Sáng tạo để giảm sức người trên thao trường

Phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong LLVT tỉnh được Bộ CHQS tỉnh phát động đã tạo động lực cho cán bộ, chiến sĩ tích cực nghiên cứu, tìm tòi. Từ đó, nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được ứng dụng hiệu quả vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Cán bộ, chiến sĩ tham gia Hội thi “Mô hình học cụ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ huấn luyện” năm 2018 do Bộ CHQS tỉnh tổ chức.

Cán bộ, chiến sĩ tham gia Hội thi “Mô hình học cụ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ huấn luyện” năm 2018 do Bộ CHQS tỉnh tổ chức.

XUẤT PHÁT TỪ THỰC TIỄN

Trước đây, để tượng trưng hỏa lực trực tiếp của địch trên thao trường, các đơn vị tổ chức huấn luyện chiến thuật phải sử dụng mõ quay bằng tay và dùng nhiều người để quay tại các vị trí khác nhau, ảnh hưởng đến quân số huấn luyện. Mõ quay bằng tay lại không phát ra ánh sáng nên khi huấn luyện vào ban đêm có thể làm hạn chế khả năng quan sát của các chiến sĩ, nhất là tình huống quân ta đánh địch co cụm. Trước thực tế đó, nhóm cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Long Điền đã nung nấu ý tưởng cải tiến mõ quay tay bằng mõ quay điện tự động có điều khiển từ xa để phục vụ huấn luyện.

Mõ quay gồm 1 hộp chứa trong suốt, 1 công tắc điện, 1 thanh liên kết, 1 bóng đèn tạo sáng cùng bộ phận thu tín hiệu từ bảng điều khiển từ xa. Mô hình sử dụng pin sạc, khi hết pin dùng cáp sạc nguồn điện 220V-50Hz. Khi huấn luyện, chỉ cần bấm các nút trên bộ điều khiển từ xa sẽ tác động tới bộ phận thu tín hiệu tạo mô tơ quay và làm cho trục quay chuyển động phát ra ánh sáng hoặc có gắn mấu lẫy đập vào cần bật lên xuống tác động vào bộ phận mõ gây tiếng động. Tiếng động dài, ngắn tùy theo ý định của người điều khiển, phù hợp với ý đồ huấn luyện chiến thuật, đồng thời tạo nên ánh sáng ngắt quãng thể hiện ánh chớp đầu nòng của các loại súng bộ binh dùng để huấn luyện ban đêm. Một bộ điều khiển từ xa cùng lúc có thể điều khiển từ 3-5 mõ quay ở vị trí tối đa 100m, giúp giảm số người phục vụ mà vẫn đáp ứng tốt nhu cầu huấn luyện.

Tương tự, trong huấn luyện chuyên ngành pháo binh những năm trước đây, một khẩu đội pháo phải cần ít nhất 2 chiến sĩ đảm nhận nhiệm vụ mang đầy đủ các loại thiết bị phục vụ huấn luyện. Các vật chất bị chia nhỏ lẻ cũng làm cho các chiến sĩ mất thời gian tìm kiếm, lại dễ thất lạc, mất mát. Để tiết kiệm thời gian, công sức tìm kiếm và hạn chế mất mát, Trung úy Trần Quý Hải, Đại đội pháo binh 34 - Bộ CHQS tỉnh đã sáng chế ra “Hòm phụ tùng thu gọn” để thay thế các hòm vật chất cũ. Cấu tạo hòm gồm 1 thùng lớn, kích thước 55x25x31cm, chia làm 3 ngăn, mỗi ngăn chia làm 4 khay nhỏ nhằm chứa tất cả thiết bị huấn luyện của một khẩu đội vào một hòm duy nhất.

Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của LLVT tỉnh nghiên cứu trong những năm qua. Còn rất nhiều ý tưởng khác xuất phát từ thực tế công tác cũng đã được cán bộ, chiến sĩ tích cực nghiên cứu, cho ra đời và áp dụng vào thực tế thành công. Những sáng kiến ấy nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai. Thậm chí, nhiều nút thắt trong bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đã được giải quyết, góp phần tiết kiệm đáng kể công sức, vật tư, kinh phí, nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương trong tình hình mới một cách thiết thực và hiệu quả.

KHUYẾN KHÍCH CÁC HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO

Theo Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, xác định một trong những giải pháp đột phá thực hiện công tác kỹ thuật và hoàn thành các chỉ tiêu, nội dung của Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” chính là đẩy mạnh sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh đã phát động sâu rộng phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang thiết bị kỹ thuật.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên khuyến khích cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, cải tiến các mô hình học cụ sẵn có phù hợp với điều kiện huấn luyện, đối tượng, địa hình và khả năng cơ động tác chiến của LLVT địa phương. Đồng thời quan tâm, tạo điều kiện để các sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác của cơ quan, đơn vị. Chất lượng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ngày càng được nâng lên và đáp ứng được các tiêu chí đa dạng về chủng loại, dễ sử dụng, có tính ứng dụng cao trong thực tế, đem lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương, đặc biệt là phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy trong LLVT tỉnh.

“Trước yêu cầu ngày càng cao về nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh và phát động sâu rộng phong trào sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chú trọng những sáng kiến có tính ứng dụng cao, phục vụ kịp thời, hiệu quả sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của LLVT tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Đại tá Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202010/sang-tao-de-giam-suc-nguoi-tren-thao-truong-912164/