Sáng rõ lý luận và thực tiễn hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội

LTS: Tại Hội thảo khoa học 'Tổng cục Chính trị-75 năm với sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam' do Tổng cục Chính trị (TCCT) tổ chức, các ý kiến phát biểu và tham luận gửi tới hội thảo đã làm rõ hơn quá trình ra đời, phát triển của TCCT gắn với hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) qua các giai đoạn cách mạng; đồng thời làm sáng rõ lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm về hoạt động CTĐ, CTCT trong quân đội qua các thời kỳ lịch sử. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu một số ý kiến phát biểu và tham luận gửi tới hội thảo.

Nguyên Tổng Bí thư LÊ KHẢ PHIÊU, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: Kiên định, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng

75 năm qua, TCCT đã làm tròn sứ mệnh chính trị vẻ vang, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị-cơ sở quan trọng hàng đầu để nâng cao sức mạnh chiến đấu, làm cho Quân đội ta trở thành quân đội bách chiến, bách thắng. Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, Quân đội ta luôn mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; luôn kiên định, tuyệt đối trung thành, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội.

 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Với chức năng, nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo chiến lược về CTĐ, CTCT, cùng với nâng cao hiệu lực, hiệu quả CTĐ, CTCT, trong các nhiệm vụ và thực hiện các mặt công tác khác, việc kiên định, đấu tranh bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội luôn được TCCT chỉ đạo sát sao, bằng những giải pháp căn cơ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng được quan tâm đúng mức; qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng; củng cố lòng tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Đồng thời, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực này; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Vận dụng sáng tạo, linh hoạt những kinh nghiệm trong 75 năm qua trong bảo vệ, kiên định giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, TCCT tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị toàn quân thực hiện tốt các giải pháp: Tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng và mỗi cán bộ, chiến sĩ về tầm quan trọng, tính chất, nội dung của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội, nhất là trên mặt trận tư tưởng, lý luận; xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong quân đội đối với nhiệm vụ đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận.

Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, sự quản lý điều hành tập trung, thống nhất của chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp trong bảo vệ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, dự báo âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận; chủ động giải quyết các vấn đề mới nảy sinh, không để bị động, bất ngờ về tư tưởng trong mọi tình huống. Xác định đúng, trúng nội dung và sử dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Thượng tướng PHẠM THANH NGÂN, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: Kinh nghiệm công tác tham mưu, chỉ đạo chiến lược về CTĐ, CTCT

Suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cũng là 75 năm TCCT thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo hoạt động CTĐ, CTCT, làm cho CTĐ, CTCT thực sự trở thành “linh hồn, mạch sống”, vũ khí tinh thần sắc bén của Quân đội ta.

Hoạt động CTĐ, CTCT luôn giữ vai trò trọng yếu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả đường lối, quan điểm của Đảng và những lời dạy của Bác Hồ. Lịch sử CTĐ, CTCT gắn liền với lịch sử chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta. 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của QĐND Việt Nam và TCCT đã để lại những kinh nghiệm quý trong tham mưu, chỉ đạo tiến hành các hoạt động CTĐ, CTCT.

Thượng tướng Phạm Thanh Ngân. Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY

Thứ nhất là thường xuyên quán triệt sâu sắc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng. Thực tế cho thấy, nhờ làm tốt điều này nên chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo tiến hành CTĐ, CTCT trong quân đội không ngừng được nâng cao, làm cho hệ tư tưởng của giai cấp công nhân trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị tinh thần của quân đội, vũ khí sắc bén chống lại sự tấn công về chính trị bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Thứ hai, tích cực tham gia hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đây vừa là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, vừa là nhu cầu tự thân của TCCT. Quá trình nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế phải kiên định mục tiêu có tính nguyên tắc: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chi bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ, nắm chắc cán bộ, phát huy đầy đủ trách nhiệm của cá nhân trước tập thể. Thứ ba, tham mưu xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thực hiện tốt điều đó là cơ sở để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bảo đảm cho Đảng bộ Quân đội có đủ bản lĩnh, trí tuệ lãnh đạo toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Cùng với đó, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động CTĐ, CTCT. Trong tình hình hiện nay, bài học kinh nghiệm này cần phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phát triển lên tầm cao mới. Một kinh nghiệm nữa cần phát huy, đó là chú trọng nghiên cứu tổng kết thực tiễn, đúc rút thành những quan điểm, lý luận để chỉ đạo hoạt động CTĐ, CTCT trong toàn quân.

