Sáng rõ thêm giá trị Hoàng thành Thăng Long

Mặc dù đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 2010, nhưng rất nhiều bí ẩn của Hoàng thành Thăng Long còn nằm trong lòng đất. Các cuộc khảo cổ liên tục được tiến hành trong những năm qua, sau mỗi năm lại có thêm những 'mảnh ghép' nhỏ để chúng ta hình dung rõ hơn về không gian, kiến trúc, cảnh quan và những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của Hoàng thành Thăng Long. Đợt khảo cổ năm 2019 vừa qua đã cho các nhà khoa học một 'mảnh ghép' đặc biệt.

Nhiều phát hiện mới

Mỗi năm, Viện Khảo cổ học phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội khai quật làm rõ giá trị Hoàng thành Thăng long. Các đợt khai quật trước đây chủ yếu tập trung tại khu vực phía nam thềm Điện Kính Thiên đã bước đầu cung cấp cho các nhà khoa học thông tin về bố cục không gian của sân thiết triều, nhất là thời Lê sơ, Lê trung hưng. Tuy nhiên, không gian Hoàng thành Thăng Long còn rất rộng, hiểu biết về khu vực phía sau Điện Kính Thiên chỉ mới hé mở thông qua cuộc khai quật năm 2018. Bởi vậy trong đợt khai quật khảo cổ học năm 2019, các nhà khoa học đã tiếp tục mở rộng khám phá tại khu vực phía đông bắc, tức khu vực phía sau Điện Kính Thiên.

Trên diện tích khai quật 990 m2, các nhà khoa học đã tìm thấy các địa tầng văn hóa chồng lấp nhau qua các thời kỳ Tiền Thăng Long (khi còn là thành Đại La), rồi đến các thời Lý, Trần, Lê, Lê trung hưng, Nguyễn. Tại khu vực này, dấu tích kiến trúc thời Lý tương đối mờ nhạt, đáng chú ý là mào một đầu rồng cỡ lớn, có thể thuộc về một công trình kiến trúc trong khu vực. Thời Trần xuất hiện dày đặc hơn, song, chỉ nhận rõ được một dấu tích kiến trúc có ống nước tròn, số dấu tích còn lại quá ít, không thể nhận rõ được quy mô. Những phát hiện nổi bật nhất thuộc về thời Đại La. Các nhà khoa học xác định được một đoạn cống nước xây bằng gạch khá công phu chạy theo hướng bắc nam.

Các phát hiện khảo cổ về thời Lê sơ, Lê trung hưng đem lại nhiều thông tin khoa học quý. Thời Lê sơ có dấu tích bó nền mầu gạch đỏ và dấu tích dải nền trang trí hoa chanh được gia cố rất cẩn thận. Kiến trúc móng cột là kiến trúc kiểu hành lang, tương tự dấu tích của kiến trúc hành lang ở phía Tây Đoan Môn đã phát hiện vào năm 2013-2014. Điều này gợi ý về không gian kiến trúc chính Điện Kính Thiên thời Lê sơ có phần thu hẹp lại so với phần phía trước.

Thời Lê trung hưng có tổ hợp kiến trúc có móng cột lớn. Các nhà khoa học dự đoán có khả năng là kiến trúc năm gian, hai chái nằm trên trục Ngự đạo thẳng tới Đoan Môn - Kính Thiên. Có thể đây là kiến trúc “cổng” của một khu cung điện khác trong khu vực trung tâm. Ngoài ra, còn xác định được hồ ao, đường đi, và những ô bó gạch được các nhà khoa học nhận định có thể là những bồn hoa trang trí của Hoàng thành Thăng Long xưa. Các dấu tích đều cho thấy nơi đây từng tồn tại những công trình thổ mộc lớn.

Làm rõ thêm diện mạo Hoàng thành Thăng Long

Kết quả mỗi đợt khai quật giống như những mảnh ghép giúp chúng ta hiểu rõ hơn về không gian, kiến trúc và các giá trị văn hóa, lịch sử của Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ. Trong đó, không gian thời Lê sơ, Lê trung hưng đang dần được hình dung một cách rõ nét hơn. Khu vực phía trước Điện Kính Thiên, các nhà khoa học đã bước đầu xác định được quy mô và cách tổ chức không gian của sân thiết triều. Tuy nhiên, nơi làm việc của các vị vua thời kỳ này vẫn là ẩn số. TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Nội cho biết: “Theo thư tịch cổ và bản đồ cổ, sau khu chính điện Kính Thiên là khu điện Cần Chánh. Vậy nếu đúng dấu tích kiến trúc tìm được tại khu vực này là kiến trúc cổng thì đây là di tích đánh dấu sự bắt đầu của khu vực kiến trúc quan trọng thứ hai trên trục trung tâm: Đó là khu vực Điện Cần Chánh, nơi làm việc của Hoàng đế và triều đình Lê trung hưng. Kết quả khai quật lần này cũng cho biết thêm nhiều tư liệu về di vật (gỗ, gốm, sứ...), các loại vật liệu kiến trúc gắn liền Hoàng cung”. Nhiều nhà khoa học cũng nhất trí với nhận định này và đánh giá cao phát hiện về không gian làm việc của Hoàng đế.

Đối với hệ thống đường đi, hồ nước và bồn hoa, TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành đánh giá: “Phát hiện mới về dấu tích kiến trúc sân vườn thời Lê trung hưng là phát hiện quan trọng, minh chứng rõ hơn về trình độ quy hoạch không gian và cảnh quan sân vườn của các công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long. Theo sử cũ, trong Hoàng cung Thăng Long có các Ngự viên, nhưng không có những mô tả cụ thể. Phát hiện này gợi cho chúng ta nhiều điều thú vị khi nhận diện và luận bàn về kiến trúc cảnh quan trong chốn Hoàng cung Thăng Long xưa”. TS Bùi Minh Trí cũng cho biết, phát hiện về cống nước lớn thời Đại La nằm sâu dưới lòng đất cùng các loại di vật (ngói) thời Đinh - Tiền Lê ở hố khai quật đã góp phần khẳng định và làm rõ hơn về ghi chép trong Chiếu dời đô của Vua Lý Công Uẩn khi ông lựa chọn xây dựng Kinh đô Thăng Long ở đúng vị trí thành Đại La cũ.

Những kết quả khai quật này tiếp tục hé mở thông tin, và cần được đẩy mạnh nghiên cứu. Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc… và nhiều chuyên gia khác đề nghị trong năm 2020 nên mở rộng khai quật hố khai quật hiện tại sang phía nam, bởi theo lịch sử ghi chép, khu vực này còn có các cung điện khác, cần được làm rõ, nhất là các cung điện thời Lý; đồng thời, có thể làm rõ hơn không gian Điện Cần Chánh thời Lê trung hưng như dự báo. Đồng thời, nhiều nhà khoa học cũng đề xuất thêm nhiều giải pháp để tiếp tục công tác nghiên cứu, tiến tới phục dựng Điện Kính Thiên; cũng như để thống nhất công tác quản lý, phục vụ tốt hơn cho nghiên cứu, phát huy giá trị di sản.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44063902-sang-ro-them-gia-tri-hoang-thanh-thang-long.html