Sáng mãi tinh thần lạc quan cách mạng

'Gửi lại mai sau' - nhật ký của liệt sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Nguyễn Hải Trường được viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là những trang viết về nội tâm của một người chiến sĩ được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, giữa sự sống và cái chết luôn cận kề. Tuy nhiên, tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước luôn thôi thúc người chiến sĩ phải chiến đấu và chiến thắng.

Nhật ký “Gửi lại mai sau” được nhiều đơn vị BĐBP trưng bày trong tủ sách “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Ảnh: Mai Viết Nhân

Liệt sĩ Nguyễn Hải Trường, người con của quê hương xứ Thanh anh hùng, đã dũng cảm hy sinh sau một trận chiến đấu ác liệt năm 1967 trên đất Tây Nguyên. “Gửi lại mai sau” ghi chép lại những khó khăn gian khổ nhưng cũng phơi phới niềm vui của những người lính trên đường đi “B”, trực tiếp chiến đấu và tham gia công tác vận động quần chúng ở vùng Nam Tây Nguyên. Cuốn sách do Bộ Tư lệnh BĐBP và Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành đã tái hiện rất chân thật cuộc chiến tranh khốc liệt của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm vượt qua thời gian, qua mưa bom, bão đạn để có sức sống bền bỉ trong trái tim quân và dân ta, đặc biệt là những người chiến sĩ mang quân hàm xanh trên mọi miền biên cương của Tổ quốc.

Ở những dòng nhật ký của cuốn sách “Gửi lại mai sau”, người đọc sẽ hình dung được hình ảnh về thế hệ đầu tiên của CANDVT “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”, “người trên lưng ngựa, ngựa trên lưng đèo” với biết bao khó khăn gian khổ trong cuộc trường chinh vạn dặm. Dù bom rơi, đạn nổ nhưng vẫn sáng ngời tinh thần lạc quan cách mạng, vượt lên cái chết để tình yêu đất nước và hạnh phúc lứa đôi hòa quyện vào làm một nơi Tây Nguyên nắng gió.

Đọc “Gửi lại mai sau” người đọc đã thấy được chân lý: Chiến tranh càng ác liệt, niềm lạc quan yêu đời của người chiến sĩ CANDVT càng mãnh liệt hơn, sâu sắc hơn bao giờ hết. Tinh thần ấy đã góp phần gắn kết những người chiến sĩ thành một khối, nhân lên sức mạnh niềm tin, cổ vũ người lính giữ vững ý chí để chiến đấu và chiến thắng. Sức mạnh của niềm lạc quan yêu đời ấy tỏa sáng ngay trong những chiều trên đường trở về xóm nhỏ: “Họ thấy chiều nay vắng tiếng máy bay và tiếng đại bác của giặc, khói bếp trên những mái nhà rải rác đôi bờ như đùa giỡn với nắng chiều êm ả. Thật ít có những chiều thanh bình như chiều nay”. Những người lính CANDVT vào miền Nam chiến đấu đều mang trong tim hình bóng quê nhà, tình yêu thương quê hương, đất nước đã hòa vào các anh để mỗi khi đi vận động quần chúng, mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió quấn quýt, nâng bước các anh như trên chính quê hương của mình.

Trước sự sống và cái chết, niềm lạc quan yêu đời đã giúp người lính sống thanh thản và luôn ấm áp tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân son sắt trong những ngày chiến đấu gian nan. Giữa cái chính nghĩa và phi nghĩa của một cuộc chiến tranh, người lính vẫn tin vào tương lai của đất nước như những mùa Xuân nơi tiền tuyến: “Họ mang về đây đầy đủ những kết quả của những ngày đổ máu, đổ mồ hôi trên khắp các chiến trường. Ở khắp các vùng dinh điền, người Kinh, người Thượng và cả ở trong vùng địch nữa. Cái quý nhất là các đồng chí đã mang về được nguyện vọng của quần chúng nhân dân sau khi học tập bức thư của Đảng”.