Trung tướng, TS LÊ HUY VỊNH, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân: Xây dựng ý chí chiến đấu, quyết tâm giành thắng lợi

Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta, truyền thống “đánh thắng trận đầu” luôn được trao truyền, phát huy từ các đơn vị cho đến các quân chủng, binh chủng, các lực lượng thành lập, phát triển sau này, trong đó có bộ đội Phòng không-Không quân (PK-KQ).

Chiến thắng trong những trận đầu ra quân chiến đấu để lại cho chúng ta nhiều bài học vô cùng quý giá. Trong đó, nổi bật là bài học về xây dựng ý chí chiến đấu, quyết tâm giành thắng lợi ngay từ trận đầu-một trong những yếu tố quan trọng nhất để giành chiến thắng. Sức mạnh của ý chí, quyết tâm thể hiện yếu tố quyết định của con người trong chiến tranh. Sớm nhận thức được vấn đề đó, Quân chủng PK-KQ luôn coi trọng việc xây dựng ý chí, quyết tâm dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng ngay từ trận đầu.

Trung tướng, TS Lê Huy Vịnh.

Xây dựng ý chí, quyết tâm chiến đấu cao luôn là vấn đề cơ bản, là cơ sở vững chắc để hoàn thành các nhiệm vụ chiến đấu. Ý chí, quyết tâm chiến đấu của bộ đội PK-KQ thể hiện tập trung ở việc tích cực, chủ động tiến công địch, bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ, bảo vệ vững chắc các mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bất cứ tình huống nào. Đây là một bài học lớn, từ đó có thể rút ra một số kinh nghiệm.

Kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng là coi việc giáo dục xây dựng bản chất cách mạng, quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, gắn với chức năng nhiệm vụ của quân chủng là yêu cầu cơ bản nhất để xây dựng ý chí, quyết tâm chiến đấu. Làm rõ bản chất, âm mưu kẻ thù, đối tượng tác chiến của quân chủng, xây dựng, bồi dưỡng ý chí, quyết tâm chiến đấu, dám đánh, biết đánh và đánh thắng kẻ thù xâm lược. Ý chí, quyết tâm chiến đấu phải được thể hiện ở tinh thần thường xuyên cảnh giác SSCĐ, ra quân đánh thắng ngay từ trận đầu. Phải đề cao trách nhiệm chính trị của tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, phát động quần chúng tham gia công tác tư tưởng, xây dựng ý chí, quyết tâm đánh thắng trận đầu cho mọi đối tượng, nhất là cán bộ, đảng viên. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cũng là yếu tố quan trọng để giữ vững và nâng cao ý chí, quyết tâm chiến đấu.

Truyền thống “đánh thắng trận đầu”, “đã ra quân là chiến thắng” của quân đội, Quân chủng PK-KQ đã, đang và sẽ mãi là một trong những giá trị tinh thần quý giá mà mỗi người chiến sĩ, mỗi đơn vị cần gìn giữ, phát huy.

Trung tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng: Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp quốc phòng

Trung tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG.

Ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) nước ta đang chuyển đổi mạnh mẽ trong nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí trang bị và nâng cao khả năng tự động hóa. Do đó, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính cơ bản lâu dài, là yêu cầu tất yếu để đáp ứng những điều chỉnh có tính chiến lược của CNQP.

