Sáng tạo, đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực và cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân

Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y (BVQY) 103 và Học viện Quân y (HVQY), 20 năm qua, cán bộ, giảng viên, nhân viên Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng (BM-KDD), BVQY 103 cũng nỗ lực vươn lên với nhiều sáng tạo đột phá, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, chăm sóc, cứu chữa, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân nhân dân.

Được hình thành từ hai đơn vị là Bộ môn Dinh dưỡng và Khoa Dinh dưỡng (Phòng Hậu cần-Kỹ thuật) BM-KDD được kế thừa truyền thống tốt đẹp của những đơn vị tiền thân. Suốt 20 năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng BM-KDD luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo các suất ăn bệnh lý cho thương bệnh bệnh và bệnh nhân điều trị tại bệnh viện với nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, như: Công thức soup qua sonde, soup carot của PGS, TS Nguyễn Thanh Chò và nhiều công trình nghiên cứu khác…

Bước vào thời kỳ mới, với chức năng và bệnh viện thực hành của HVQY, BVQY 103 có những bước phát triển mới về đào tạo, điều trị và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi từ thực tiễn. Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân khám và điều trị tại BVQY 103 ngày càng tăng. Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất về chất lượng và năng lực của các bác sĩ lâm sàng, trong suốt quá trình hoạt động, mỗi năm MB-KDD đã cung cấp gần 1,5 triệu bữa ăn, bảo đảm tuyệt đối an toàn thực phẩm. Ngoài ra, theo chương trình hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa BVQY 103 với các đơn vị bạn, BM-KDD còn tham gia hỗ trợ chuyên môn dinh dưỡng điều trị cho các đơn vị bạn như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 198, Bệnh viện Y học Cổ truyền (Bộ Công an), Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa các tỉnh: Thái Nguyên, Hòa Bình, Thái Bình…

 Các thầy thuốc hội chẩn chế độ dinh dưỡng bệnh nhân ghép tạng. Ảnh TIẾN ĐẠT.

Các thầy thuốc hội chẩn chế độ dinh dưỡng bệnh nhân ghép tạng. Ảnh TIẾN ĐẠT.

Trong sự thành công chung của BVQY 103 nói riêng, HVQY nói riêng về lĩnh vực ghép tạng, có phần đóng góp của BM-KDD. Kể từ năm 1992, thời điểm ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam được tiến hành thành công tại BVQY 103, cùng với các trung tâm, bộ môn-khoa trong bệnh viện, BM-KDD đã tham gia thực hiện thành công gần 500 ca ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép đa tạng đồng thời tụy-thận đến ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam. Với thành tựu là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công các kỹ thuật cao về ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép đa tạng tụy - thận và ghép phổi, BVQY 103 đã được vinh danh đạt kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng.

Đào tạo đại học là một trong ba nhiệm vụ chính trị trọng tâm của BM-KDD. Tuy số lượng giảng viên có hạn, song cán bộ, giảng viên của BM-KDD đã hoàn thành tốt chương trình giảng dạy thuộc chuyên khoa của mình. Với nhiệm vụ điều trị cho bộ đội và nhân dân, ngay từ những ngày đầu thành lập, mặc dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng đơn vị luôn phục vụ tốt cho công tác điều trị; tham gia huấn luyện hơn 100 lớp bác sĩ dài hạn quân-dân y, bao gồm cả học viên Lào, Campuchia, các khóa bác sĩ cử tuyển Tây Nguyên, khóa bác sĩ cơ sở...