Qua những dòng nhật ký, chúng ta cảm nhận được những hình ảnh thân quen của người cán bộ CANDVT bám bản, bám dân, bám vùng vừa giải phóng để làm công tác vận động quần chúng. Tình cảm gắn bó mật thiết, yêu thương đùm bọc của đồng bào đối với bộ đội làm ta nghẹn ngào, đây cũng là nét đẹp, là “sợi chỉ đỏ” trong truyền thống của lực lượng CANDVT khi xưa và BĐBP ngày nay.

Là một sĩ quan chỉ huy, ngoài việc say mê diệt địch trên chiến trường, lại được sống giữa vùng căn cứ, Nguyễn Hải Trường luôn nhận thức được tinh thần cách mạng của nhân dân: “Những người dân vùng căn cứ đi theo cách mạng đã mấy chục năm rồi. Họ thề sống chết với cách mạng. Họ đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để giữ vững vùng căn cứ của cách mạng”. Anh luôn trăn trở về trách nhiệm của mình trước nhân dân, phải đền đáp được niềm tin của nhân dân dành cho cách mạng. Trong không khí tràn đầy niềm tin, lý tưởng thì tình cảm quân dân lại được thắp sáng, các em thiếu nhi hát lên những bài ca cách mạng vang khắp núi rừng, trong đó có những câu “đường đấu tranh là đường gian khổ, đường cách mạng một lòng sắt son”, tất cả cùng chung một lý tưởng vượt qua gian nguy để chiến thắng kẻ thù.

Cũng như những chàng trai trẻ khác, ngoài việc cầm súng chiến đấu trên chiến trường để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, Nguyễn Hải Trường còn chiến đấu vì hạnh phúc gia đình, hạnh phúc lứa đôi. Suốt những năm tháng chiến đấu trên chiến trường, người vợ trẻ Nguyễn Thị Hán đã thay anh lo toan mọi việc, vừa chờ chồng, vừa nuôi con. Những dòng đầu tiên của cuốn nhật ký, Nguyễn Hải Trường đã dành những tình cảm chân thành, tha thiết nhất để gửi lại cho người vợ: “Em yêu thương! Sau khi đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Tổ quốc ta thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, nhất định anh sẽ về sống với em và các con, để thực hiện những ước mơ đẹp đẽ trên biển Thanh Hóa quê ta”.

Rõ ràng, niềm tin vào chiến thắng ngày mai luôn hiện hữu trong tâm tưởng người chiến sĩ, bao nhiêu dự định, bấy nhiêu ước mong sẽ thực hiện sau khi đất nước hòa bình thống nhất. Chiến tranh càng ác liệt thì sức sống mãnh liệt của tình yêu và hạnh phúc lứa đôi càng trở nên mạnh mẽ, không có một khó khăn nào có thể làm xói mòn được lý tưởng ấy. Niềm lạc quan yêu đời của người chiến sĩ CANDVT qua nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, mưu trí, sáng tạo, mà còn nói lên niềm tin tất thắng ở ngày mai của quân và dân ta.

Hôm nay, Tổ quốc ta đã hoàn toàn thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, đất nước trên đường hội nhập và phát triển. Người lính Biên phòng vẫn lặng thầm với sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Với cán bộ, chiến sĩ BĐBP hôm nay, việc phát huy truyền thống tốt đẹp của Công an nhân dân, QĐND, của lực lượng BĐBP vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào sâu sắc. Bụi thời gian có phủ mờ lên vạn vật, song sức sống mãnh liệt của tinh thần lạc quan cách mạng trong nhật ký “Gửi lại mai sau” của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường mãi sống trong lòng và tiếp sức cho thế hệ trẻ hôm nay.

Mai Viết Nhân

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/sang-mai-tinh-than-lac-quan-cach-mang/