Sáng tạo cũng cần có giới hạn

Thời gian gần đây, thị trường âm nhạc Việt Nam xuất hiện một số vi-đê-ô ca nhạc của các ca sĩ trẻ khai thác nội dung chất liệu từ các câu chuyện cổ tích hoặc các tác phẩm văn học hiện đại của Việt Nam.

Những nhân vật văn học quen thuộc như Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài; lão Hạc và con chó Vàng trong tác phẩm Lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở trong truyện Chí Phèo của nhà văn Nam Cao; chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố; Cám trong truyện cổ tích Tấm Cám… đã bước vào các vi-đê-ô ca nhạc với những góc độ mới lạ, mầu sắc rực rỡ, thậm chí mang thân phận và số phận khác hoàn toàn so với phiên bản văn học. Mị trong Ðể Mị nói cho mà nghe không còn là hình tượng người phụ nữ trẻ vùng cao lầm lũi, cam chịu, mà lại có ngoại hình vui tươi, trẻ trung, sống đúng tuổi thanh xuân của mình. Nhân vật Cám trong Anh ơi ở lại được thể hiện qua góc nhìn nhân văn, cảm thông, đáng thương hơn là đáng trách…

Các tình tiết cao trào dẫn đến những bi kịch trong tác phẩm văn học cũng được làm cho nhẹ nhõm và mềm mại hơn rất nhiều trong các vi-đê-ô ca nhạc.

Các vi-đê-ô ca nhạc này đã nhanh chóng được giới trẻ đón nhận và trở thành hiện tượng trên YouTube với hàng triệu lượt người xem. Mang lại cái nhìn mới mẻ, khác với hình dung quen thuộc về các nhân vật trong tác phẩm văn học, Ðể Mị nói cho mà nghe, Anh ơi ở lại… khiến giới trẻ tò mò, thấy mình như được khám phá, được tiếp cận nhiều chiều và đỡ khô cứng hơn. Nhiều khán giả trẻ bày tỏ sự ủng hộ cách giải quyết tình huống thoáng mở, không gò bó, và đầy bi kịch như trong tác phẩm văn học nguyên gốc. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản đối cho rằng Mị, Cám… trong các vi-đê-ô ca nhạc không còn là nhân vật văn học trong tác phẩm gốc, không phản ánh được số phận của nhân vật gắn với giai cấp của mình. Việc làm mới khiến nhân vật bị tách rời khỏi bối cảnh tác phẩm và đời sống nhân vật, do vậy những ý nghĩa nhân bản, những giá trị xã hội vốn làm nên giá trị cho tác phẩm, nhân vật bị lu mờ. Chưa kể nguy cơ của việc lạm dụng này còn dễ khiến nhiều bạn trẻ nhầm tưởng số phận nhân vật trong các vi-đê-ô ca nhạc và tác phẩm văn học là một.

Trong nghệ thuật, cái cần nhất là tính sáng tạo; với người trẻ, thì điều này càng cần thiết và luôn được khuyến khích. Xưa nay, việc "cải biên" các tác phẩm nghệ thuật từ thể loại này sang thể loại khác là điều bình thường. Thực tế, có nhiều tác phẩm văn học kinh điển đã được chuyển thể sang các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, kịch, truyền hình, điện ảnh...

Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài đã được dàn dựng dưới phiên bản nhạc kịch, gây được tiếng vang. Tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được chuyển thể sang cải lương, chèo, ca trù... Sự sáng tạo này giúp khán giả có thêm cách tiếp cận với nhân vật, tác phẩm qua các kênh nghệ thuật khác nhau, mang lại những cách thưởng thức đa chiều thú vị. Vì vậy đưa các nhân vật văn học vào các sản phẩm âm nhạc mang tính giải trí là một hướng đi sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh giá trị nghệ thuật thì các tác phẩm văn học còn mang giá trị hiện thực, phản ánh thực trạng đời sống, xã hội, hoàn cảnh, số phận con người trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Hiện các sản phẩm âm nhạc "cải biên" phần lớn mang tính giải trí, các nhân vật được tái tạo mang phong cách sống động, vui tươi, nhí nhảnh của giới trẻ hiện nay. Các nhạc sĩ, ca sĩ có thể dựa trên chất liệu văn học để sáng tác theo cách tư duy và xu hướng của giới trẻ, thế nhưng, họ không được quên hoặc đi quá xa so với nội dung tác phẩm và tính cách nhân vật ở tác phẩm văn học nguyên gốc. Có thể khai thác khía cạnh "con người" ở các nhân vật văn học trước đây vốn bị mặc định là người xấu như Cám, mụ dì ghẻ, Hoạn Thư…; hoặc góc khuất của các nhân vật được mặc định là "chính diện" như Tấm, nhà vua, hoàng tử…

Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó, nếu trong phiên bản âm nhạc, Hoạn Thư được đẩy lên thành "tri kỷ của Thúy Kiều" như nhà sản xuất từng chia sẻ thì sẽ làm méo mó, sai lệch đi bản chất nhân vật. Vì thế, các nhà sản xuất âm nhạc cần có trách nhiệm định hướng khi phát hành sản phẩm đến khán, thính giả như: có dẫn giải, chú thích rõ ràng về giá trị và nội dung của các phiên bản cải biên, chuyển thể, viết mới…

Các cơ quan quản lý cần có sự giám sát, cảnh báo về nội dung trong các vi-đê-ô ca nhạc kiểu này để sự sáng tạo không vượt quá giới hạn, trở thành nhảm, gây phản cảm.

NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40782902-sang-tao-cung-can-co-gioi-han.html