Để xây dựng nguồn nhân lực cho CNQP hiện nay đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể và lâu dài, với hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ, thiết thực và khả thi. Trong đó cần tập trung nâng cao trình độ, năng lực cho nguồn nhân lực, đặc biệt coi trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Từ thực tiễn ngành CNQP, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải luôn được đặt trong tổng thể của nguồn nhân lực chung với các yêu cầu đồng bộ về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề chuyên môn, trình độ đào tạo, sự am hiểu về tri thức khoa học-công nghệ, nhận thức và trách nhiệm đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng...

Bên cạnh những yêu cầu tổng thể và đồng bộ đó, nhất thiết phải xác định rõ phạm vi, đối tượng của “nguồn nhân lực chất lượng cao” để có định hướng đúng đắn về trọng tâm ưu tiên và giải pháp đột phá. Trước hết phải chú trọng tới đội ngũ tinh hoa nhất về tri thức khoa học-công nghệ liên quan tới vũ khí trang bị kỹ thuật, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về thiết kế công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất quân sự, kỹ thuật viên và thợ bậc cao thực sự tài giỏi về kỹ năng chuyên sâu và các bí quyết công nghệ trong sản xuất vũ khí. Ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học có trình độ cao, các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu, đội ngũ kỹ sư giỏi, chuyên gia đầu ngành…

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa công tác đào tạo và đào tạo lại (đào tạo chuyên sâu, đào tạo nâng cao) đội ngũ cán bộ khoa học-công nghệ trình độ cao cho CNQP ở cả trong và ngoài nước. Tập trung ưu tiên đào tạo cán bộ cho những ngành, nghề đặc thù và công nghệ mới. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách về CNQP để thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trung tướng DƯƠNG ĐÌNH THÔNG, Chính ủy Quân khu 1: Chăm lo bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số

Trung tướng Dương Đình Thông.

Sự lớn mạnh và trưởng thành của LLVT Quân khu 1 bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó công tác xây dựng, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) có vai trò quan trọng. Trong suốt 74 năm qua (1945-2019), cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp luôn coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu của LLVT quân khu. Từ thực tiễn đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, cần tiếp tục vận dụng trong tình hình mới.

Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, Đảng ủy, Bộ tư lệnh (BTL) Quân khu 1 luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, bồi dưỡng cán bộ người DTTS phù hợp với tình hình thực tiễn từng đơn vị, địa phương và địa bàn. Trải qua thực tiễn lịch sử, Đảng ủy, BTL quân khu đã đưa nhiều cán bộ, đảng viên ưu tú là người DTTS vào LLVT làm nòng cốt để xây dựng, tổ chức lực lượng, chỉ huy chiến đấu. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên là người DTTS đã hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ của mình, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Việc chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS phải phù hợp với đặc điểm địa bàn, yêu cầu nhiệm vụ của LLVT quân khu. Căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ, địa bàn đóng quân của từng đơn vị, địa phương, quân khu sắp xếp tỷ lệ cơ cấu cán bộ phù hợp. Ở mỗi cấp, bố trí xen kẽ cán bộ vùng cao, miền núi (người DTTS) với cán bộ đồng bằng, miền xuôi. Đây là điều kiện quan trọng bảo đảm cho các đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xây dựng LLVT quân khu vững mạnh.

Kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng là thường xuyên chăm lo công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo và thực hiện tốt các chính sách đối với đội ngũ cán bộ người DTTS. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong đội ngũ cán bộ, quan tâm tới đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tại từng cơ quan, đơn vị. Chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao phẩm chất, đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên người DTTS.

Trung tướng ĐÀM ĐÌNH TRẠI, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: Tăng cường hơn nữa đoàn kết quân - dân

Trung tướng Đàm Đình Trại.

Mối quan hệ đoàn kết quân-dân là một trong những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, một trong những nội dung cơ bản của đường lối xây dựng LLVT nhân dân, QĐND của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. QĐND Việt Nam là quân đội của dân, do dân và vì dân. Cội nguồn sức mạnh, sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta cũng đều bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân.

