Sáng tạo cá nhân và tiêu chuẩn cộng đồng

Những ồn ào xoay quanh phim 'Vị' lại được đẩy lên. Đạo diễn và nhà sản xuất của phim này đã từ bỏ các quyền liên quan để phim lấy quốc tịch Singapore và tiếp tục tham dự LHP Busan. Kéo theo đó là cuộc trao đổi trực tuyến có tên 'Ai góp ý giơ tay lên' của các nhà làm phim, các đạo diễn xoay quanh việc góp ý các sửa đổi cho dự thảo Luật Điện ảnh.

Có thể nói, các ý kiến trong "Ai góp ý giơ tay lên" là tương đối tiến bộ, cởi mở, văn minh nhưng nó cũng để lại một cảm giác dễ lầm lẫn rằng các nhà làm phim đang muốn chống lại Dự thảo Luật điện ảnh và chống lại kiểm duyệt. Đặc biệt là khi họ dấy lên thông điệp "luồng xanh cho phim độc lập" với những yêu cầu cơ bản mà nổi trội nhất là: 1) thành lập 1 hội đồng duyệt phim riêng, phi lợi nhuận, không chịu sự quản lý nhà nước và 2) sẵn sàng cấp visa cho phim đi dự các Liên hoan Phim quốc tế ngay cả khi phim chưa hoàn tất kiểm duyệt.

Có vẻ nghệ sỹ đã ngây thơ về quản trị nhà nước cũng như về việc chấp pháp khi đưa ra những ý kiến này. Không có quốc gia nào lại chấp nhận chuyện có một hội đồng kiểm duyệt không nằm dưới sự quản lý nhà nước. Cũng không hề có quốc gia nào không tồn tại hệ thống kiểm duyệt Nhà nước. Điểm khác nhau chỉ là mức độ kiểm duyệt và đạo đức cá nhân trong hội đồng kiểm duyệt mà thôi.

Với quan điểm "Phim độc lập là nơi tiếng nói tác giả được tuyệt đối tôn vinh" mà một đạo diễn có tiếng đưa ra, dường như các nghệ sỹ đang có một chút mơ hồ về cái tôi riêng và các tiêu chuẩn cộng đồng. Tiếng nói tác giả đúng là cần được nâng niu, được tôn trọng nhưng mức độ tuyệt đối thì không thể. Khi công bố ra cộng đồng, chắc chắn tồn tại một sự phó mặc để các cá nhân trong cộng đồng ấy có quyết định tiếp cận tác phẩm hay không. Sẽ là hỗn loạn nếu không có một bên thứ 3 tham gia vào quá trình tạo ra tham khảo quyết định này. Kiểm duyệt nhà nước tồn tại vì chính cái quá trình tư vấn cho cộng đồng có nên quyết định tiếp cận một cái tôi riêng của một cá nhân tác giả hay không. Quản lý nhà nước nào buộc phải lường trước những phản ứng và hệ quả của việc có thể tạo ra các chấn động tiêu cực trong cộng đồng ấy.

Nghệ sỹ có suy nghĩ khác, có cảnh giới khác người bình thường nên sáng tạo của họ nhiều khi rất khác thường. Ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực, nghệ sỹ sáng tạo không đo lường được bởi định kiến chủ quan và hơn nữa là tình yêu dành cho tác phẩm của mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu một cảnh nude bị cả cộng đồng đánh giá là tục tĩu? Nếu không kiểm duyệt, việc phát hành đại chúng phim như thế sẽ khiến cộng đồng đặt dấu hỏi nghi ngờ về năng lực quản trị của Nhà nước ngay lập tức.

Sáng tạo của nghệ sỹ cần được tôn trọng nhưng tiếp cận đại chúng lại đòi hỏi nghệ sỹ phải có trách nhiệm xã hội. Khi nghệ sỹ đòi hỏi Nhà nước phải bảo vệ toàn vẹn quyền sáng tạo riêng của mình, họ có nghĩ đến chuyện cộng đồng cũng có quyền đòi hỏi toàn vẹn quyền không bị vấy bẩn nhãn quan của họ sau khi xem phải một tác phẩm mà họ cho là dung tục hay không?

Vẫn biết, duyệt phim ở Việt Nam vẫn tồn đọng nhiều vấn đề khúc mắc nhưng cũng không thể vì thế mà đòi hỏi một hệ thống kiểm duyệt có cũng như không. Dung hòa được giữa cái tôi sáng tạo với các tiêu chuẩn cộng đồng thực chất phải là nghĩa vụ của nghệ sỹ chứ không phải nghĩa vụ của cơ quan kiểm duyệt. Còn nếu đặt ra câu hỏi tại sao ở nước khác phim có thể được duyệt thì có lẽ chúng ta nên tự tìm câu trả lời cho câu hỏi "Văn hóa Việt khác văn hóa nước ngoài ở những điểm nào?" cái đã.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/sang-tao-ca-nhan-va-tieu-chuan-cong-dong-i631445/