Sáng tạo là điểm sáng của Việt Nam trong năm 2018

Ngày 7/4, tại Cần Thơ, Ban thường vụ Trung ương Đoàn khóa 11 tổ chức Hội nghị lần thứ 2, thảo luận 5 đề án quan trọng của tổ chức Đoàn giai đoạn 2018 - 2022.

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn phát biểu.

Đó là dự thảo đề án các giải pháp thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thanh thiếu nhi; sửa đổi bổ sung Quy chế thi đua khen thưởng của Đoàn; dự thảo đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường, tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên.

Chị Vũ Thị Giáng Hương, Trưởng Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị Trung ương Đoàn cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI với việc xác định phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” là một trong 3 phong trào hành động cách mạng phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn ban hành kết luận về các giải pháp thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thanh thiếu nhi. Nội dung chính là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tạo môi trường để thanh thiếu nhi phát huy phẩm chất sáng tạo. Đồng thời, thanh thiếu nhi có trách nhiệm và quyền lợi được phát huy phẩm chất sáng tạo để tạo dựng tương lai cho bản thân, gia đình, xã hội, góp phần dựng xây đất nước.

ĐVTN ở An Giang làm công trình giao thông nông thôn.

Đối với đề án này, Ban thường vụ Trung ương Đoàn tập trung 4 giải pháp để thực hiện phong trào tuổi trẻ sáng tạo: Nâng cao nhận thức của thanh thiếu nhi về sáng tạo; Tạo môi trường cho thanh thiếu nhi phát huy phẩm chất sáng tạo; Các cấp bộ Đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh thiếu nhi phát huy phẩm chất sáng tạo trong học tập, công tác, lao động, sản xuất và đời sống và rà soát, nâng cao chất lượng các hoạt động biểu dương, tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tập thể có sản phẩm sáng tạo, sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích trong các lĩnh vực, xác định “sáng tạo” là tiêu chí quan trọng trong việc bình xét các giải thưởng do Đoàn tổ chức.

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khẳng định, việc chọn vấn đề thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong thanh thiếu nhi đã rất rõ. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, phát triển đất nước, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, khởi nghiệp sáng tạo... “Tất cả mọi thứ về không gian, điều kiện, bối cảnh đều hội tụ để chúng ta đủ điều kiện làm nhanh vấn đề này, nếu không chúng ta sẽ chậm”, anh Phong nhấn mạnh.

Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, bản thân đội ngũ, tính chất của đối tượng, đó là đặc thù, thế mạnh của chúng ta. “Nếu tuổi trẻ mà không sáng tạo nữa thì nói lực lượng nào sáng tạo đây. Chúng ta chiếm ¼ dân số, nếu ¼ dân số này mà sáng tạo tốt, hiệu quả tốt thì giá trị phát triển sẽ rất cao”, anh Phong nói. Đồng thời, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn cho rằng, sáng tạo là điểm sáng của Việt Nam trong năm 2018. “Để trở thành điểm sáng thì phải có kết quả vượt trội, có những sự chuyển biến thật sự tích cực, mang lại hiệu quả cả về mặt phong trào và cả về mặt đóng góp cho sự phát triển xã hội - anh Phong nhấn mạnh.

Dồn sức hỗ trợ thanh niên nông thôn

Anh Giàng Quốc Hưng, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai cho rằng, xu hướng nông thôn mới ở các tỉnh là có chủ trương “cho cần câu chứ không cho con cá” như trước nữa. Nhà nước đầu tư chất xám, còn lại vận động nhân dân đóng góp.? Vì thế, trong thời gian tới, Đoàn cũng cần có phương pháp khác để có hiệu quả nếu áp chỉ tiêu sẽ không khả thi. Anh Đào Chí Nghĩa, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ cho rằng, nên có chỉ tiêu về mô hình kinh tế để cán bộ Đoàn làm đầu tàu dẫn dắt thanh niên noi theo. “Các đồng chí bí thư chi đoàn ấp, đoàn xã, mỗi cán bộ đoàn làm chủ mô hình. Từ đó có tiếng nói mạnh mẽ hơn, tạo cú hích trong xây dựng nông thôn mới. Hiện nay ở Cần Thơ đang triển khai mô hình này”, anh Nghĩa cho biết. Còn chị Đinh Thị Phượng, Bí thư Tỉnh Đoàn Ninh Bình đề xuất, cần có giải pháp hỗ trợ vốn, kiến thức cho thanh niên. “Thời điểm hiện tại có mô hình nhưng đầu ra không có”, chị Phượng nói.

Anh Nguyễn Văn Vũ Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp nêu: “Cái chính là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và vận động người dân tự lực vươn lên, với sự giúp đỡ của lực lượng thanh niên. Đồng thời, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân, trong đó thanh niên đi đầu liên kết, hợp tác ứng dụng kỹ thuật. Nếu chỉ đạo có điểm nhấn sẽ tạo ra vai trò của thanh niên đối với người dân, từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới”, anh Minh nói.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn cho biết, Ban Bí thư Trung ương Đoàn triển khai 8 chỉ tiêu của nhiệm kỳ, trong đó có hỗ trợ vay vốn 10 nghìn tỷ đồng cho thanh niên làm kinh tế; giúp đỡ 1.500 hộ thanh niên nghèo thoát nghèo bền vững.

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ xây dựng ở những địa phương đã đạt chuẩn, sẽ đạt chuẩn mà còn phải duy trì được kết quả nông thôn mới ở các địa phương đã được công nhận”.

Bên cạnh đó, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn nói rằng, trong thời gian tới số tiền 10 nghìn tỷ đồng trong đề án sẽ tập trung hỗ trợ thanh niên nông thôn: “Làm sao tăng cường giúp đỡ thanh niên làm hợp tác kinh tế, vì đây là điểm nghẽn lớn nhất, hiện tại vẫn tồn tại tư tưởng manh mún. Đồng thời anh Phong nhấn mạnh, vai trò tư vấn, giúp sức giai đoạn đầu cho thanh niên là trách nhiệm của Đoàn, vì thế phải có cách làm mới”.

Hòa Hội - Kim Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/sang-tao-la-diem-sang-cua-viet-nam-trong-nam-2018-1259371.tpo