Trong những năm tháng chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhân dân ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương vượt lên những khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần để chắt chiu từng cân gạo, hạt muối, tấm áo, đồng tiền giúp đỡ bộ đội. Nhân dân còn chịu mất mát, hy sinh để che chở cho bộ đội trong những giờ phút một mất một còn, giữa cái sống và cái chết trong vòng vây của kẻ thù. Trong điều kiện hòa bình xây dựng đất nước, nhân dân là người giúp đỡ bộ đội trong huấn luyện, SSCĐ, xây dựng lực lượng… Chính nhờ sự giúp đỡ của nhân dân mà sức mạnh của Quân đội ta không ngừng được củng cố, tăng cường.

Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Quân đội ta cũng “tận hiếu với dân”. Để tiếp tục xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, trước hết, phải luôn thấm nhuần và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ quân-dân. Nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Đây là vấn đề cơ bản, quyết định, là vấn đề xuyên suốt trong quá trình xây dựng và tăng cường đoàn kết quân-dân. Đức tính cao đẹp nhất của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là sự tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Đó là sự thể hiện tập trung nhất tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ lý tưởng của Đảng.

Bên cạnh đó, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, góp phần giữ vững và tăng cường “thế trận lòng dân” vừa thể hiện chức năng của Quân đội ta, vừa thể hiện bản chất, truyền thống quý báu của QĐND Việt Nam. Dù đứng chân trên địa bàn nào, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương để làm tốt công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh toàn diện, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh... Cán bộ, chiến sĩ cần quán triệt và chấp hành nghiêm kỷ luật quan hệ quân-dân, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.

Trung tướng NGUYỄN THANH TUẤN, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị: Phòng, chống “phi chính trị hóa” quân đội

Các thế lực thù địch luôn xác định QĐND Việt Nam là trụ cột trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ thành quả cách mạng nên chúng tìm mọi cách tác động, tiến công quyết liệt và hết sức thâm độc. Chúng đẩy mạnh tuyên truyền đòi tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, "phi chính trị hóa" quân đội; đề cao sức mạnh vũ khí, hạ thấp công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm xói mòn, đi đến biến chất phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm suy yếu Quân đội ta...

Trung tướng NGUYỄN THANH TUẤN.

Từ thực tiễn tình hình trên, Quân ủy Trung ương (QUTƯ) mà thường xuyên, trực tiếp là TCCT với vai trò là Cơ quan chỉ đạo tiến hành CTĐ, CTCT toàn quân, tham mưu kịp thời cho QUTƯ, cho Ban Bí thư triển khai chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” (DBHB) trong quân đội. Trận địa tư tưởng của Đảng được giữ vững và thường xuyên củng cố, vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội, nhất là vai trò của cơ quan TCCT và cơ quan chính trị các cấp trong quân đội được tăng cường, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội ngày càng được nâng cao, giữ vững và xứng đáng là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đạt được kết quả trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của TCCT, đã kịp thời tham mưu cho QUTƯ, Ban Bí thư, Bộ Chính trị và chỉ đạo toàn quân tích cực, quyết liệt đấu tranh phòng, chống DBHB, "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Đấu tranh phòng, chống DBHB, âm mưu "phi chính trị hóa" quân đội vừa là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, vừa mang tính cấp bách trong tình hình hiện nay. Do đó, thời gian tới, cơ quan TCCT và hệ thống cơ quan chính trị các cấp cần phát huy hơn nữa những bài học kinh nghiệm thành công trong thời gian qua, nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, tham mưu hiệu quả và chỉ đạo quyết liệt với những chủ trương, giải pháp, nhiệm vụ đúng đắn, góp phần làm thất bại mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

GS, TS VŨ VĂN HIỀN, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về lĩnh vực quân sự, quốc phòng

GS, TS VŨ VĂN HIỀN.

