nơi cô giáo Lê Thu Hằng công tác nằm ở ngoại thành Hà Nội nên điều kiện kinh tế vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, diện tích đất tương đối rộng mà không gian vui chơi của trẻ mang tính thẩm mĩ thực sự còn hạn chế. Chính vì thế, năm học vừa qua, cô Thu Hằng đã lên ý tưởng sáng tạo trong việc cải tạo môi trường bên ngoài lớp học, đó là sáng tạo ra những con vật và đồ dùng bằng lốp xe bỏ đi, vẽ hệ thống các trò chơi dân gian và trò chơi học tập ở sân trường.

Ý tưởng này của cô Thu Hằng không chỉ được lãnh đạo, các tổ chuyên môn trong nhà trường đồng tình mà cả tập thể sư phạm nhà trường hết sức ủng hộ.

“Hơn 1 tháng hè miệt mài, tôi cùng các đồng nghiệp đã tự cắt, làm ra các con vật, giỏ treo cây, bàn ghế bằng lốp xe… Cả một hệ thống các trò chơi dân gian, trò chơi học tập được dựng ở sân trường. Đến nay, trẻ được vui chơi thỏa thích tự do trong những giờ hoạt động ngoài trời hay những giờ đón trả trẻ”, cô Lê Thu Hằng chia sẻ.

Cô Hằng được tham gia các khóa học như “Ứng dụng phương pháp giáo dục Montesssori vào lớp học truyền thống”. Nhưng qua tìm hiểu những giáo cụ Montessori rất đắt đỏ, để một trường mầm non ngoại thành như trường cô đầu tư các đồ dùng học tập hiện đại phổ biến cho tất cả các lớp quả là rất khó. Cũng chính cô Hằng đã đề xuất với nhà trường kiếm các nguyên vật liệu gần gũi với đời sống, dễ tìm, rẻ tiền và thậm chí phế thải để thiết kế các đồ dùng học tập hiện đại với mong muốn cho trẻ được tiếp cận với phương pháp giáo dục mới. Sau khi thử nghiệm thành công tại lớp mình, cô đã nhân rộng ra 20 lớp trong toàn trường về tự làm đồ dùng, giáo cụ Montessori.

Giáo cụ là “cô giáo”

Bên cạnh những giáo cụ là những nguyên vật liệu gần gũi với đời sống hàng ngày, các cô giáo cũng hóa thân thành những giáo cụ.

Cô Đào Thị Đức, Giáo viên trường mầm non Hoa Sen, Long Biên lại đưa ra nhiều hình thức dạy học mới lạ, thu hút sự chú ý của trẻ. Cô Đức đã sử dụng cách kể “tự truyện“, sử dụng rối tay đơn giản nhưng trẻ được tới gần nghe giọng kể, ánh mắt, cử chỉ điệu bộ của cô giả làm nhân vật. Những đứa trẻ được học giáo cụ trực quan là “cô giáo” lại vô cùng thích thú.

“Tôi để cho trẻ dự đoán tình tiết, đặt tên cho câu chuyện, sử dụng hình thức nhạc kịch vừa nói vừa ca để cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Được biết, nhiều em đã biết đến nhân vật hoạt hình, tôi đã cho các nhân vật hoạt hình lên phần mềm Powpoint, sử dụng phần mềm chuyển đổi giọng nói... để cho nhân vật thêm sinh động và cùng diễn với mình. Mỗi lần học như vậy, các em luôn thể hiện sự hào hứng, phấn khích và hăng hái được nói, được hỏi”, cô Đào Thị Đức nói.

Hay như cô Lê Thị Hoa, giáo viên trường mầm non Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội nhiều năm trăn trở về việc học sinh của mình sắp bước vào lớp 1 nhưng vẫn bị nói ngọng “l - n”. “Qua tìm hiểu sách báo, mạng internet, tôi đã để trẻ chơi tìm và gạch chân chữ “l - n” có trong từ, thơ, đồng giao… Đó là những bài hát đồng giao rất quen thuộc với học trò chuẩn bị vào lớp 1. Sau đó, tôi cho trẻ phát âm, chú ý sửa sai cho trẻ mọi lúc mọi nơi".

Với suy nghĩ “mưa dầm thấm lâu”, trẻ nói nhiều sẽ thành quen miệng nên tôi đã tự làm các thẻ chữ từ láy có chứa phụ âm đầu “l-n”. Cô và trò cùng luyện đọc theo hình thức tráo thẻ liên tục. Thực tế khi tổ chức trò này, các con hiểu như một trò chơi trốn tìm nên rất hứng thú. Đến cuối năm, số trẻ nói ngọng đã giảm đi rõ rệt.

Cô Phương, cô Hằng, cô Đức hay cô Hoa là những tấm gương tâm huyết, sáng tạo trong danh sách 125 nhà giáo tiêu biểu được ngành giáo dục Thủ đô tuyên dương năm 2019. Xuất phát ở những nơi còn thiếu thốn, nhưng bằng tình yêu nghề, mến trẻ và tâm huyết, những sáng kiến của họ đã góp một phần không nhỏ trong việc ươm những mầm xanh của nước nhà.

Lê Vân/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/sang-tao-nhu-giao-vien-mam-non-20191118172138558.htm