Sáng tạo- bảo vệ môi trường

Cuộc thi Sản phẩm cải tiến theo phương pháp giáo dục hành động thuộc Dự án WINDY cấp thành phố năm học 2019-2020 (cuộc thi) do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ tổ chức trung tuần tháng 1-2020, thu hút 209 sản phẩm của thầy, trò các trường phổ thông. Sự kiện không chỉ truyền tải thông điệp chung tay bảo vệ môi trường, mà còn giúp học sinh phát huy tinh thần sáng tạo.

Sản phẩm “Tranh tĩnh vật từ vỏ trứng và giấy” của Ngô Thị Ngọc Hân, học sinh Trường THPT Giai Xuân đạt giải Nhì Cuộc thi.

Ngô Thị Ngọc Hân, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Giai Xuân (huyện Phong Điền), đạt giải Nhì cuộc thi với sản phẩm “Tranh tĩnh vật từ vỏ trứng và giấy”, ở chủ đề “Cùng nhau hợp tác bảo vệ môi trường”. Ngọc Hân cho biết: “Ý tưởng sản phẩm bắt đầu từ việc em được cô giáo môn Mỹ thuật hướng dẫn thực hiện một bức tranh xé dán lúc em học lớp 9, vừa đẹp vừa tận dụng giấy vụn làm tranh ảnh”.

Những mảnh ghép của bức tranh đoạt giải lần này của Ngọc Hân được làm từ vỏ trứng, đẹp mắt, màu sắc sinh động, tạo cảm giác dễ chịu. Khoảng một tháng trước khi diễn ra cuộc thi, Hân vừa tập trung hoàn thành tốt đợt thi học kỳ I, vừa tranh thủ làm sản phẩm. Thu thập tạp chí cũ, các vỏ trứng để rửa sạch vỏ, phơi khô, nướng để vỏ trứng có màu nâu đen tự nhiên, rồi làm nhỏ... Sau đó, Hân phác họa bức tranh tĩnh vật trên khổ giấy A3; lấp đầy vỏ trứng trên bề mặt giấy A3 theo phác họa và cố định bằng nước sơn (loại sơn móng tay). Hân tiếp tục lựa chọn các màu sắc trên tạp chí cho phù hợp và xé dán vào các phần còn lại của bức tranh bằng keo dán giấy; rồi dùng khung treo để trang trí bức tranh. Hân chia sẻ: “Bức tranh này em trưng bày ở góc học tập. Sắp tới, em sẽ đa dạng thêm các chủ đề của tranh vẽ như về sơ đồ tư duy, tranh chân dung nhà khoa học…”.

Sản phẩm Mô hình Học giới từ trong tiếng Anh và Passé Compossé trong tiếng Pháp của Võ Trọng Tính và Trịnh Đình Phát (học sinh lớp 12, Trường THPT Thới Long) cũng khá ấn tượng tại cuộc thi, bởi có 2 bản thuyết minh: tiếng Việt và tiếng Anh. Đó là mô hình ngôi nhà đa sắc làm từ tấm xốp, giấy bìa cứng, gỗ vụn, chai nhựa; bên trong ngôi nhà có đầy đủ tiện nghi, bao bọc xung quanh là hàng rào bằng ống hút nhựa. Mỗi vị trí của ngôi nhà đều được gắn tờ giấy viết bằng tiếng Anh. Võ Trọng Tính cho biết: “Từ nhu cầu bổ sung các đồ dùng học tập trực quan, chúng em kết hợp ý tưởng tái chế các vật liệu hiện có tại trường, để tạo ra sản phẩm”.

209 sản phẩm của thầy trò ở 96 trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố tham gia cuộc thi, tập trung lĩnh vực bảo vệ môi trường theo 3 chuyên đề: tạo môi trường lành mạnh và thoải mái; cùng nhau hợp tác bảo vệ môi trường; sống vui tươi thân thiện. Nổi bật có “Bộ bàn ghế tái chế bằng chai nhựa” của em Trần Lan Anh (học sinh Trường THCS Trường Thành 1, đạt giải Nhất); “Bộ chữ cái đa ứng dụng” của em Mã Thị Thi Thơ (học sinh Trường THCS Thạnh Mỹ); “Thùng rác văn phòng” của em Nguyễn Thị Bích Hân (học sinh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng)… Cuộc thi đã giúp học sinh trưởng thành hơn trong học tập, rèn tư duy độc lập. Em Nguyễn Quốc Lợi, học sinh lớp 12 Trường THPT Giai Xuân, cho biết: “Sản phẩm của em là bản đồ Việt Nam làm từ nút chai nhựa. Do bị lỗi kỹ thuật nên sản phẩm không đạt giải, nhưng em sẽ cố gắng hơn ở cuộc thi sau”. Theo Lợi, việc tận dụng vật liệu bỏ đi để sáng tạo ra sản phẩm rất ý nghĩa, vì vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp em có thêm kiến thức lịch sử, địa lý. “Cuộc thi giúp em biết làm việc nhóm, tự tin nhiều hơn trong giao tiếp”, Lợi chia sẻ.

****

Cuộc thi Sản phẩm cải tiến theo phương pháp giáo dục hành động thuộc Dự án WINDY cấp thành phố ứng dụng nguyên lý giáo dục hành động và hợp tác, có sự tham gia của cộng đồng, với mục đích hướng học sinh chủ động bảo vệ môi trường sống bền vững. Theo thầy Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, chương trình WINDY đã giúp học sinh hình thành kỹ năng sống, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của đổi mới phương pháp dạy và học theo định hướng phát triển năng lực người học. Việc ứng dụng phương pháp giáo dục hành động vào các hoạt động giáo dục ở trường trung học đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng các hoạt động này ở khối trường trung học và triển khai đến các trường tiểu học, mầm non.

Phương pháp giáo dục hành động theo Dự án WINDY đã được Sở GD&ĐT TP Cần Thơ thực hiện mở rộng đến tất cả 101 trường trung học công lập, ngoài công lập; với trên 33.000 học sinh và 2.276 giáo viên tham gia. Nhiều sáng kiến cải tiến của học sinh, giáo viên mang lại hiệu quả thiết thực trong bảo vệ môi trường, trong đổi mới dạy và học.

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/sang-tao-bao-ve-moi-truong-a117436.html