Cụ thể hóa các quan điểm của Đảng qua các kỳ đại hội và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, trong những năm qua, việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng giữa Hội đồng Lý luận Trung ương và TCCT được triển khai nghiêm túc, đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng, thể hiện trong những vấn đề sau đây:

Trong mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh (QPAN), đối ngoại. Các công trình nghiên cứu thời gian qua đã đưa ra những đánh giá cụ thể hơn, sâu sắc hơn, hoàn chỉnh hơn về mối quan hệ và nhu cầu khách quan của thực tế đặt ra về sự kết hợp kinh tế với QPAN; đưa ra các mô hình và phương thức kết hợp giữa kinh tế với QPAN, đối ngoại trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; trong xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD), an ninh nhân dân, trong quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Đối với vấn đề xây dựng QPTD, thế trận QPTD. Các công trình khoa học đã xác định rõ nền QPTD là nền quốc phòng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát triển theo phương hướng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại. Đó là sức mạnh quốc phòng của đất nước được xây dựng trên nền tảng nhân lực, vật lực, tinh thần mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.

Về vấn đề bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, các nhà khoa học đã chỉ rõ: Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, cần kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh phi vũ trang và đấu tranh vũ trang. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến. Bảo vệ không chỉ đơn thuần là ngăn ngừa, chống lại, mà còn là xây dựng đất nước vững mạnh, coi đó là một trong những phương thức tích cực để bảo vệ Tổ quốc...

Thiếu tướng TRỊNH ĐÌNH THẠCH, Chính ủy Quân khu 5: Tiến hành đồng bộ, toàn diện và chặt chẽ hoạt động CTĐ, CTCT

Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) ở biên giới Tây Nam, nhất là thời gian diễn ra chiến dịch tiến công trên toàn tuyến biên giới, hoạt động CTĐ, CTCT của LLVT Quân khu 5 đã tiến hành đồng bộ, toàn diện và chặt chẽ cả về lý luận và thực tiễn; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm quân sự, quốc phòng của Đảng, nhiệm vụ BVTQ. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chú trọng phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên tuyến biên giới Tây Nam; động viên sức mạnh tinh thần, sức người, sức của phục vụ chiến tranh; phối hợp với Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đánh đổ chế độ Pol Pot Ieng Sary, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch.

Thực tiễn cuộc chiến tranh BVTQ ở biên giới Tây Nam để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động CTĐ, CTCT cần được nghiên cứu, vận dụng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và BVTQ hiện nay. Đó là phải nắm vững quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; đề cao cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh chính trị và pháp lý, đập tan mọi âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc. Phát huy năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chăm lo xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng thế trận làng xã chiến đấu bảo vệ biên giới.

Cùng với những nội dung trên, phải giữ vững trận địa chính trị tư tưởng, phát huy dân chủ, truyền thống “tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, mưu trí sáng tạo...” để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chủ động nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, phân tích, dự báo những khả năng có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường hợp tác, đối ngoại quốc phòng với các nước, nhất là các nước láng giềng; tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN HÙNG OANH, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị: Kế thừa và phát triển trong đổi mới đào tạo cán bộ

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN HÙNG OANH.

Với truyền thống hơn 43 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trường Sĩ quan Chính trị (SQCT) đã đào tạo hàng vạn cán bộ chính trị (CBCT) cấp phân đội, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV). Trong giai đoạn mới, nhà trường tiếp tục sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chính trị viên (CTV) cho toàn quân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Quán triệt quan điểm “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo”, nhà trường không ngừng đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”, để đội ngũ CTV có đầy đủ phẩm chất, năng lực, mẫu mực về nhân cách. Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ CTV là vấn đề tất yếu, do vậy các chủ thể lãnh đạo, giáo dục, quản lý của nhà trường luôn nhận thức sâu sắc các yếu tố tác động từ bối cảnh mới đến chất lượng đào tạo đội ngũ CTV, để có tư duy đổi mới phù hợp.

