Sáng mùng một Tết yên bình trên đô thị cổ Quảng Yên

Quảng Yên là thị xã ven biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Ninh, nằm giữa tam giác ba thành phố Uông Bí, Hạ Long và Hải Phòng. Quảng Yên giữ vị trí vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giao lưu thương mại và an ninh quốc phòng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Những nếp nhà tuổi thọ từ 40 đến 50 tuổi nằm dưới tán cây cổ kính.

Sáng mùng một Tết, những con đường dài hun hút trong thị xã thưa người, sương chùng chình vắt qua những mái nhà cổ, một vài người đi Tết sớm trong không khí thanh bình.

Đô thị Quảng Yên được hình thành từ năm Gia Long thứ nhất (1802), chuyển từ huyện Kim Thành (Hải Dương) về Quảng Ninh, được đặt tên là thị trấn Yên Quảng. Đô thị được xây dựng chủ yếu trên vùng đất Quỳnh Lâu và Yên Giang, sau này mới mở rộng ra các vùng lân cận. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), thị trấn Yên Quảng đổi tên thành thị trấn Quảng Yên.

Do có địa thế đường thủy và đường bộ thuận lợi, thị trấn Quảng Yên là nơi thực dân Pháp lựa chọn xây dựng hàng loạt các trụ sở hành chính quan trọng thời kỳ Pháp thuộc.

Hiện nay, Quảng Yên còn lưu giữ và bảo tồn được nhiều công trình kiến trúc cổ kính có tuổi thọ trên dưới một thế kỷ như dinh tuần phủ, bố chính, án sát, dinh công sứ có kiến trúc như tòa Bắc Bộ phủ ở Hà Nội nhưng nhỏ hơn.

Dinh công sứ nay là trụ sở HĐND và UBND thị xã Quảng Yên.

Thị ủy Quảng Yên.

Năm tháng trôi qua cùng những thăng trầm lịch sử, các tòa nhà có kiến trúc mang phong cách Gothic kiểu Pháp vẫn giữ được vẻ vững chãi uy nghiêm. Những căn nhà hai tầng nhiều cửa sổ, bên trong được chia thành nhiều phòng, có cầu thang cuốn được tu bổ, tôn tạo để phục vụ công việc hành chính.

Căn nhà được xây dựng từ năm 1925, nay là trụ sở cơ quan Phát triển quỹ đất thị xã Quảng Yên.

Quảng Yên vốn dĩ mang trong mình sự bình yên và không khí dịu dàng không chỉ bởi những tán cây cổ thụ hay những nếp nhà có tuổi đời nửa thế kỷ mà còn bởi con người nơi đây. Những người con luôn tự hào, yêu quý và gìn giữ giá trị văn hóa lịch sử của quê hương.

Hai cây Lim Giếng Rừng, dấu tích khu rừng cổ, quân và dân nhà Trần lấy gỗ dựng trận địa cọc chiến thắng Bạch Đằng ngày 8/3 năm Mậu Tý 1288.

Thị xã quảng Yên là thị xã duy nhất (thuộc tỉnh) có bảo tàng cấp thị xã/huyện trưng bày, lưu giữ các giá trị văn hóa địa phương đặc biệt là các hiện vật của trận đánh “Bạch Đằng giang”: Cọc gỗ lim, ván gỗ đóng thuyền chiến, hai khẩu thần công... Bảo tàng thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm tranh và dành riêng tầng ba thành lập thư viện Quảng Yên.

Bảo tàng được đặt tên theo dòng sông lịch sử “Bảo tàng Bạch Đằng”.

Bưu điện Quảng Yên.

Bảo tàng nằm ngay trung tâm thị xã, cùng với bưu điện Quảng Yên và căn nhà cổ hai tầng hơn 100 năm tuổi đã từng là bộ mặt của đô thị cổ một thời. Ngày nay, bên cạnh những công trình xưa cũ, nhiều công trình tư nhân, nhà dân mới được xây dựng tô điểm thêm vẻ đẹp hiện đại nhưng vẫn góp phần tạo nên sự thanh bình hiếm thấy cho thị xã ven biển này.

Bến xe Quảng Yên được xây dựng bởi người Pháp, đến nay vẫn còn duy trì hoạt động.

Quảng Yên được thiên nhiên ưu ái ban tặng khí hậu quanh năm ôn hòa, thuận lợi cho phát triển nông lâm ngư ngiệp và du lịch. Đây cũng là vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử, truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có hàng chục di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng. Trên địa bàn thị xã có 186 di tích lịch sử, văn hóa các loại với mật độ bình quân gần 1 di tích /km2, đặc biệt nhất là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt – Di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng.

Sáng sớm se lạnh, người dân bắt đầu ra đường đi chúc Tết.

Hòa cùng không khí đất nước đang từng ngày đổi mới, Quảng Yên với tiềm năng du lịch sẵn có đang chuyển mình và dần trở thành điểm du lịch quan trọng kết hợp với Hạ Long và Cát Bà. Việc duy trì, bảo tồn các dấu tích đô thị cổ Quảng Yên góp phần làm phong phú và làm giàu thêm bản sắc văn hóa truyền thống địa phương.

Phạm Thị Chiên (Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/sang-mung-mot-tet-yen-binh-tren-do-thi-co-quang-yen.html