Sáng mãi tinh thần hộ quốc, an dân

Cụ Bùi Bằng Đoàn SN 1889 tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội) trong một gia đình có truyền thống Nho học. Ông nội là Tiến sĩ Bùi Tuấn, hàm Thái tử Thiếu bảo, từng làm Giám khảo các kỳ thi Hương, giữ chức Tả Tham tri Bộ Binh kiêm Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh. Cha là Bùi Tập từng giữ chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa (một tỉnh cũ dưới thời Pháp thuộc, hiện nay phần đất chủ yếu của Hưng Hóa, tỉnh Phú Thọ).

Mồ côi cha mẹ từ rất sớm, cả 6 anh em Bùi Bằng Đoàn được người chú dượng là Dương Lâm (tức cụ Thiếu bảo Vân Đình lúc đó làm Tham tri Nha Kinh lược Bắc Kỳ) đưa về nuôi dưỡng và dạy học chữ Hán. Khoa thi năm Bính Ngọ 1906, ba anh em Bùi Bằng Phấn, Bùi Bằng Thuận và Bùi Bằng Đoàn đều ứng thí. Kết quả, Bùi Bằng Phấn đỗ Tú tài, còn Bùi Bằng Thuận và Bùi Bằng Đoàn cùng đỗ Cử nhân. Ba anh em được mệnh danh là Hà Đông tam bằng.

Con đường quan lộ của cụ Bùi Bằng Đoàn hanh thông. Năm 1907, thi vào trường Hậu Bổ (như trường Hành chính quốc gia) tại Hà Nội, năm 1911 tốt nghiệp. Cụ đã từng làm Tri phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, Án sát tỉnh Bắc Ninh, Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. Khi làm quan, cụ nổi tiếng là vị quan đức độ, thanh liêm, chính trực, chăm dân. Trên công đường ở những nơi làm quan, cụ đều cho treo một bảng thông báo không nhận quà biếu. Với người nhà, cụ rất nghiêm khắc, cấm tiệt việc nhận quà, nếu lỡ nhận rồi thì phải mang trả lại.

Cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội từ 1946 – 1955. Ảnh tư liệu

Cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội từ 1946 – 1955. Ảnh tư liệu

Năm 1925, trước việc báo chí lên án cảnh phu đồn điền ở miền Nam bị bóc lột dã man, Chính phủ Nam triều đã cử Bùi Bằng Đoàn vào Nam Bộ thanh tra các đồn điền cao su của Pháp. Cụ đã tiến hành thanh tra thấu đáo, viết một bản báo cáo dày đến 100 trang bằng tiếng Pháp nêu rõ những điều vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền. Những kiến nghị xác đáng của cụ đã được nhà đương cục chấp nhận, giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su thời đó.
Năm 1925, mặc dù đang làm Tri phủ Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) nhưng cụ vẫn được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án cụ Phan Bội Châu. Với tính cách cương trực, bênh vực lẽ phải, Bùi Bằng Đoàn đã thông dịch rõ ràng, trung thực những lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu để rồi sau đó tòa án đã không khép được cụ Phan vào án chung thân mà giảm xuống hình thức an trí ở Huế.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ đã hai lần viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia làm cố vấn riêng cho mình. Theo ông Vũ Mão kể lại thì cả hai lần nhận thư của Bác Hồ, cụ Bùi đều lưỡng lự, xin cáo từ, đến lần thứ ba, Bác Hồ cử ông Vũ Đình Huỳnh (Thư ký riêng của Bác) về tận Hà Đông (quê của cụ Bùi) để trao tận tay bức thư riêng của Người. Trong thư có câu thơ cổ 7 chữ: “Thu thủy tàn hà thính vũ thanh” (Dòng nước thu, bông sen tàn nghe tiếng mưa rơi lại nở). Câu thơ này có nhiều luận giải khác nhau. Nhưng có lẽ, Bác Hồ và cụ Bùi là hai bậc nho gia am tường sâu sắc và hiểu được ý nhau. Sau khi đọc thư này, cụ Bùi đã vui vẻ nhận lời mời của Bác Hồ.

Từ đó trở đi, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham gia vào các hoạt động của chính quyền cách mạng ngày càng sâu sắc và quan hệ giữa Bác Hồ với cụ Bùi Bằng Đoàn cũng ngày càng gắn bó.

Ngày 22-11-1945, cụ Bùi được đón về nhà số 8 phố Lê Thái Tổ, Bác Hồ đã đợi cụ Bùi ở cửa phòng khách. Sau khi gặp gỡ, Bác Hồ và cụ Bùi đã cùng đi dạo trong vườn, trò chuyện tâm đắc như đôi bạn cố tri lâu ngày mới gặp lại. Trong phiên họp ngày 14-11-1945, khi bàn đến vấn đề tập hợp nhân tài, Bác Hồ đã đề nghị Hội đồng Chính phủ cử một Ban Cố vấn riêng cho Người gồm 10 vị, trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn. Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 64, thiết lập Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra xem xét các tài liệu giấy tờ của UBND, của cơ quan Chính phủ cần thiết cho công tác giám sát, đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi.

Ngày 31-12-1945, Bác Hồ ký Sắc lệnh số 78, thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết. Ủy ban này gồm 40 vị là những trí thức, nhân sĩ, các bộ trưởng, thứ trưởng, trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn. Cũng trong ngày 31-12-1945, Bác Hồ ký Sắc lệnh số 80, cử các ông Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Chánh Nhất, Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt theo Sắc lệnh 64 trước đó. Trong Ban này, cụ Bùi Bằng Đoàn giữ chức Trưởng ban. Điều đó thể hiện Bác Hồ luôn tin tưởng sâu sắc vào đức tài của cụ.

Tháng giêng năm 1946, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham gia ứng cử tại tỉnh Hà Đông và đã trúng cử vào Quốc hội đầu tiên của nước VNDCCH. Ngày 2-3-1946, Quốc hội nước VNDCCH họp kỳ thứ nhất bầu Ban Thường trực Quốc hội do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và 2 ủy viên chính thức, trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn. Ngày 7-11-1946, Quốc hội nước VNDCCH họp kỳ thứ hai. Trong kỳ họp này Quốc hội đã bầu lại Ban Thường trực gồm 18 vị, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu là Trưởng ban (tương tự như chức Chủ tịch Quốc hội hiện nay). Ban Thường trực Quốc hội có quyền góp ý với Chính phủ, phê phán Chính phủ nếu Chính phủ có những việc làm trái với lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó. Cụ Bùi đã có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng bộ máy Nhà nước còn non trẻ sau Cách mạng Tháng Tám. Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường lực lượng cách mạng, theo chủ trương của Đảng, cần thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Một ban vận động thành lập Hội gồm 27 vị đã hình thành và ngày 29-5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã chính thức thành lập (gọi tắt là Liên Việt) trong đó có cụ Bùi…

Có thể thấy, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ; thực hiện chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất; chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến. Tiếp nối những điều cụ Bùi Bằng Đoàn đã làm cho non sông, đất nước, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Hà Nội nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự phát triển bền vững của Thủ đô. Đó là ý chí, quyết tâm, hành động cách mạng thiết thực, có ý nghĩa cao đẹp nhất để tưởng nhớ, tri ân chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn với những đóng góp to lớn của cụ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Đảng bộ Hà Nội trong thời kỳ mới.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/sang-mai-tinh-than-ho-quoc-an-dan-162074.html