Sáng mãi tên anh người con của đất nước!

Đã hơn 50 năm, kể từ ngày Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh (15-10-1964), ngọn lửa dấn thân của anh vẫn luôn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ. Hình tượng Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trở thành cảm hứng trong văn học nghệ thuật của nhiều tác giả. Tên anh cũng được đặt cho nhiều địa danh, trường học trên khắp Việt Nam. Tác phẩm nổi tiếng nhất viết về anh Trỗi, chính là tập hồi kí "Sống như Anh" của nhà văn Trần Đình Vân...

Cuối năm 1963, nhà báo Trần Đình Vân cùng hơn 100 nhà báo vào chiến trường, sống giữa bom đạn, gian nan cùng những người lính chiến. Ở chiến trường, ông công tác tại Báo Giải phóng, đóng ở Tây Ninh, thường xuyên bám cơ sở để phản ánh tình hình sản xuất của bà con trong vùng tự do. Sau khi anh Trỗi hy sinh vài tháng, nhà báo Trần Đình Vân và một số người được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục phân công viết về anh Trỗi, để có cuốn sách về người anh hùng tiêu biểu ở miền Nam. Trong Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, anh Trỗi là tấm gương nổi bật trong số những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở miền Nam giai đoạn ấy. Dịp này, nhà văn Trần Đình Vân đã nghe chị Phan Thị Quyên-vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi kể nhiều chuyện về cuộc đời cũng như tấm gương hy sinh anh dũng của người anh hùng.

Sau đó, để có thêm các thông tin về anh, nhà văn Trần Đình Vân đi Củ Chi để gặp những người đã từng ở tù với anh Trỗi, các đồng chí chỉ huy và chiến sĩ từng công tác trong tổ biệt động với anh, để khai thác thêm tư liệu. Sau thời gian thu thập tài liệu đầy đủ và kỹ càng, ông mới bắt tay vào viết. Ông kể: "Những gì chị Quyên và đồng đội của anh Trỗi kể về anh, làm tôi vô cùng cảm động. Bởi thế, tôi đã viết cuốn sách bằng tất cả sự khâm phục, kính trọng người thanh niên Sài Gòn trẻ tuổi mà tôi chưa từng gặp mặt". Mất chừng vài tháng, nhà văn Trần Đình Vân mới hoàn thành tác phẩm viết về anh Trỗi. Từ nội dung câu chuyện, ông lấy tên sách là "Những lần gặp gỡ cuối cùng". Khi bản thảo hoàn thành, cơ quan ông lập tức gửi ra Hà Nội để xin ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Trung ương lúc bấy giờ và "Những lần gặp gỡ cuối cùng" đã được đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc và sửa lại thành "Sống như Anh". Một tháng sau, giữa chiến trường khói lửa, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà văn Trần Đình Vân biết rằng, tác phẩm "Sống như Anh" đã được Nhà xuất bản Văn học xuất bản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời mở đầu cho tác phẩm: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập".

Tái hiện cuộc đời bình dị của một người anh hùng, tác phẩm đã như ngọn lửa tiếp thêm vào đời sống tinh thần của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến giành độc lập. Qua những câu chuyện chị Quyên và đồng đội của anh Trỗi kể, nhà văn Trần Đình Vân đã khắc họa một cách chân thực và sinh động cuộc đời, đặc biệt là những "phút làm nên lịch sử" đầy bi tráng của người chiến sĩ biệt động Sài Gòn trẻ tuổi mà nhà văn chưa từng gặp mặt. Tác phẩm đã trở thành cuốn sách "gối đầu giường" của rất nhiều thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. "Sống như Anh" cũng đã được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy trong nhà trường nhiều năm liền. Cuộc đời cùng tấm gương hy sinh lẫm liệt của AHLS Nguyễn Văn Trỗi đã có sức lay động lương tri không những trong nước mà cả toàn thể nhân loại yêu chuộng hòa bình; khơi dậy, hun đúc và khuyến khích tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, đưa hàng triệu thanh niên đi vào tuyến đầu của cuộc kháng chiến, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhất là phong trào thi đua giết giặc lập công của đồng bào, chiến sĩ Sài Gòn-Gia Định-nơi anh đã sống, chiến đấu và hy sinh và Quảng Nam-quê hương anh.

Khi mới còn là bản thảo, nhà báo Trần Đình Vân cũng đã đến Đài Tiếng nói Việt Nam kể chuyện cho các biên tập viên và cộng tác viên của đài nghe. Từ những lần tiếp xúc đó, từ tác phẩm "Sống như anh" mà nhạc sĩ Thanh đã sáng tác ca khúc nổi tiếng "Lời anh vọng mãi ngàn năm" với những câu tha thiết, đầy tinh thần tri ân: "Sáng mãi tên anh người con của đất nước/ Sông núi reo ca người anh hùng Thành đồng bất khuất...

KHÁNH NGUYÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_196807_sang-mai-ten-anh-nguoi-con-cua-dat-nuoc-.aspx