Sáng tạo khoa học từ trang sách

'Rạp chiếu phim lịch sử và sân khấu múa rối' và 'Mô hình hệ thống thiết bị cắt - băm, sấy cỏ, ngô kết hợp năng lượng mặt trời và đóng bao ủ chua làm thức ăn cho gia súc' là 2 công trình xuất sắc của HS Hà Nội.

Các công trình này đã đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 do Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức.

Sáng tạo từ tình yêu với môn Lịch sử

“Rạp chiếu phim lịch sử và sân khấu múa rối” là công trình của nhóm 5 bạn nhỏ: Nguyễn Hà Anh (lớp 5A1 Trường Tiểu học Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội), Nguyễn Chí Bách (lớp 6A3 Trường THCS Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội), Phạm Nguyên Anh (lớp 9A11), Nguyễn Khánh Huyền (lớp 8A0 Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Đống Đa, Hà Nội), Nguyễn Vũ Huy (lớp 9Z1 Trường THCS Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội).

Nói về tác phẩm, Nguyễn Khánh Huyền cho biết: “Đất nước trải qua hàng nghìn năm với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng. Để khơi gợi lòng tự hào dân tộc, ngay từ năm 1942, Bác Hồ kính yêu đã viết bài kêu gọi: “Nên biết sử ta” và bài diễn ca “Lịch sử nước ta”. Thế nhưng thời gian qua, kết quả thi hoặc khảo sát cho thấy học sinh không hào hứng học lịch sử, một số học sinh đã không còn quan tâm tới lịch sử dân tộc. Với lòng yêu đất nước, chúng em muốn tất cả trẻ em đều hiểu biết lịch sử nước mình để có cái nhìn đúng hơn về công lao của ông cha ta.

Để cung cấp kiến thức lịch sử cho thế hệ trẻ, các nhà sử học cũng đã đưa ra nhiều câu chuyện lịch sử. Truyện lịch sử có nhiều, tranh ảnh đẹp nhưng chỉ đọc một mình, không đọc chung được. Không tham gia vào việc xây dựng cốt truyện được. Hình thức đọc chưa hấp dẫn lôi cuốn trẻ em. Trong khi các bộ phim lịch sử thì thường dài hoặc nếu có ngắn gọn thì vẫn cần phải có các thiết bị đắt tiền để trình chiếu. Bởi vậy, chúng em cùng nhau thiết kế mô hình này với mong muốn giúp các bạn cùng trang lứa có những giờ học lịch sử sôi nổi, bổ ích cũng như tự tìm tòi và xây dựng các câu chuyện lịch sử”.

Bằng các chất liệu rẻ, dễ tìm, dễ sử dụng, với dụng cụ học tập này, học sinh hoàn toàn có thể tự làm các con rối theo câu chuyện để tự kể cho nhau nghe, giúp tăng thêm hiểu biết mà vẫn được vui chơi, thư giãn sau những giờ học căng thẳng, tránh việc dùng điện thoại quá nhiều. Không những thế, bộ đồ dùng này còn có thể biểu diễn rối theo các lĩnh vực khác như: Đạo đức, kỹ năng sống, khoa học, địa lý…

TS Phạm Văn Nam, Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận xét: “Chúng tôi đánh giá cao việc các em đã biết tận dụng những vật liệu sẵn có để tạo ra những sản phẩm hữu dụng, giàu tính sáng tạo, phục vụ trực tiếp việc vui chơi, học tập và giảng dạy của nhà trường”.

Học sinh thành phố sáng tạo hỗ trợ nhà nông

Với mong muốn nâng cao chất lượng thức ăn và giải phóng sức lao động cho các hộ gia đình chăn nuôi gia súc, nhóm 5 học sinh: Lê Thị Thanh Huyền (lớp 11D2), Nguyễn Quỳnh Hương Ly (lớp 12D1 Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội), Lê Minh Hiếu (lớp 9A1 Trường Tiểu học và THCS Pascal, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Trịnh Hà Phương (lớp 7A3 Trường THCS Thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Hương Minh Trang (lớp 7A2 Trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) đã nghiên cứu và chế tạo “Mô hình hệ thống thiết bị cắt - băm, sấy cỏ, ngô kết hợp năng lượng mặt trời và đóng bao ủ chua làm thức ăn cho gia súc”.

Hệ thống thiết bị này gồm 3 cụm máy chính. Cụm cắt băm bao gồm máng nạp nguyên liệu như cỏ, ngô tươi thu hoạch ngoài đồng và dao cắt băm có tốc độ quay 1.400 vòng/phút được quay bằng động cơ điện. Kích thước lát cắt khoảng 3 - 6 cm và có thể điều chỉnh để phù hợp yêu cầu ủ đối với từng đối tượng sử dụng. Cụm nhà sấy kết hợp năng lượng mặt trời bao gồm khung được thiết kế theo hình bán cầu, lợp mái tấm sáng để hấp thụ ánh sáng mặt trời một cách tốt nhất. Dưới tác dụng của hiệu ứng nhà kính, nhiệt trong nhà sấy sẽ tăng lên để sấy sản phẩm. Khi nhiệt tăng sẽ làm chênh lệch áp suất giữa trong và ngoài khiến quả cầu trên nhà quay làm cho không khí trong nhà được lưu thông, tăng nhanh tốc độ sấy sản phẩm.

Cụm phun men vi sinh, ép đóng bao ủ chua là một băng chuyền kết hợp với máy ép đóng bao và vòi phun men vi sinh. Khi độ ẩm sản phẩm trong nhà sấy nằm ở khoảng 65% - 70% sẽ được cho chạy trên băng chuyền. Tại đây, thông qua vòi phun, men vi sinh sẽ được phun và trộn đều với sản phẩm, sau đó, sản phẩm theo băng chuyền vào máy ép đóng bao. Không khí trong bao sẽ được ép hết ra ngoài để quá trình lên men chua yếm khí được diễn ra thuận lợi. Sản phẩm sau đó sẽ được chuyển vào nhà sấy để ủ và sau 21 ngày sẽ được dùng làm thức ăn cho vật nuôi.

Em Lê Thị Thanh Huyền, Trường THPT Cầu Giấy chia sẻ: “Việt Nam là nước nông nghiệp, trong đó ngành chăn nuôi có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ hộ gia đình, sử dụng kinh nghiệm cha ông để lại mà ít áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào do thiết bị đang bán ngoài thị trường chỉ phù hợp với quy mô lớn. Chính vì vậy, chúng em đã có ý tưởng chế tạo ra mô hình này quy mô nhòm nhằm nâng cao chất lượng thức ăn và giải phóng sức lao động cho người dân”.

GS.TS Đặng Kim Chi, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá mô hình này là ý tưởng mới. Các em đã ghép 3 công đoạn của quy trình công nghệ ủ chua thức ăn cho gia súc trên cùng một hệ thống, bảo đảm sản xuất khép kín theo hướng sản xuất công nghiệp. Khi không có ánh nắng mặt trời (ban đêm hoặc trời mưa), nếu mất điện, có thể mở các cửa thông gió dưới chân nhà lưới để quá trình sấy thông gió tự nhiên được thực hiện và sản phẩm không bị hỏng do chất đống. Nguyên vật liệu để chế tạo hệ thống thiết bị này có sẵn trong nước, dễ mua, dễ thiết kế, chế tạo và lắp ráp.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/sang-tao-khoa-hoc-tu-trang-sach-idadlEbMg.html