Nhà trường tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung, hình thức và phương pháp đào tạo CTV. Theo đó cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển trong đổi mới; tích cực rà soát, khắc phục sự trùng lặp về chương trình, nội dung đào tạo giữa các bậc học trong quy trình đào tạo CBCT. Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng “thực học, thực nghiệp”; gắn bó chặt chẽ giữa “lý luận và thực tiễn”, “nhà trường với đơn vị”, giúp cho người học vừa nắm vững kiến thức cơ bản, vừa nắm vững kiến thức chuyên sâu theo chức trách, nhiệm vụ của CTV. Chương trình, nội dung đào tạo phải bám sát mô hình, mục tiêu đào tạo CTV; gắn chặt giữa yêu cầu bồi dưỡng nâng cao tay nghề đáp ứng yêu cầu chức danh đào tạo với chuẩn hóa kiến thức, phát triển năng lực tư duy khoa học, sáng tạo trong vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao sau khi ra trường.

Trong đào tạo CTV hiện nay, đổi mới chương trình, nội dung phải gắn chặt với đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng phát huy tính “độc lập, sáng tạo” của người học và đặt người học vào vị trí “trung tâm” của quá trình dạy học. Theo đó, cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng đề cao tính chủ động, sáng tạo của học viên trong lĩnh hội kiến thức, rèn luyện phong cách lãnh đạo, chỉ huy; coi trọng phát triển năng lực, phẩm chất, nhân cách đặc thù của CTV trong quá trình đào tạo tại trường...

Thiếu tướng LÊ ĐĂNG DŨNG, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội: Ở đâu có sản xuất kinh doanh, ở đó có hoạt động CTĐ, CTCT

Trong suốt hơn 30 năm qua, thực hiện mục tiêu xây dựng tập đoàn phát triển bền vững, vị thế thương hiệu doanh nghiệp ngày càng được nâng cao trong nước và quốc tế, có nhiều yếu tố góp phần tạo nên những thành tựu trên, trong đó nhân tố con người luôn mang tính quyết định. Bởi vậy, Đảng ủy, Ban tổng giám đốc tập đoàn luôn xác định, CTĐ, CTCT ở Viettel có sứ mệnh cụ thể là xây dựng tổ chức và con người; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên của tập đoàn vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng.

Chính hiệu quả CTĐ, CTCT đã tạo sự bền vững về nhân tố chính trị tinh thần, tư tưởng trong mỗi cán bộ, công nhân viên Viettel trước những khó khăn, thách thức, tạo nên yếu tố bền vững về tư tưởng và tổ chức; tạo ra sức mạnh chính trị tinh thần để tập đoàn vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng. Vì vậy, tập đoàn luôn xác định ở đâu có sản xuất kinh doanh, ở đó có tổ chức đảng và hoạt động CTĐ, CTCT.

Những năm qua, hoạt động CTĐ, CTCT của tập đoàn luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, TCCT, tiến hành đúng nguyên tắc. Với tính đặc thù của tập đoàn là doanh nghiệp nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị sản xuất kinh doanh, để phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn, tập đoàn luôn đổi mới, sáng tạo tiến hành CTĐ, CTCT phù hợp với đặc thù hoạt động, thể hiện trên một số nội dung chính: Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, quản lý cán bộ, công nhân viên sát thực, hiệu quả, xây dựng và củng cố niềm tin của cán bộ, công nhân viên vào chiến lược sản xuất kinh doanh của tập đoàn; thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, tập đoàn quán triệt, thực hiện đúng quan điểm, nguyên tắc, quy trình, quy định của Đảng về công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hoàn thiện các quy chế, quy trình về công tác cán bộ trong tập đoàn, tạo động lực phấn đấu, sự yên tâm công tác cho đội ngũ cán bộ các cấp, qua đó đội ngũ cán bộ ngày càng được hoàn thiện, trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của tập đoàn.

