Sáng mãi thành phố mang tên Người

Từ tên gọi Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đến khi được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành phố mang tên Người luôn sáng mãi, cùng cả nước, vì cả nước, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của quốc gia. Hiện chính quyền thành phố đang tận dụng các cơ chế, chính sách, huy động mọi nguồn lực nhằm đưa thành phố 'cất cánh', xứng đáng với 'tên vàng': Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh đang vươn lên từng ngày, xứng đáng thành phố mang tên Bác. Ảnh: Nguyễn Tấn Tuấn

Cách mạng Tháng Tám với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định

Trong gian trưng bày hình ảnh, tư liệu về những sự kiện đã diễn ra trên mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cuối tháng 8, đầu tháng 9-1945 tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, nhóm phóng viên Báo Hànôịmới theo chân ông Vũ Trọng Sùng (hội viên Hội Cựu chiến binh quận 4), một người say mê nghiên cứu lịch sử, ngắm nhìn những hiện vật, tái hiện những thời khắc lịch sử của đất nước 75 năm trước. “Thời điểm tháng 8-1945, khi Đức, Nhật đầu hàng đồng minh, thời cơ giành chính quyền đã tới. Trong bối cảnh Xứ ủy Nam Kỳ chưa thể liên lạc với Trung ương, chưa có kế hoạch khởi nghĩa toàn quốc, Thường vụ Xứ ủy đã có những quyết định nhạy bén, kịp thời, chủ động giành chính quyền thành công”, ông Vũ Trọng Sùng nói.

Những hiện vật “biết nói” trong bảo tàng đã kể lại câu chuyện: Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, đứng đầu là Bí thư Trần Văn Giàu đã quyết định lập Ủy ban Khởi nghĩa ngay tối 15-8-1945, triệu tập Hội nghị Xứ ủy và chỉ định Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Ngày 20-8, được tin Hà Nội khởi nghĩa, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ quyết định phát lệnh khởi nghĩa. Ngày 22-8, khi khởi nghĩa Tân An thành công, quân Nhật “án binh bất động”, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định kêu gọi khởi nghĩa toàn miền.

Đêm 24-8-1945, 200.000 quần chúng cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các tỉnh lân cận, vũ trang giáo mác, tầm vông vạt nhọn… tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng khởi nghĩa chiếm các mục tiêu: Sở Cảnh sát, nhà ga, bưu điện, nhà đèn, các đồn bốt, dinh Khâm sai “Soái phủ Nam Kỳ”..., địch chống trả yếu ớt. Lực lượng cách mạng Sài Gòn đã giành chính quyền rất nhanh gọn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, điểm nổi bật trong Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là sự lựa chọn và quyết định chiến lược đúng đắn, phương pháp phù hợp với chiến trường đô thị xa Trung ương. Điều này mang đậm dấu ấn về trí tuệ, mưu lược cùng sự chỉ đạo đúng đắn của Xứ ủy Nam Kỳ.

“Cách chỉ đạo khởi nghĩa “gần sát với khoa học và nghệ thuật khởi nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lênin”, được các nhà sử học trong và ngoài nước đánh giá “khác” với nhiều nơi ở chỗ “chiếm từ bên trong”, “tập trung hơn và có trật tự hơn”, “đồng loạt hơn” vì tất cả đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng từ bên trong các công sở”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên nhận định.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có tính quyết định thắng lợi của Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám trên phạm vi cả nước thành công trọn vẹn.

Chia sẻ thêm với phóng viên Báo Hànôịmới, ông Vũ Trọng Sùng nhận xét: “Với tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, kiên định ý chí “nước Việt Nam là một” của Bác Hồ, người Sài Gòn - Gia Định đã cùng quân, dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, dẫn đến ngày toàn thắng 30-4-1975, thống nhất đất nước. Tên gọi “thành phố Hồ Chí Minh” đã được nhắc đến từ năm 1946, rồi chính thức từ năm 1976 đến nay là một vinh dự, ghi nhận những gì lớp lớp quân, dân thành đồng miền Nam nói chung, mảnh đất Sài Gòn - Gia Định nói riêng đã, đang và sẽ xây dựng, góp phần cho đất nước hòa bình và phát triển”.

Xứng đáng “tên vàng”

Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, nay là thành phố Hồ Chí Minh - thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - một phần “máu thịt” của đất nước đã không ngừng vươn lên, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Sau đổi mới, nhiều năm liền tăng trưởng kinh tế của thành phố duy trì tốc độ bình quân 10-12%/năm, cao hơn 1,5 lần so với cả nước, là một trong số ít thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số liên tục trong thời gian dài.

Ông Lê Ngọc Lâm (Việt kiều Nhật Bản, thành viên Câu lạc bộ Giao lưu doanh nghiệp, doanh nhân Việt - Nhật) nhận định: “Tôi cảm nhận thành phố thay đổi từng ngày. Tôi tin tưởng thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai”, ông Lê Ngọc Lâm chia sẻ.

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đã có nhiều công trình hiện đại được đưa vào sử dụng, tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng. Có thể kể đến một số công trình giao thông quan trọng như: Đường Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, hầm vượt sông Sài Gòn, đường Phạm Văn Đồng, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…

Để thành phố Hồ Chí Minh phát triển bứt phá, phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu kinh tế rất cần có chính sách, cơ chế đặc thù. Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, trong thời gian tới, thành phố cần đổi mới mô hình phát triển. Mô hình đó dựa trên 4 trụ cột: Hình thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thông qua việc thành lập thành phố Thủ Đức (tạm gọi); thực hiện mô hình chính quyền đô thị để quản lý thành phố khoảng 10 triệu dân được hiệu quả; xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố.

“Đáp lại kỳ vọng của Trung ương và cả nước, thành phố đã phát huy khả năng, điều kiện của mình, khắc phục khó khăn, giữ vững được vai trò đầu tàu kinh tế, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, tỷ lệ đóng góp trên 23% GDP cả nước; đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27,5%); giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ được khí thế, trách nhiệm với cả nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/977456/sang-mai-thanh-pho-mang-ten-nguoi