Sáng tạo nghệ thuật nơi công cộng cũng phải có quy chuẩn

Hơi thở đặc trưng trong nhịp sống đô thị có thể được bắt gặp và cảm nhận rõ nhất tại các không gian công cộng. Là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt và giao tiếp kết nối mọi người, không gian công cộng vì thế cũng góp phần tác động không nhỏ vào chất lượng sống của cư dân và đồng thời là chất xúc tác khiến một đô thị trở nên đáng yêu, đáng sống và đáng gắn bó. Là một thành phố trong mạng lưới sáng tạo của UNESCO, nhưng hiện nay, nghệ thuật không gian công cộng Hà Nội lại đang vô cùng mờ nhạt và thiếu sự gần gũi, thiếu tính lôi cuốn nhân văn thường thấy ở những không gian công cộng mà nhiều quốc gia trên thế giới sở hữu.

Không gian nghệ thuật đa dạng

Hà Nội là nơi mà sự hội nhập kinh tế, du nhập văn hóa nhanh, mạnh, đòi hỏi sự giao tiếp, thông thương lớn nên nhu cầu về không gian nghệ thuật công cộng càng cấp thiết với quy mô, chất lượng, thẩm mỹ cao hơn. Sự sang trọng, văn hóa, tính đại diện, tiêu biểu của không gian, công trình nghệ thuật mới làm nên bản sắc đô thị Hà Nội.

Không gian nghệ thuật công cộng Phố Bích họa Phùng Hưng (Ảnh: Bảo Thoa)

Không gian nghệ thuật công cộng Phố Bích họa Phùng Hưng (Ảnh: Bảo Thoa)

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ thuật công cộng đã có từ lâu cùng với sự ra đời, phát triển của loài người trong nhu cầu vật chất, tinh thần gắn kết các cộng đồng dân cư. Ở Việt Nam, việc thực hành nghệ thuật công cộng là một phần không tách rời khỏi đời sống, từ ca dao, cổ tích, dân ca, chiếu chèo đến các công trình điêu khắc đình làng, chùa chiền, đền miếu... những lễ hội dân gian, công trình kiến trúc, những bức bích họa đều là những ví dụ tiêu biểu cho loại hình nghệ thuật này.

So với các địa phương khác, người dân Hà Nội xưa nay luôn có điều kiện hơn trong việc tiếp cận cũng như thụ hưởng những giá trị của nghệ thuật công cộng. Đó có thể là những tượng đài, công trình mỹ thuật ở vườn hoa, công viên đã quen thuộc qua nhiều thế hệ, hay những phố bích họa, lễ hội đường phố, các hoạt động âm nhạc ngoài trời ...

Có thể thấy những tín hiệu đáng mừng trong sự chuyển biến của nghệ thuật công cộng ở Hà Nội hiện nay, đó là sự phát triển mạnh, đa dạng về loại hình, quy mô, không gian. Không chỉ dừng lại ở những tượng đài kiến trúc, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực mỹ thuật mà có thể bao gồm âm nhạc, festival với nhiều loại hình nghệ thuật đường phố.

Nhiều tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm đẹp thêm không gian công cộng, mà còn góp phần thổi vào đó sức sống mới, được thành phố và người dân ghi nhận. Có thể kể đến: Con đường gốm sứ ven sông Hồng – một công trình phủ màu sắc nghệ thuật lấp lánh; những tác phẩm bích họa, sắp đặt ở Phùng Hưng đã làm thay đổi diện mạo, đời sống của một con phố; Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa góp phần đưa một di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận trở thành một di sản sống trong cộng đồng, chạm tới thế hệ trẻ; Phố đi bộ Hồ Gươm, Phố đi bộ Trịnh Công Sơn…là những không gian nghệ thuật công cộng bấy lâu đã trở nên thân quen với người dân Hà Nội; hay có thể kể đến Hoàng Thành Thăng Long, Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace – không gian gặp gỡ, giao lưu văn hóa nghệ thuật của nhiều người dân Thủ đô…

Cần những thiết chế cụ thể

Bên cạnh những không gian văn hóa công cộng điển hình đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô, với khao khát được thể hiện, được làm đẹp cho thành phố, nhiều nghệ sĩ đã và đang hăm hở đưa tác phẩm hay tìm kiếm con đường hiện thực hóa ý tưởng nghệ thuật của mình ở các không gian công cộng. Tuy nhiên, việc thực hiện lại không hề dễ dàng bởi nhiều lý do.