Thiếu tướng ĐỖ VĂN THIỆN, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 1: Sáng tạo bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho sĩ quan trẻ

Bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng và tác phong công tác cho đội ngũ sĩ quan trẻ (SQT) hiện nay càng trở nên quan trọng trước sự tác động trái chiều của toàn cầu hóa và mặt trái kinh tế thị trường. Để bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng và tác phong công tác cho đội ngũ SQT bảo đảm chất lượng, hiệu quả, cần thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu, đó là:

Thiếu tướng ĐỖ VĂN THIỆN. Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY

Bồi dưỡng lòng trung thành với lý tưởng, đường lối đổi mới theo định hướng XHCN của Đảng; giác ngộ chính trị cao; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; bồi dưỡng về lòng yêu nước, yêu nhân dân, đồng chí, đồng đội, có thái độ dứt khoát và ý chí đấu tranh không khoan nhượng với âm mưu chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch. Bồi dưỡng cho SQT về đức hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; kết hợp hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ, lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể; luôn đặt lợi ích của tập thể, của Đảng, của giai cấp, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Bồi dưỡng về ý thức tôn trọng tính Đảng, để trong bất kỳ hoàn cảnh nào và làm bất cứ việc gì, SQT cũng phải xuất phát từ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội; bồi dưỡng cho SQT về phong cách làm việc dân chủ, tập thể, giữ vững đoàn kết thống nhất trong cấp ủy, tổ chức đảng và trong đơn vị; bồi dưỡng về tính chủ động sáng tạo, quyết đoán, có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cao; về tác phong làm việc cụ thể, sâu sát, có lý, có tình, tác phong quần chúng, nói đi đôi với làm; tác phong làm việc có kế hoạnh, khoa học, chính xác.

Có rất nhiều hình thức và phương pháp đa dạng, phong phú để bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong giai đoạn hiện nay, cần chú trọng bồi dưỡng thông qua các chương trình huấn luyện, học tập (tại các học viện, nhà trường hoặc các lớp học do cấp trên và đơn vị tổ chức) và thông qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ... Kết quả của những hoạt động đó góp phần tạo nên phẩm chất, đạo đức cách mạng và tác phong công tác cho đội ngũ SQT.

Thiếu tướng ĐÀO GIA BẢO, Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an: Đẩy mạnh hợp tác đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa

Những năm qua, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã xây dựng mối quan hệ gắn bó, phối hợp chặt chẽ trong nhiều hoạt động, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị công an và quân đội phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh các nội dung hợp tác đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa (TTVH).

Thiếu tướng ĐÀO GIA BẢO. Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY

Hai lực lượng đã tăng cường công tác trao đổi và phối hợp, xác minh những thông tin liên quan đến âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực TTVH thông qua nhiều hình thức, phương pháp phù hợp, đạt hiệu quả cao. Hai bên phối hợp thực hiện tốt công tác phòng ngừa, bảo vệ, xử lý lộ, lọt bí mật Nhà nước trên không gian mạng; hạn chế, vô hiệu hóa các hoạt động lợi dụng internet để tung tin bịa đặt, hạ uy tín lãnh đạo cấp cao; triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn âm mưu, hoạt động móc nối, phá hoại của các đối tượng phản động...

Thực tiễn cho thấy, công tác phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa các cơ quan chức năng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực TTVH phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Đây là yếu tố có vai trò then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác này.

Thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ LLVT và quần chúng nhân dân đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chủ động phối hợp nắm tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở; thống nhất đánh giá, kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước các chủ trương, đối sách xử lý trước âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Thời gian tới, lực lượng công an và quân đội cần chủ động phối hợp nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực TTVH, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh TTVH. Trong đó cần quy định cụ thể việc quản lý, cấp phép hoạt động của các mạng xã hội; quản lý nội dung, quản lý thông tin truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền và từng cán bộ, đảng viên trong công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sang-ro-ly-luan-va-thuc-tien-hoat-dong-cong-tac-dang-cong-tac-chinh-tri-trong-quan-doi-604634