Sáng mãi tình đoàn kết quân dân

Trong chuyến công tác đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân, PV Báo Pháp luật và Xã hội đã đến những thôn bản còn nhiều khó khăn ở hai tỉnh Hà Giang và Lào Cai, ở nơi có địa bàn của các đồn biên phòng đóng quân, mối quan hệ đoàn kết quân dân đúng là khó có thể kể hết qua một vài câu chuyện. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới chủ quyền lãnh thổ, các cán bộ chiến sĩ nơi đây không quản ngại bất cứ việc gì từ giúp dân xóa đói giảm nghèo, đến nhận nuôi các em có hoàn cảnh khó khăn để nâng bước các em đến trường…

Việc cần biên phòng có, việc khó có biên phòng

Sống đúng như khẩu hiệu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con các dân tộc là anh em ruột thịt", suốt dọc hành trình đi qua 5 đồn Nghĩa Thuận, Bản Máy, Xín Mần (tỉnh Hà Giang) và Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, A Mú Sung (tỉnh Lào Cai) đi đến đâu, chúng tôi cũng được nghe nhân dân kể chuyện gắn bó với bộ đội biên phòng, và chính các anh, cũng khéo léo dựa vào nhân dân để cùng thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo vệ biên cương đất nước và xây dựng mối đoàn kết quân dân bền chặt.

Đại tá Nông Thế Hanh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết, các chiến sĩ thuộc 12 đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn đều nằm ở những vùng xa xôi, khó khăn nhất đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới... với nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Đến nay, 100% các xã, thị trấn biên giới đều có đường ô tô đến trung tâm xã. Một số thôn, xóm, tỷ lệ người dân được sử dụng internet ngày càng tăng. Trụ sở các xã, thị trấn biên giới, trường học, trạm y tế, đều đã được đầu tư nâng cấp và xây dựng cơ bản.

Chiều muộn ngày cuối tháng 2-2019, Thiếu tá Phạm Văn Bằng, cán bộ vận động quần chúng Đồn biên phòng Bản Máy, Xã Bản Máy huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang chở tôi và một đồng nghiệp nữa của báo An ninh Thủ đô xuống nhà anh Nguyễn Xuân Hợp, thôn Tà Chải – đây là hộ dân có gắn bó mật thiết với Đồn biên phòng Bản Máy, được cán bộ chiến sĩ nơi đây giúp đỡ xóa đói giảm nghèo, lại cùng tham gia lực lượng dân quân tự vệ, cùng tuần tra bảo vệ biên giới với các chiến sĩ. Đường xuống nhà anh Hợp quá dốc, nhiều đoạn đường nứt vỡ, tôi và đồng nghiệp phải xuống đi bộ. Thế nhưng vừa đến sân nhà, thiếu tá Trần Văn Bằng đã vội lao ra hỏi anh Nguyễn Xuân Hợp: "Anh đi đâu thế, lại lạc trâu à?", và dựng xe đi tìm trâu cùng nhà anh Hợp.

Rất may trâu không đi xa, chúng tôi đợi một lúc rồi vào nhà anh Hợp nói chuyện. Hai con anh Hợp chẳng ngần ngại ra ngồi vào lòng “bác Bằng”, bởi bác như người thân, vốn từng nhiều lần xuống nhà động viên gia đình xóa đói giảm nghèo. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của các cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Bản Máy, anh Hợp hiện là một công an viên năng nổ, còn vợ anh là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã rất tích cực. Không những thế, hai vợ chồng còn cùng tham gia tổ hòa giải trong xã, trở thành các hòa giải viên có uy tín, giải tỏa mọi mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống của bà con.

Thiếu tá Phạm Văn Bằng, cán bộ vận đồng quần chúng Đồn biên phòng Bản Máy, Xã Bản Máy huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang thường xuyên xuống nhà, trò chuyện cùng anh Nguyễn Xuân Hợp, động viên anh làm ăn phát triển kinh tế và tham gia giữ gìn biên cương đất nước (Ảnh P.T)

Thiếu tá Phạm Văn Bằng, cán bộ vận đồng quần chúng Đồn biên phòng Bản Máy, Xã Bản Máy huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang thường xuyên xuống nhà, trò chuyện cùng anh Nguyễn Xuân Hợp, động viên anh làm ăn phát triển kinh tế và tham gia giữ gìn biên cương đất nước (Ảnh P.T)

Chuyện giúp dân xóa đói giảm nghèo và công việc thường xuyên liên tục của các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Đại úy Phạm Đức Hậu, Chính trị viên phó tại đồn cho biết: Hàng năm đồn đều phối hợp với hội phụ nữ của các xã để giúp đỡ gia đình 5 chị em có hoàn cảnh khó khăn nhất xóa đói, giảm nghèo. Đồn sẽ giúp đỡ các chị em giống dứa, vật nuôi, cùng hướng dẫn thêm một số kỹ thuật nuôi trồng, số tiền hỗ trợ là 5 triệu đồng/hộ. Cho đến nay, sự hỗ trợ này đã tạo thêm công ăn việc làm cho các hộ, giúp họ giữ đất phát triển kinh tế, không bỏ vườn tược đi làm thuê nơi xa nữa.