Phong trào vẽ tranh tường ở Hà Nội đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đang khiến nhiều người lo ngại về cái gọi là “thảm họa về thị giác” cho cộng đồng. Lo ngại này là có lý khi bên cạnh những bức tranh đẹp, làm sinh động cả một con đường, tuyến phố, mang đến những cảm hứng mới cho vùng quê... thì lại có những bức vẽ kém về nhiều mặt, từ tạo hình đến chất liệu khiến cho những bức tường không đẹp hơn mà còn trở nên nhem nhuốc. Thậm chí, có những bức vẽ có nội dung không phù hợp làm hỏng cả không gian chung, gây ức chế cho cộng đồng. Điều này cho thấy sự dễ dãi, thậm chí thiếu những tiêu chí cần thiết cho các tác phẩm được phép xuất hiện ở những khu vực công cộng.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, có quy chế từ đầu thì sẽ giải quyết được phần gốc của vấn đề. Quy chế ở đây không chỉ giới hạn ở lĩnh vực kiến trúc xây dựng như bao nhiêu phần trăm diện tích dành cho nghệ thuật công cộng..., mà còn phải chi tiết đến từng tác phẩm: Thể loại gì, kích cỡ, chất liệu ra sao, được lựa chọn trên những tiêu chí nào, quy chế về giám tuyển và những quy định liên quan tới chế độ thù lao cho nghệ sĩ, trách nhiệm bảo quản của chính quyền, cộng đồng...

Bên cạnh đó là không ít những tác phẩm đẹp trở thành không đẹp bởi ý thức của người dân. Nghệ sĩ điêu khắc Mai Thu Vân đã không khỏi buồn khi nhắc tới “số phận” của tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của chị mang tên Tháp được lựa chọn trưng bày ở khu vực Hồ Gươm dịp tháng 10 vừa qua. Chỉ sau khi được giới thiệu đến công chúng ít ngày, tác phẩm tâm huyết của chị đã bị một số người vô ý thức biến thành... nhà vệ sinh. Hành động này không chỉ làm tổn thương người nghệ sĩ mà còn khiến cộng đồng hết sức phẫn nộ.

Nhà điêu khắc Mai Thu Vân cho rằng khi thực hiện một tác phẩm nghệ thuật công cộng, tác giả cần phải được đối xử như những nghệ sĩ và tác phẩm phải được nhìn nhận xứng đáng. “Chúng tôi muốn mọi người nhìn nhận rằng cái chúng tôi thực hiện là tác phẩm nghệ thuật, đừng gọi nó là mô hình rồi bảo tôi phải thống kê làm bằng bao nhiêu cân sắt, bao nhiêu cân đinh... Như thế là không công bằng với người nghệ sĩ”.

Bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật “không có chỗ thể hiện” của các nghệ sĩ tâm huyết, nhiều công trình lại trở thành thảm họa khi xuất hiện nơi công cộng. Họa sĩ Lê Thiết Cương rất có lý khi nhận định: “Một công trình, dự án phục vụ cộng đồng không thể tùy tiện tiến hành bởi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: Lãng phí tiền của, công sức; làm mất thẩm mỹ cảnh quan chung; độ bền, đẹp của công trình suy giảm theo thời gian... Điều này ảnh hưởng tới nhiều người bởi phạm vi tác động của nghệ thuật công cộng không chỉ thu gọn ở một số ít cá nhân mà là cả cộng đồng dân cư”.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, có quy chế từ đầu thì sẽ giải quyết được phần gốc của vấn đề. Quy chế ở đây không chỉ giới hạn ở lĩnh vực kiến trúc xây dựng như bao nhiêu phần trăm diện tích dành cho nghệ thuật công cộng..., mà còn phải chi tiết đến từng tác phẩm: Thể loại gì, kích cỡ, chất liệu ra sao, được lựa chọn trên những tiêu chí nào, quy chế về giám tuyển và những quy định liên quan tới chế độ thù lao cho nghệ sĩ, trách nhiệm bảo quản của chính quyền, cộng đồng...

Bên cạnh đó, vấn đề “không gian công cộng” bị lạm dụng cũng cần được xem xét. Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa cho rằng, ngay ở Hà Nội có nhiều không gian công cộng Hà Nội chưa được đối xử đúng. Không có nhà vệ sinh, ghế nghỉ, để cỏ dại mọc hoang tàn, không gian công cộng trở thành “đối tượng” tranh giành của nhiều nhóm sử dụng.

Kiến trúc sư Kim Đức cũng đồng quan điểm: Việc giành lại không gian công cộng từ các nhóm lợi ích như trông xe, buôn bán... để sử dụng cho hoạt động vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, cho nghệ thuật công cộng, khó thì rất khó nhưng cũng rất dễ nếu có sự đồng lòng của người dân. Đặc biệt, nếu có thêm những sự hỗ trợ về quy định, chính sách thì người nghệ sĩ sẽ tiếp cận dễ dàng hơn và đưa ra được giải pháp phù hợp để cải tạo những không gian “chết”.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/sang-tao-nghe-thuat-noi-cong-cong-cung-phai-co-quy-chuan-100800.html