Chương trình huấn luyện của bộ môn, khoa tăng dần theo thời gian. Đến nay BM-KDD đảm nhiệm hàng năm trên 2.000 tiết; tham gia huấn luyện ở các tuyến trong và ngoài quân đội, như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Đại học Y Hà Nội, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Đại học y tế công cộng, Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương… Mỗi giảng viên của BM-KDD hiện có số giờ giảng đạt trung bình 350 tiết/năm, kết hợp tốt giữa giảng dạy với điều trị và nghiên cứu khoa học, bảo đảm thu được hiệu quả cao nhất ở tất cả các lĩnh vực. Đội ngũ giảng viên hiện nay đều là các phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ cùng các giảng viên thỉnh giảng, kiêm nhiệm…

Đối với đào tạo sau đại học, BM-KDD đã hướng dẫn được nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, luận văn chuyên khoa II cùng hàng nghìn giờ giảng cho các bác sĩ chuyên khoa định hướng ở trong và ngoài quân đội. Cùng với đó, BM-KDD đã chủ biên “Giáo trình Dinh dưỡng lâm sàng” xuất bản năm 2008 và cuốn “Giáo trình Dinh dưỡng lâm sàng” biên tập lại lần thứ nhất năm 2017 dành cho sinh viên đại học. Ngoài ra, cán bộ, giảng viên của khoa còn tham gia viết giáo trình giảng dạy cho đối tượng cử nhân dinh dưỡng của Trường Đại học Y Hà Nội, tham gia viết sách với Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai…

Công tác nghiên cứu khoa học luôn được BM-KDD chú trọng và tiến hành thường xuyên, coi nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thông qua nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề của thực tiễn, nâng cao trình độ và kỹ năng của cán bộ, giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển kỹ thuật công nghệ. Đến nay, BM-KDD đã chủ trì được Đề tài độc lập cấp Nhà nước và Đề tài nhánh cấp Nhà nước, chủ trì và tham gia nhiều đề tài cấp Bộ Quốc phòng, đề tài cấp cơ sở, cùng hằng trăm bài báo đăng trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài quân đội.

Để có được thành quả đó, cấp ủy, chỉ huy đơn vị nói chung, các thế hệ cán bộ, giảng viên BM-KDD nói riêng luôn đặc biệt quan tâm xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, coi đây là điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm. Cán bộ, đảng viên, giảng viên, nhân viên của BM-KDD luôn quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà thường xuyên, trực tiếp là Nghị quyết của Đảng ủy BVQY 103, Đảng ủy HVQY. Với nhiệt huyết cách mạng, tinh thần yêu nghề, quyết tâm cao độ, các chiến sĩ áo trắng BM-KDD luôn khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất; xây dựng, gìn giữ và phát huy phẩm chất, truyền thống đạo đức của người thầy thuốc chiến sĩ trên mặt trận cứu người, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân.

Chỉ huy Bộ môn - Khoa Dinh dưỡng khám cho bệnh nhân.

Hiện nay, dinh dưỡng lâm sàng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chẩn đoán và điều trị tại tất cả bệnh viện và các cơ sở khám và chữa bệnh trong toàn quốc. Dinh dưỡng điều trị đã trở thành cấu phần bắt buộc trong mô hình điều trị toàn diện. Đặc biệt, một số bệnh lý chỉ có thể điều trị khi có sự tham gia của chế độ dinh dưỡng bệnh lý đặc thù, như trong tổn thương hệ tiêu hóa, gan, thận, một số bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Vì thế việc xây dựng, phát triển về khoa học dinh dưỡng, đào tạo ra các thầy thuốc, các chuyên gia về dinh dưỡng để góp phần bảo đảm dinh dưỡng ngày càng tốt hơn trong cứu chữa, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là yêu cầu rất quan trọng.

Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên, phát huy truyền thống 20 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, những năm tới, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên BM-KDD sẽ không ngừng nỗ lực, sáng tạo vươn lên xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng theo mục tiêu của BVQY 103 và HVQY; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các sản phẩm chăm sóc hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân; tăng cường quan hệ mở rộng hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài quân đội theo quy chế của HVQY, xác định các mũi nhọn và các khâu đột phá trong, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ các mặt công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trong thời kỳ mới.

Thượng tá, TS PHẠM ĐỨC MINH, Chủ nhiệm Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 103

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sang-tao-dot-pha-trong-dao-tao-nguon-nhan-luc-va-cuu-chua-cham-soc-benh-nhan-626891