Cán bộ chiến sĩ biên phòng tỉnh Lào Cai hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây lúa sao cho không bị sâu bệnh (Ảnh P.T)

Nâng ước mơ, nâng hi vọng cho các em được tiếp tục đến trường

Nhằm chia sẻ, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện đến trường, góp phần nâng cao dân trí cũng như tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ biên phòng với đồng bào nơi đây, nhiều năm qua, Đồn biên phòng Xín Mần đã làm tốt Chương trình “Nâng bước em tới trường” và giúp nhiều học sinh trên địa bàn có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn.

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Phong, Đồn trưởng Đồn biên phòng Xín Mần: Từ năm 2014 đến nay, thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, Đồn biên phòng Xín Mần đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền 4 xã biên giới, gồm: Xín Mần, Chí Cà, Pà Vầy Sủ, Nàn Xỉn tổ chức rà soát, lựa chọn được 15 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để đơn vị nhận đỡ đầu; trong đó, 10 em được nhận là con nuôi của Bộ Tư Lệnh và 5 em là con nuôi của Đồn biên phòng Xín Mần. Mỗi em được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, do cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đóng góp từ tiền lương hàng tháng để giúp các em có thêm điều kiện được đến trường học tập, rèn luyện như những học sinh khác.

Thiếu tá Đinh Tiến Thước đang ngồi ăn cơm cùng với hai con nuôi của đồn biên phòng Xín Mần (Ảnh P.T)

Hiện, Đồn biên phòng Xín Mần đang nhận nuôi 2 em tại đơn vị là em Vàng Củi Vu (sinh 2003), trú tại thôn Xín Mần, xã Xín Mần được Đồn đón về nuôi từ năm 2014 và em Vàng Xuân Bình (sinh 2004), trú tại thôn Seo Lử Thận, xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần) được đồn đón về nuôi năm 2015. Cả 2 em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng. Vu và Bình hiện đang theo học tại Trường THCS và THPT xã Xín Mần. Ngoài giờ học ở trường, 2 em về sinh hoạt tại đơn vị và được cán bộ chiến sĩ trong đồn hướng dẫn học bài, sinh hoạt theo nội quy của đơn vị... Thiếu tá Đinh Tiến Thước, - Cán bộ đội Vận động quần chúng, Đồn biên phòng Xín Mần, cha nuôi của em Vàng Xuân Bình chia sẻ: Bình hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, chị gái lại tảo hôn, em thành trẻ mồ côi. Đơn vị nhận nuôi Bình, còn tôi với trách nhiệm là cha nuôi cũng thường xuyên chỉ bảo con học tập, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con để động viên con cố gắng hơn. Qua 4 năm nhận về nuôi tại đơn vị, các em đều phát triển tốt về thể chất, tinh thần và coi Đồn là nhà mình; các cán bộ chiến sĩ trong đơn vị như những người cha của mình… Về kết quả học tập của các em cũng được nâng lên rõ rệt, được cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá cao.

Vàng Xuân Bình, con nuôi của cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Xín Mần (đang đọc bài) được khen là tiếp thu tốt, ngoan và có nhiều cố gắng trong học tập (Ảnh P.T)

Thiếu tá Bùi Thế Lương, Chính trị viên Đồn biên phòng Bản Máy cho biết: Nhiều năm qua, đồn nhận nuôi 8 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các cháu học tập, lễ tết các con được mời lên đồn, nhận quà tặng, cán bộ chiến sĩ tại đồn cũng hết sức giúp đỡ về việc chia sẻ các tâm tư nguyện vọng để giúp các con biết vươn lên những khó khăn, động viên các con đi học đều.

Cô Trần Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng trường Dân tộc bán trú, Tiểu học và THCS Xã Bản Máy cho biết: Không chỉ giúp nhà trường trong việc thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường”, các cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Bản Máy không nề hà bất cứ việc gì trong việc giúp đỡ nhà trường thực hiện công tác chuyên môn như: Tổ chức cho các em đi thăm cột mốc biên giới, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về biên giới và phòng chống buôn bán người, sửa chữa lớp học khi một số gian đã xuống cấp. Các chiến sĩ đồn biên phòng như người nhà, và khi đồn có việc chung cần sự giúp đỡ của nhân dân, thì chúng tôi cũng sẵn sàng cùng thực hiện công việc chung với đồn.

Các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Bản Máy trò chuyện với các em nhỏ tại trường DTBT, tiểu học và THCS xã Bản Máy (Ảnh P.T)

Tháng ba mùa biên giới, tôi vẫn ngoảnh lại rất lâu mỗi lần đưa tay lên vẫy chào tạm biệt các cán bộ chiến sĩ tại mỗi đồn mình đi qua, bởi chúng tôi đến, rồi cũng đến lúc nói lời tạm biệt, chỉ có các anh và bà con nhân dân nơi đây vẫn yêu đất, yêu đồn, vẫn gắn bó với biên cương địa đầu đất nước, để làm phên dậu cho cả nước. Khi rời đi, tôi vẫn hình dung rằng: Sau những cung đường nhiều gấp khúc kia là nhiều vùng đất dẫu còn khó khăn, nhưng vẫn ấm tình quân dân, đoàn kết gắn bó về mọi mặt để bảo vệ vững chắc biên cương đất nước.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/sang-mai-tinh-doan-ket-quan-dan-138624.html